UNESCO xếp rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng vào danh sách "đang gặp nguy hiểm"?

Quỳnh Chi |

Đây là thông tin do Cơ quan quản lý rạn san hô Great Barrier của Australia đưa ra.

Năm 2021, rạn san hô Great Barrier của Australia, một di sản thế giới, đã không bị đưa danh sách "đang gặp nguy hiểm" lần thứ hai sau khi Canberra đàm phán và thuyết phục mạnh mẽ để UNESCO hoãn đưa ra quyết định sang năm nay.

Cơ quan quản lý công viên biển Great Barrier Reef cho biết trong một bản cập nhật hàng tuần, hầu hết công viên biển đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng "căng thẳng nhiệt đáng kể" trong mùa hè, với nhiệt độ nước ở một số khu vực cao hơn mức trung bình từ 2 - 4°C.

Cụ thể, Cơ quan quản lý công viên biển Great Barrier Reef thông báo cập nhật trên trang web của mình: "Sự tẩy trắng đã được phát hiện trên khắp công viên biển ở mức phổ biến và bất định ở nhiều khu vực, với tác động từ nhẹ đến nghiêm trọng".

Các cuộc khảo sát trên không cho thấy, toàn bộ rạn san hô đã bị tẩy trắng ở một số địa điểm, và ở một số khu vực đã có báo cáo về việc san hô chết .

UNESCO xếp rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng vào danh sách đang gặp nguy hiểm? - Ảnh 1.

Rạn san hô Great Barrier Reef phải đối mặt với tình trạng bị tẩy trắng. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan chức năng Australia xác nhận: "San hô trên khắp công viên biển dễ bị tổn thương do thực trạng nhiệt độ tăng cao đang diễn ra".

Các chuyên gia của UNESCO sẽ ở Australia trong 10 ngày kể từ ngày 21/3 để gặp gỡ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách từ chính quyền các bang của nước này và đại diện cư dân, một phát ngôn viên của Bộ Môi trường liên bang Australia cho biết.

Nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo với Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, dự kiến ​​sẽ họp vào tháng 6.

Giới chức Australia đã bị chỉ trích vì không thực hiện những nỗ lực đầy đủ để cứu Great Barrier, rạn san hô lớn nhất thế giới, mặc dù nước này đã tăng cường ngân sách để cải thiện chất lượng nước, giám sát rạn san hô và bảo vệ môi trường sống lên 1 tỷ AUD (738 triệu USD) trong năm nay.

Trong khi đầu tư vào các chương trình này, Canberra đã đặt ra các mục tiêu ít tham vọng hơn để hạn chế lượng khí thải carbon, nguyên nhân gây ra sự nóng lên của các đại dương, vào năm 2030 so với Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu.

Giám đốc điều hành Quỹ Bảo tồn Australia Kelly O'Shanassy cho biết: "Chỉ có hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu mới mang lại cơ hội tồn tại cho rạn san hô".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại