Sau những tổn thất nặng nề gần đây của Không quân Ukraine, một nhà lập pháp của nước này đã lên tiếng bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về tương lai của những chiếc máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây sẽ chuyển giao cho Ukraine, rằng chúng sẽ chịu chung số phận như những chiếc Su-27 mới bị phá hủy tại sân bay Mirgorod cách đây không lâu.
Những vụ tấn công mới nhất của Nga
Vào ngày 1/7, một máy bay không người lái của Nga phát hiện 6 chiếc tiêm kích Su-27 thuộc Lữ đoàn Không quân Chiến thuật 831 của Ukraine, đậu lộ thiên trên đường băng của căn cứ không quân Mirgorod. Căn cứ này nằm ở miền Trung Ukraine, cách biên giới với Nga khoảng 150 km về phía tây nam.
Nắm bắt cơ hội, Nga đã phóng một quả tên lửa đạn đạo Iskander, phá hủy 2 chiếc và làm hư hại 4 chiếc còn lại. Người phát ngôn của lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yuri Ignat đã xác nhận vụ tấn công trên và cho biết đây là một trong những tổn thất lớn nhất của không quân Ukraine, kể từ khi Nga mở rộng xung đột từ tháng 2/2022.
Các kênh Telegram của Nga và Ukraine cũng đưa tin về cuộc tấn công. Kênh Telegram Rybar của Nga cho biết, bom chùm đã được sử dụng trong cuộc tập kích trên. Kênh này cho biết thêm: "Dựa trên những nguồn tin từ đối phương, nhiều khả năng Ukraine cũng chịu tổn thất về phi công và kỹ thuật viên".
Ngay ngày hôm sau (2/7), một UAV của Nga đã trinh sát căn cứ không quân Poltava của Ukraine, nằm sát Mirgorod về phía đông và cách biên giới Nga 160 km. Vài giờ sau Nga đã phóng một tên lửa Iskander, làm hư hại một trực thăng chiến đấu Mi-24 của Ukraine.
Điểm yếu của Ukraine
Kể từ mùa thu 2023, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân của Ukraine và gây ra tổn thất đáng kể với 2 tiêm kích Su-27, 2 tiêm kích MiG-29, 1 cường kích Su-25 và một máy bay trực thăng Mi-24.
Tần suất tấn công và mức độ thành công của những cuộc tấn công này cho thấy tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không, khiến các căn cứ của Ukraine dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Nga.
Theo các báo cáo của Ukraine, một UAV của Nga đã xuất hiện gần 3 giờ tại căn cứ không quân Mirgorod, thu thập thông tin tình báo trước khi chỉ điểm cho một cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander. Kênh Telegram của Lữ đoàn xung kích Sofa Ukraine, đã bày tỏ sự tức giận trước việc UAV Nga hoạt động trong một thời gian dài mà không bị ngăn chặn.
Lữ đoàn này cũng thừa nhận rằng, UAV Nga đã chụp lại được cả thiệt hại do vụ tập kích này gây ra. Nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ, Vijainder K Thakur, một chuyên gia chuyên theo dõi xung đột Nga - Ukraine suy đoán rằng, chiếc UAV trong vụ việc trên rất có thể là loại Albatros M5. Loại UAV này rất tiên tiến, với khả năng tàng hình đã khiến cho Ukraine không thể phát hiện ra sự hiện diện của nó.
Albatros M5 được trang bị cảm biến quang điện, có khả năng truyền dữ liệu và hình ảnh video theo thời gian thực để chỉ thị máy bay và pháo binh tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Ngoài ra, các cảm biến của Albatros có tác dụng như mồi nhử để thu hút hỏa lực cũng như phát hiện hệ thống phòng không của đối phương. Nếu phòng không Ukraine cố gắng bắn hạ UAV này, thì sẽ bị tấn công trả đũa ngay lập tức.
UAV Albatros M5, có sải cánh 3,3 mét, có thể hoạt động trong 4,5 giờ ở độ cao tối đa là 5km, phạm vi hoạt động 300 km, thời gian chuẩn bị bay không quá 10 phút. Hạn chế của Albatros M5 là cảm biến quang điện từ của nó không hiệu quả trong điều kiện thời tiết nhiều mây.
Liệu F-16 có chịu chung số phận?
Các cuộc tấn công nhằm vào những sân bay của Ukraine trong thời gian qua, đã khiến giới chức Ukraine bày tỏ mối quan ngại về sự an toàn của các máy bay chiến đấu F-16 mà họ sắp tiếp nhận từ phương Tây.
Trong 9 tháng qua, Nga đã phá hủy ít nhất 5 máy bay chiến đấu của Ukraine ngay trên mặt đất. Trong khi đó, lực lượng Ukraine đã bị căng mỏng và khó có thể chịu thêm những tổn thất như vậy vào thời điểm quan trọng này.
Trước khi nổ ra xung đột với Nga, Không quân Ukraine sở hữu khoảng 125 máy bay phản lực, bao gồm Su-27, Su-25 và MiG-29. Tuy nhiên, theo xác nhận của nhóm phân tích Oryx, sau 28 tháng giao tranh, Ukraine đã mất tới 90 máy bay (khoảng 3/4).
Để bù đắp những tổn thất này, Ukraine đã tìm nguồn cung cấp máy bay MiG và Sukhoi từ các đồng minh, cũng như kho niêm cất để duy trì khả năng hoạt động của không quân, cho đến khi các máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây tới được Ukraine.
Tuy nhiên, mối lo ngại chính là liệu Ukraine có đủ sức để bảo vệ những chiếc F-16 này trước UAV và tên lửa của Nga hay không. Ý thức được điều này, Ukraine đang xây dựng các kho ngầm và boongke tại các căn cứ không quân trên lãnh thổ của mình. Ngoài ra, họ còn có kế hoạch cất giữ một số tiêm kích F-16 tại các căn cứ ở nước ngoài. Hiệu quả của những bước chuẩn bị này của Ukraine vẫn còn phải chờ xem trong thời gian tới.