Ukraine “đi trên dây” khi liên tục tấn công huyết mạch kinh tế của Nga

Mai Trang |

Thời gian đần đây, Ukraine liên tục sử dụng UAV tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, đặc biệt là nhắm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ dầu ở nhiều khu vực. Điều này có thể đe dọa đến nguồn cung nhiên liệu và doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga, cũng như khiến giá dầu toàn cầu tăng cao.

Ukraine đánh vào huyết mạch kinh tế Nga

Vào đầu tháng 4, máy bay không người lái Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga ở khu vực Tatarstan của Nga, cách biên giới nước này khoảng 1.300km. Cơ quan tình báo Ukraine cũng xác nhận thực hiện thêm vụ tấn công khác nhằm vào đến một nhà máy sản xuất UAV tấn công tầm xa Shahed của Nga. Cuộc tấn công vào khu vực Tatarstan của Nga chỉ là một trong nhiều cuộc tấn công của Kiev nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Moscow kể từ đầu năm nay.

Ukraine “đi trên dây” khi liên tục tấn công huyết mạch kinh tế của Nga- Ảnh 1.

Ukraine bắt đầu tăng cường tập kích vào các hạ tầng năng lượng của Nga. Ảnh: WSJ

Theo S&P Global Commodity Insights, các cuộc tấn công của Ukraine đã làm gián đoạn 16% công suất lọc dầu của Nga vào cuối tháng 3. Điều này tương đương với việc Nga mất đi một triệu thùng sản phẩm tinh chế mỗi ngày, từ nhiên liệu máy bay phản lực đến dầu diesel và xăng.

Giới phân tích đánh giá, việc công suất lọc dầu của Nga bị gián đoạn là một vấn đề lớn đối với Điện Kremlin. Điều này không chỉ làm giảm nguồn nhiên liệu của Nga mà còn khiến Moscow có ít sản phẩm hơn để xuất khẩu sang các quốc gia đối tác thương mại như Ấn Độ và Trung Quốc, từ đó đặt ra mối đe dọa đối với nguồn thu của Điện Kremlin.

“Một số người cho rằng những lệnh trừng phạt từ phương Tây và các đòn tập kích của Ukraine vẫn chưa đủ để thực sự gây ảnh hưởng đến Nga. Nhưng với những diễn biến hiện tại, sớm hay muộn Nga cũng sẽ cảm nhận được sự ảnh hưởng”, Craig Kennedy, cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á-Âu của Đại học Harvard, cho biết.

Theo Telegraph, Tổng thống Putin dường như lo ngại về nguy cơ thiếu nhiên liệu và đang nỗ lực tăng cường nguồn cung.

Từ ngày 1/3, Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu bên ngoài liên minh kinh tế Á-Âu trong vòng 6 tháng nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường nội địa ở giai đoạn nhu cầu cao. Moscow đang nhanh chóng tăng cường nhập khẩu xăng từ Belarus, vốn đã tăng từ con số 0 trong tháng 1 lên 3.000 tấn xăng trong nửa đầu tháng 3.

Reuters tuần trước đưa tin, Nga đã yêu cầu Kazakhstan sẵn sàng cung cấp 100.000 tấn xăng dầu trong trường hợp Moscow có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng.

“Tình trạng thiếu xăng tạm thời có thể xảy ra nếu Ukraine tiến hành đồng thời các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào nhiều nhà máy lọc dầu của Nga”, Tatiana Orlova, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Oxford Economics, cho biết.

Cách Nga đối phó với lệnh trừng phạt

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine diễn ra trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu của Nga đang đối mặt với các vấn đề khác. Nhiều nhà máy lọc dầu được sản xuất với các bộ phận của phương Tây để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu trước khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Trong khi đó, chuyên gia Kennedy cho biết, hiện nay các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với Nga đang cản trở quá trình bảo trì nhà máy lọc dầu. Ngoài ra, lũ lụt lớn ở Nga cũng buộc nhà máy lọc dầu Orsk ở Urals phải tạm dừng sản xuất vào tuần trước.

“Nhập khẩu nhiên liệu từ các đồng minh như Kazakhstan và Belarus sẽ tốn kém và khó có thể lấp đầy khoảng trống. Năng lực sản xuất của họ nhỏ hơn nhiều so với Nga nên họ sẽ không thể bù đắp toàn bộ sự thiếu hụt nếu có Moscow cần nguồn cung nhiên liệu lớn”, ông Kennedy cho hay.

Nga hiện có khả năng lọc khoảng 5 triệu thùng dầu thành phẩm mỗi ngày và khoảng một nửa được tiêu thụ trong nước.

Dầu khí là nền tảng của nền kinh tế Nga. Theo phân tích của chuyên gia Vitaly Yermakov tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, lĩnh vực này đóng góp 42% doanh thu vào ngân sách liên bang của Nga trong năm 2022. Giá năng lượng giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến tỷ lệ này giảm xuống còn 32% vào năm 2023, nhưng tổng giá trị vẫn là 108 tỷ USD.

Giờ đây, việc một số nhà máy lọc dầu tạm ngừng hoạt động có nguy cơ làm con số đó có thể tiếp tục giảm. Nếu Nga không thể lọc dầu, nước này sẽ dư thừa dầu thô để xuất khẩu. Trong khi đó, Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể giải quyết vấn đề này một cách thực tế.

Ấn Độ là nước mua dầu thô đường biển Nga lớn nhất. Trong năm 2023, dầu thô Nga chiếm gần một nửa lượng mua của Ấn Độ. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến một số hàng hóa bị mắc kẹt.

Ukraine sẽ tiến được bao xa?

Giới quan sát đặt ra một câu hỏi rằng liệu Ukraine sẽ tiến xa hơn như thế nào trong các cuộc tập kích vào cơ sở năng lượng của Nga?

“Đây là điểm khởi đầu hay kết thúc của cuộc chiến nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Nếu Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công, điều này có thể gây ra thách thức nhiều hơn đối với Nga”, Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nói.

Khoảng 3/4 nhà máy lọc dầu của Nga nằm trong tầm bắn của máy bay không người lái và tên lửa Ukraine. Hơn 60% cơ sở xuất khẩu dầu của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa Ukraine, nếu Kiev quyết định tăng cường tấn công.

Mặc dù vậy, Ukraine có thể đang “đi trên dây” khi tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga . Việc này có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng cao, điều mà Mỹ hay các nước châu không mong muốn. Giá dầu Brent đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm và hiện đang dao động ở mức gần 90 USD/thùng. Nếu Ukraine gia tăng các đòn tập kích nhằm vào kho dầu của Nga, giá dầu có thể tăng cao hơn nữa.

“Các thị trường đang nhận thức được thực tế rằng có nhiều sự gián đoạn trong việc xuất khẩu dầu từ Nga. Tôi nghĩ rằng giá dầu Brent có thể lên tới 100 USD/thùng”, bà Croft cho hay.

Phương Tây đã đưa ra các lệnh trừng phạt nặng nề nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng họ đã cơ cấu chúng để đảm bảo xuất khẩu dầu khí của Nga có trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn giá hàng hóa tăng vọt.

Theo Financial Times, các quan chức cấp cao của cơ quan an ninh nhà nước Ukraine đã nhận được nhiều lời kêu gọi từ chính phủ Mỹ yêu cầu ngừng tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga.

“Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu quân sự, vì các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga có thể làm tăng giá dầu toàn cầu. Những cuộc tấn công đó có thể gây tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu. Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc xung đột hiện tại”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẵn sàng tuân theo Mỹ về vấn đề này. Đầu tuần này, Cơ quan tình báo quân sự Ukraine thông báo rằng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Nga sẽ tiếp tục mở rộng.

Ukraine ban đầu tuyên bố các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm mục đích làm gián đoạn việc cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và “gây ra một đòn mang tính tượng trưng bằng cách đưa cuộc xung đột đến gần Moscow hơn”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Zelensky khẳng định đó là một hình thức răn đe vì Ukraine sắp cạn kiệt tên lửa cho hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại