Quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua đạo luật ngày 23-9. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, đạo luật trên được thông qua một ngày sau khi cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bị ám sát hụt ở thủ đô Kiev.
Đạo luật giúp xác định một cá nhân hội đủ những yếu tố nào để có thể được xem là một nhà tài phiệt cũng như trao quyền cho Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine do Tổng thống Zelenskiy đứng đầu nhằm xác định ai đáp ứng những yếu tố đó.
Tổng thống Zelenskiy tuyên bố cần phải bảo vệ đất nước khỏi các doanh nhân quyền lực, cáo buộc họ "làm hỏng hệ thống chính trị của Ukraine trong nhiều thập kỷ".
"Nhờ đạo luật hạn chế giới tài phiệt, Ukraine có cơ hội xây dựng quan hệ văn minh và trong sạch giữa doanh nghiệp lớn và nhà nước. Nhiều chính trị gia có thể không thích nó. Họ muốn sống như trước đây, làm việc cho các nhà tài phiệt. Có rất nhiều áp lực đối với các chính trị gia của chúng tôi, bao gồm mưu mô và tống tiền. Nhưng bây giờ, đạo luật đã được thông qua" - Tổng thống Zelenskiy nói.
Trong khi đó, phe đối lập cho rằng đạo luật "sẽ được áp dụng có chọn lọc để tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay tổng thống".
Sau khi được thông qua với 279/450 phiếu tại Quốc hội, đạo luật sẽ được Tổng thống Zelenskiy ký để chính thức có hiệu lực.
Năm 2019, Tổng thống Zelenskiy giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử. Ông cam kết xử lý tình trạng tham nhũng và kiềm chế ảnh hưởng của giới tài phiệt vốn thống trị kinh doanh, truyền thông và chính trị.
Trước đó, ngày 22-9, cố vấn Serhiy Shefir của Tổng thống Zelenskiy bị ám sát hụt ở thủ đô Kiev song chưa rõ có sự nhúng tay của giới tài phiệt hay không.
Hồi tháng 12-2019, doanh nhân kiêm chính trị gia ở Kiev, ông Vyacheslav Sobolev, cũng bị ám sát hụt khiến con trai 3 tuổi của người này thiệt mạng. Chiếc xe của ông Sobolev bị trúng đạn ở trung tâm thủ đô.
Ông Sobolev là doanh nhân đến từ vùng Donetsk. Từ năm 2010-2011, ông Sobolev là giám đốc điều hành tại Công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz.