Unesco Việt Nam nói gì về việc xâm hại di sản Tràng An (Ninh Bình)?

Nguyễn Tuân |

Trước việc CTCP Du lịch Tràng An xây dựng trái phép đường lên núi Cái Hạ dài 1,1 km xâm hại vùng lõi danh thắng Tràng An diễn ra trong thời gian dài, đại diện Unesco Việt Nam đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp cấp lãnh đạo lần thứ năm Sáng kiến Liên minh vịnh Hạ Long – Cát Bà diễn ra tại TP. Hạ Long chiều 13/3, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam, đánh giá cao việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam đã vào cuộc ngay lập tức sau khi phát hiện ra sự việc.

Tuy nhiên, ông Michael Croft nhấn mạnh vấn đề không phải ở Bộ mà là ở địa phương, đồng thời bày tỏ sự không hài lòng khi sự việc diễn ra lâu như vậy nhưng đến nay mới được phanh phui.

“Việc giấu thông tin như vậy không phải là cách làm tốt nhất của tỉnh Ninh Bình”, ông Michael Croft nói. “Trong quản lý di sản, người dân địa phương có vai trò rất quan trọng vì họ là người ở “tuyến đầu”, không phải lúc nào Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng có mặt để bảo vệ”.

Nói về ứng xử của Việt Nam đối với di sản thiên nhiên, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn Hóa, Unesco Việt Nam, nêu thực trạng chúng ta cố gắng để được Unesco công nhận di sản, nhưng khi được công nhận lại không có ý thức giữ gìn.

Với trường hợp xây dựng trái phép tại vùng lõi danh thắng Tràng An, chúng ta có cả một hệ thống quản lý giống như trong hồ sơ đã được đệ trình lên Unesco, trong đó Việt Nam đã tuyên bố rất rõ với Unesco là có đầy đủ hệ thống pháp luật và cơ cấu quản lý để chứng minh có thể bảo vệ được di sản.

“Thế nhưng thực tế chúng ta đã làm ngơ để việc đó diễn ra. Đây rõ ràng là nhận thức của những người có trách nhiệm,” bà Hường tiếp tục.

“Bài học của Tràng An đang đặt ra những thách thức cho cấp quản lý trung ương, trong một sân chơi toàn cầu chúng ta sẽ không thể chỉ trích những người khác vi phạm luật quốc tế trong khi chính chúng ta cũng vi phạm với những gì chúng ta cam kết”.

Đối với Hạ Long và Cát Bà, Trưởng ban Văn hóa của Unesco Việt Nam cho rằng ngay từ bây giờ chúng ta cần phải hành động, để không xảy ra câu chuyện giống như Tràng An.

“Chúng ta không chỉ mong được Unesco công nhận để rồi coi đó như “cục nam châm” thu hút nhiều du khách hơn, mục tiêu cao hơn là bảo tồn.

Sự bảo tồn không có nghĩa là đi ngược lại với quá trình phát triển, mà nó giúp cho chúng ta giữ được động lực cho phát triển trong dài hạn. Nếu không, rất nhanh chóng “cục nam châm” sẽ mất tác dụng”.

Unesco Việt Nam nói gì về việc xâm hại di sản Tràng An (Ninh Bình)? - Ảnh 1.

GS Nguyễn Hoàng Trí, Chương trình con người và sinh quyển Unesco.

Cùng nói về vấn đề của Tràng An, GS Nguyễn Hoàng Trí, Chương trình con người và sinh quyển Unesco, cho rằng điểm nóng Tràng An vừa qua chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Quản lý di sản không phải là xây được bao nhiêu cái nhà hay bao nhiêu ngôi chùa. Gốc rễ ở dưới là đơn vị vi phạm đã có đường đi nước bước, bên trong đó là cả một thế lực ngầm.

“Trường hợp tệ hại nhất có thể là Unesco rút danh hiệu công nhận di sản thiên nhiên. Mỗi quốc gia khi làm hồ sơ công nhân di sản đều phải có cam kết quốc gia, Unesco sẽ không thông qua nếu quốc gia đó không có một chính sách quản lý.

Thế nhưng việc công nhận rồi sau đó vi phạm là việc của quốc gia chứ không còn là việc của Unesco. Nếu quốc gia đó thấy không cần thiết thì họ có thể tự rút khỏi danh hiệu.

Nhưng chúng ta thấy rằng danh hiệu ấy vẫn còn có lợi ích thì vẫn phải giữ lại, mà đã giữ lại thì buộc phải tuân thủ quy định của Unesco”, GS Nguyễn Hoàng Trí nói.

Cũng theo GS. Trí, đối với một quốc gia, sau khi được Unesco công nhận di sản cần ban hành bộ quy chế, chịu trách nhiệm với chính mình và sau đó chịu trách nhiệm với quốc tế.

Việc này chúng ta chưa làm được vì chưa tôn trọng cam kết với quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại