Ukraine đã trở thành “phóng thí nghiệm cho tương lai chiến tranh”, nơi phát triển công nghệ máy bay không người lái (UAV) và cách sử dụng UAV cho mục đích quân sự. Ukraine đã cho ra lò tới 1 triệu UAV trong năm nay.
Trong một bài viết gần đây cho Hiệp hội Henry Jackson, tác giả David Kirichenko thu hút sự chú ý đối với vai trò ngày càng lớn của trí tuệ nhân tạo (AI) trên chiến trường, trong cuộc xung đột Nga - Ukraine , đặc biệt là trong việc cải thiện năng lực của UAV ngắm bắn mục tiêu.
Theo các bài viết trên tạp chí Time và Forces News, AI đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho các UAV Ukraine, giúp các UAV này có tỷ lệ đánh trúng mục tiêu tăng vọt từ dưới 50% vào năm 2023 lên 80% trong năm nay (2024). Bước tiến này phần lớn là nhờ phần mềm AI do công ty Palantir có trụ sở tại Mỹ cung cấp.
Một ví dụ về thành công công nghệ là UAV trinh sát SAKER được cấy AI của hãng Palantir. UAV này được cho là có khả năng độc lập nhận diện ra nhân lực, xe tăng, xe thiết giáp… rồi truyền thông tin đó về chốt chỉ huy để lựa chọn thời điểm và vũ khí để tấn công mục tiêu.
Điều mấu chốt nằm ở năng lực học của AI và nỗ lực huấn luyện của trắc thủ UAV để giúp phần mềm của SAKER phân biệt được binh sĩ Nga bằng quân phục, vũ khí và thiết bị, thậm chí cả bằng cách di chuyển của lính Nga. AI của UAV SAKER sẽ nhận diện được các yếu tố này sau khi được nạp vô số video về lực lượng tác chiến của Nga.
UAV SAKER có tầm bay tới 10km. Nó có một hệ thống dẫn đường quán tính không dựa vào hệ thống định vị GPS để định hướng. Do vậy, UAV ít bị ảnh hưởng hơn bởi hoạt đông gây nhiễu điện tử của đối phương.
Thực tế là trong 12 tháng qua, chiến trường Ukraine chứng kiến sự gia tăng các biện pháp tác chiến điện tử (EW) gây khó khăn lớn cho hiệu quả của UAV. Báo cáo từ thực địa cho thấy, đối với những trắc thủ UAV mới, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu là thấp, chỉ tầm 10%, trong khi những trắc thủ giàu kinh nghiệm hơn phải vật lộn để có tỷ lệ đánh trúng đạt mức 50%.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của công nghệ AI của Palantir, tỷ lệ đánh trúng đã tăng lên gần mức 80%.
Theo Forces News, gần như tất cả UAV Ukraine dùng để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh đều dùng AI này.
Phần mềm của Palantir được thiết kế để đối chiếu dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn, bao gồm tình báo con người, UAV, radar, hình ảnh quét nhiệt… và do vậy có khả năng phát hiện chuyển động trên chiến trường và nơi những khẩu pháo điểm hỏa.
AI của Palantir sau đó xử lý những dữ liệu trên và cung cấp nhiều phương án mục tiêu cho chỉ huy lựa chọn.
Tác giả Kirichenko cho rằng UAV trang bị AI như thế này có thể giúp ứng phó với nước Nga có đông quân và nhiều vũ khí hơn.