Ukraine và phương Tây thận trọng với “kế hoạch hòa bình” của Trung Quốc

Thu Hoài |

Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ hai, Trung Quốc đã công bố một tài liệu gồm 12 điểm, trong đó kêu gọi Nga và Ukraine nối lại đối thoại, đồng thời bác bỏ mọi hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cả Ukraine và phương Tây đều thận trọng do lo ngại về quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc với Nga.

Tài liệu bao gồm một số đề xuất quan trọng do Trung Quốc đưa ra, trong đó nhấn mạnh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như an ninh của tất cả các quốc gia cần được tôn trọng nhằm tạo điều kiện cho đàm phán hòa bình hướng tới chấm dứt xung đột. Đây cũng là lập trường được nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị khẳng định trong chuyến thăm Nga hồi tuần này.

Ukraine và phương Tây thận trọng với “kế hoạch hòa bình” của Trung Quốc - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với phía Nga để duy trì quyết tâm chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, tăng cường hợp tác chiến lược, mở rộng hợp tác thực chất toàn diện và đóng vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của hai nước chúng ta trong thúc đẩy sự nghiệp hòa bình và phát triển trên thế giới”.

Tuy nhiên cả Ukraine và các nước phương Tây đều tỏ ra thận trọng. Ukraine đã gọi tài liệu này là một “dấu hiệu tốt”, nhưng cho rằng, Trung Quốc nên tích cực hơn trong việc hỗ trợ nước này.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock một lần nữa nhấn mạnh lập trường việc Nga rút quân khỏi Ukraine phải là một điều kiện của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Đại sứ Liên minh châu Âu tại Trung Quốc Jorge Toledo thì cho rằng, tài liệu do Trung Quốc công bố không phải là một kế hoạch hòa bình nhưng EU sẽ nghiên cứu. Mỹ và châu Âu đang ngày càng coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và không ngừng bày tỏ lo ngại về mối quan hệ đặc biệt giữa nước này với Nga.

Ukraine cũng từng đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, song đã bị Nga bác bỏ và cho rằng những đề xuất này phải tính đến "tình hình thực tế" của 4 tỉnh Nga đã sáp nhập. Theo nhà nghiên cứu Trương Hồng tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong bối cảnh mọi nỗ lực hòa giải cuộc xung đột tới nay đều thất bại, một kế hoạch hòa bình mới có thể sẽ cần thiết để phá vỡ thế bế tắc hay ít nhất có thể khiến các bên chuyển trọng tâm từ chiến đấu sang đàm phán./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại