Reuters dẫn lời các nhà điều tra Ukraine cho biết đây là lần đầu tiên một loại vũ khí mạnh như tên lửa Oreshnik được sử dụng trong xung đột. Quân đội Ukraine phải mất nhiều ngày mới có thể xác định các mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa sau cuộc tấn công vào thành phố Dnipro hôm 21/11.
Vì lý do an ninh, quân đội Ukraine không tiết lộ vị trí chính xác thu hồi các mảnh vỡ của tên lửa.
Từ những hình ảnh ban đầu, hầu hết các mảnh vỡ còn sót lại của đầu đạn Oreshnik đều bị cháy đen và được tập trung lại một cơ sơ giám định vũ khí gần hiện trường.
Hiện các chuyên gia Ukraine đang nghiên cứu những gì còn sót lại của tên lửa Oreshnik để hiểu hơn về khả năng tấn công và hoạt động của vũ khí này.
Ngày 22/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh mang tên Oreshnik (Cây phỉ) vào các mục tiêu quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro.
Nhà lãnh đạo Nga còn nhấn mạnh mẫu tên lửa này không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện có của phương Tây.
Còn theo phía Ukraine, tên lửa Oreshnik có tốc độ bay lên đến 13.000km/h và có tầm tấn công khoảng hơn 5.500km.
Hai chuyên gia vũ khí của Ukraine cho biết, Oreshnik giống như hầu hết các mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa và sử dụng đầu đạn hồi quyển. Nhưng từ chối đưa ra nhận định chính xác về sức mạnh của dòng tên lửa mới của Nga.
"Đây là những kết luận sơ bộ và để đưa ra kết luận cụ thể hơn cần có thời gian và nghiên cứu cẩn thận những gì còn lại của tên lửa", một trong hai chuyên gia Ukraine cho biết.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gọi vụ tấn công là sự leo thang nghiêm trọng và kêu gọi các đồng minh của Kiev phản ứng. Ukraine ban đầu cho biết vũ khí này có vẻ là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Điện Kremlin sau đó cho biết họ đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung mới vào một mục tiêu quân sự của Ukraine ở Dnipro, hành động này để đáp trả việc Kiev tấn công Nga bằng tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thiết kế của tên lửa Oreshnik dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh. Đồng thời nhận định tên lửa mới này là tên lửa thử nghiệm và Nga có thể chỉ sở hữu một số ít tên lửa Oreshnik.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho biết, Moskva sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa Oreshnik trong điều kiện thực thế và quân đội nước này đang có trong tay số lượng đáng kể vũ khí này.
Hiện vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng về vụ tấn công 21/11, bao gồm cả mức độ thiệt hại do tên lửa gây ra. Ukraine hiếm khi tiết lộ thiệt hại đối với các mục tiêu quân sự vì lo ngại thông tin như vậy sẽ có lợi cho Moskva.