Vai trò của pháo binh trong kế hoạch tác chiến của Nga
Pháo binh được coi là “vua chiến trường” đóng vai trò trung tâm trong cách thức tiến hành xung đột của Nga. Một số chuyên gia mô tả lực lượng mặt đất của Nga chủ yếu là những đội quân pháo binh sở hữu rất nhiều xe tăng. "Nói cách khác, Nga sử dụng pháo binh làm hình thức sát thương chính trong các trận chiến tầm gần và các cuộc giao tranh nằm sâu trong lãnh thổ đối phương", báo cáo về pháo binh Nga của Viện Nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) công bố năm 2023 nêu rõ.
Đánh giá về vai trò của pháo binh trong kế hoạch tác chiến của Nga, báo cáo của Viện Nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định: “Pháo binh là trọng tâm của lực lượng mặt đất Nga. Đây được coi là phương tiện hiệu quả nhất để đánh bại lực lượng của đối phương, bằng cách phá hủy hoặc làm suy yếu khả năng đối phó”.
Báo cáo lưu ý: “Nếu như NATO coi pháo binh là một yếu tố hỗ trợ để tạo tiền đề cho các lực lượng cơ động tấn công đối phương thì Nga coi các lực lượng cơ động là nhân tố cơ bản để đưa đối phương vào vị trí pháo binh tấn công, để đánh bại hoặc tận dụng sự tàn phá do pháo binh gây ra cho đối phương nhằm giành lợi thế”.
Theo báo cáo của RUSI, tỷ lệ hỏa lực của Nga ở giai đoạn đầu xung đột đạt đến mức đỉnh điểm. Ước tính, Moscow bắn “khoảng 38.000 viên đạn mỗi ngày kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022 đến tháng 6/2022”. Nhưng kể từ đó, tốc độ bắn của Nga khá ổn định, ở mức từ 7.000 đến 16.000 viên đạn mỗi ngày. Trái lại, hỏa lực pháo binh của Ukraine chỉ đạt đỉnh ở mức khoảng 9.000 viên đạn mỗi ngày và hiếm khi vượt quá 6.000 viên đạn mỗi ngày. Đến đầu năm 2024, Ukraine bắn chưa tới 1.800 viên đạn mỗi ngày.
Bất chấp những tổn thất do Ukraine gây ra, Nga đã tăng cường bổ sung các hệ thống pháo binh cho quân đội nước này và ổn định nguồn cung cấp đạn dược bằng cách đẩy mạnh sản xuất vũ khí ở trong nước. Vào năm 2024, Nga dự kiến sẽ sản xuất 1,325 triệu viên đạn 152 mm mới và 800.000 viên đạn 122 mm, đồng thời tân trang số lượng lớn đạn dược các kho dự trữ còn lại. Ngoài ra, Nga có thể mua thêm đạn dược từ các đối tác như Iran, Syria và Belarus.
Báo cáo của RUSI tiết lộ "pháo binh Nga vẫn là nguyên nhân gây thương vong hàng đầu cho quân đội Ukraine. Tỷ lệ thực tế thay đổi theo chiều dài của tiền tuyến và không đồng đều, nhưng phân tích do Nhóm hỗ trợ y tế và phẫu thuật toàn cầu biên soạn, công bố vào năm 2023 cho thấy, 70% con số thương vong trong chiến đấu của Ukraine là do pháo binh Nga gây ra".
Trong bối cảnh tiền tuyến kéo dài hơn 1.000km, Ukraine đang nỗ lực duy trì đủ số lượng binh sỹ có khả năng chiến đấu tốt để giữ các vị trí phòng thủ trên khắp khu vực, lại vừa tìm cách huy động đủ quân dự bị để luân chuyển các đơn vị của họ. Tốc độ luân chuyển tăng lên ở những khu vực mà các đơn vị Ukraine đang chịu áp lực lớn.
Một số nhà phân tích nhận định, tính đến tháng 8/2024, chiến lược của Nga đã thay đổi. Moscow không tập trung vào những đột phá lớn, thay vào đó bào mòn năng lực chiến đấu của lực lượng Ukraine với việc sử dụng pháo binh gây tiêu hao liên tục cho quân đội Ukraine. Sự chênh lệch lớn về hỏa lực pháo binh là một trong những lý do khiến Điện Kremlin tin rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Chiến thuật mới của Ukraine
Tuy vậy, theo RUSI, khi xung đột càng kéo dài, sự phụ thuộc của Nga vào các nhà cung cấp nước ngoài sẽ càng trở nên hạn chế hơn, đặc biệt là việc nhập khẩu nguyên liệu thô và các linh kiện cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng pháo binh.
“Nếu chuỗi cung ứng của Nga bị phá vỡ, khả năng tấn công và phòng thủ của Nga sẽ bị suy yếu. Bất kể điều gì xảy ra ở Ukraine, lợi thế quân sự Nga sẽ không biến mất, sự mở rộng của ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang của nước này cho thấy rõ điều này. Đây là lý do Ukraine và phương Tây liên tục tìm cách phá vỡ sự mở rộng này, đặc biệt làm chậm quá trình sản xuất pháo binh của Nga để ngăn Moscow đạt được những thành công mới vào năm 2025”, RUSI lưu ý.
Việc tiêu diệt pháo binh đối phương là một quá trình gồm ba giai đoạn. Đầu tiên, phải xác định vị trí của hệ thống pháo, có thể là từ dữ liệu do vệ tinh hoặc các nguồn thu thập thông tin tình báo nước ngoài cung cấp hay qua dữ liệu từ máy bay không người lái. Tiếp theo, thông tin này sẽ được chuyển đến hệ thống chỉ huy và kiểm soát để các chỉ huy có thể chỉ định vũ khí tấn công pháo binh trong thời gian ngắn trước khi kíp bắn của đối phương di chuyển. Cuối cùng, phải có vũ khí có khả năng tấn công mục tiêu xa, ở phía sau tiền tuyến.
Ukraine được cho là sở hữu nhiều máy bay không người lái, trong đó có những máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) có tầm hoạt động tối đa là 20km. Trước đây, hầu hết pháo binh Nga có thể tránh xa UAV FPV của Ukraine, nhưng trong những tháng gần đây, Moscow đã sử dụng nhiều loại pháo cỡ nhỏ hơn - 122mm thay vì 152mm - có tầm bắn ngắn hơn khiến chúng dễ bị tấn công. Điều này có thể giải thích cho việc Kiev phá hủy pháo binh Nga với số lượng ngày càng nhiều hơn. Kể từ tháng 4/2024, Ukraine đã triển khai số lượng lớn UAV Ukrolancet, có cánh thay vì sử dụng rotor, có tầm hoạt động xa hơn nhiều so với các UAV khác, đưa phần lớn pháo binh Nga vào tầm ngắm.
Một số nhà phân tích dự đoán, với tỷ lệ tổn thất lớn như vậy, Nga chỉ có khả năng duy trì lợi thế pháo binh đến hết năm 2025. Trong trường hợp tổn thất gia tăng, Nga sẽ gặp khó khăn đáng kể trong việc duy trì sức mạnh trên tiền tuyến.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chiến đấu của Nga. Máy bay không người lái và bom lượn có thể bù đắp một phần sự thiếu hụt, nhưng với lực lượng pháo binh hạn chế, Nga sẽ bị giới hạn đáng kể trong cả hoạt động tấn công lẫn phòng thủ.