Uber, Grab sau thí điểm: Tồn tại hay không?

Đức Tài |

Sau 2 năm thí điểm hoạt động, vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về định danh của mô hình kinh doanh như Uber hay Grab.

Ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng, anh Trung chạy đến trạm xe buýt Hẻm 10 trước bến xe miền Đông rồi bật ứng dụng Grab dành cho tài xế và ngồi chờ thông báo nhận khách. Trước đây, sau một lần bị hăm dọa đánh do rước khách bên trong bến xe nên giờ anh phải đón khách ở đây với các lái xe ôm công nghệ khác.

Nhiều lần bỏ do ế khách nhưng rồi cũng phải quay lại làm tài xế vì anh cũng không biết xin công việc nào khác.

Không chỉ có những tài xế như anh Trung gặp rắc rối với loại hình kinh doanh mới này. Hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức cho thấy, sau 2 năm thí điểm hoạt động, vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau về định danh của mô hình kinh doanh như Uber hay Grab.

Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã coi loại hình kinh doanh như Uber, Grab là kinh doanh taxi. Đặc biệt, ngày 20.12.2017, Tòa án Công lý châu Âu tại Luxembourg đã đưa ra phán quyết coi Uber là công ty vận tải. Tại Việt Nam, Bộ Công Thương coi loại hình này là vận tải như taxi, đề nghị phải quản lý như taxi.

"Chính vì việc chưa định danh được loại hình vận tải đã tạo ra những bất bình đẳng và gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường vận tải", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nhấn mạnh.

Vị này cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đang coi Uber, Grab là các công ty cung cấp dịch vụ phần mềm. Vì vậy, trong suốt thời gian qua Grab đã kê khai doanh thu là phí sử dụng phần mềm kết nối, không phải chịu thuế VAT.

"Quy định đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải như người điều hành, trung tâm điều hành, đăng ký chất lượng dịch vụ, kê khai giá cước", ông Hùng kiến nghị về dự thảo nghị định mới trong việc quản lý dịch vụ vận tải như Uber hay Grab.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, lại cho rằng: "Cứ nói Uber, Grab trốn thuế chứ taxi truyền thống trốn thuế nhiều nhất". Quan điểm của ông Liên là nên hỏi người dân là Uber, Grab có nên tồn tại hay không.

Uber, Grab sau thí điểm: Tồn tại hay không? - Ảnh 1.


Với bản chất ban đầu là mô hình chia sẻ, Grab hay Uber được sử dụng dựa trên phương tiện cá nhân không dùng hết công suất và chia sẻ các phương tiện để cùng nhau kiếm lợi nhuận.

Tuy nhiên, khi mô hình này được nhân rộng, đã không còn giữ được mục đích ban đầu dẫn đến những xung đột lợi ích và cạnh tranh từ nhiều phía.

Thời gian đầu xuất hiện cả Uber và Grab đều là những dịch vụ khá lạ lẫm với người Việt. Đến nay, những tiện ích mà 2 dịch vụ này đã được đông đảo người dân chấp nhận, dần thay thế dịch vụ "xe ôm" trước đây. Cuộc khủng hoảng của taxi truyền thống cũng là câu trả lời cho ưu thế của Grab hay Uber.

Chia sẻ xe ra đời với bản chất ban đầu là "quá giang" xe đi làm, chia sẻ chỗ trống trên xe vừa giúp tài xế có thêm tiền, vừa tiết giảm được lưu lượng xe cá nhân trên đường, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và người lái xe có thể là một kỹ sư, một giáo viên, một bác sĩ có xe riêng đi làm mỗi ngày.

Tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển, đội quân Grab và Uber ngày càng chuyên nghiệp và coi đây là việc toàn thời gian.

Đó cũng là lý do cho việc nhiều tài xế vừa qua đã đồng loạt phản ứng khi Grab tăng chiết khấu thêm 3,6%, tức mức chiết khấu hiện tại sẽ tương đương 28,6%. Khi bị ảnh hưởng tới quyền lợi sát sườn, phản ứng diễn ra quyết liệt hơn.

Giải đáp với NCĐT, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, với thông tin phát đi, nhiều người vẫn chưa hiểu hết vấn đề. Theo đó, Grab Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn cơ quan thuế, kê khai, thu hộ và thực hiện nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cho các đối tác tài xế GrabBike và GrabExpress.

Grab Việt Nam sẽ khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu mà đối tác nhận được - tương đương 3,6%. Ngoài ra, với các khoản phí hỗ trợ từ Grab dành cho đối tác căn cứ theo thành tích số chuyến xe hoặc doanh thu, Grab sẽ khấu trừ 1%; với các khoản phí hỗ trợ khác từ Grab không mang tính chất doanh thu, Grab sẽ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10%.

"Trong năm 2016 và 2017, Grab Việt Nam đã dùng ngân sách Công ty để nộp hộ và hoàn thành nghĩa vụ thuế cho đối tác. Việc thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế từ 1.1.2018 được thực hiện theo đúng Công văn 1531 của Tổng cục Thuế đối với cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress.

Đây không phải là chính sách từ Grab Việt Nam nhằm tăng mức phí sử dụng ứng dụng cho Grab đối với đối tác", ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike và GrabExpress, khẳng định.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng hài lòng, sau thời kỳ trăng mật với hoa hồng và khuyến mãi cao, nay các tài xế công nghệ đối mặt với khó khăn. "Trước đây, trung bình mỗi ngày chạy được 300.000 đồng, nhưng nay lượng tài xế quá đông, có ngày chỉ được hơn 100.000 đồng. Trừ đi chi phí xăng khoảng 1.000.000 đồng/tháng may mắn sẽ đóng thêm được tiền trọ", một tài xế chạy xe ôm công nghệ tâm sự.

Không chỉ riêng Grab, đối với Uber nhiều tài xế chạy ô tô của hãng này cho biết, hầu hết đều vay tiền để mua xe chạy khi nhận thấy nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với mức chiết khấu cho UberX là 29,5%, sau khi trừ đi chi phí thì tổng thu nhập hằng tháng không đủ đóng tiền trả góp cho ngân hàng.

Rõ ràng, khi chọn đây là một công việc chính sẽ có xung đột với mô hình vốn được hình thành chỉ để phục vụ cho mục đích chia sẻ lợi ích. Mối quan hệ giữa Grab, Uber vốn là "đối tác", lại đang diễn ra nhiều mâu thuẫn theo kiểu "thuê mướn".

Về mặt quản lý, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng những thất bại hiện nay là do pháp luật điều chỉnh vẫn lấy cái cũ làm cơ sở và "đưa cái mới vào giỏ của cái cũ".

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM Tạ Long Hỷ cho rằng, cần gỡ bỏ một số điều kiện dành cho taxi chính thống theo hướng tương đồng với loại hình taxi mới mà Uber, Grab đang điều hành, đảm bảo công bằng, bình đẳng về điều kiện kinh doanh.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vừa được Bộ Giao thông Vận tải đưa lên trang web của Bộ lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp...

Trong đó, việc quản lý xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab... được bổ sung các quy định mới. Chắc chắn, thị trường sẽ điều chỉnh những giằng co này theo đúng bản chất của nó: Cái gì hợp lý sẽ tồn tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại