U23 Việt Nam và chuyện gian nan trồng người

Văn Nhân |

Để có được 1 cầu thủ giỏi phải trải qua một quá trình sàng lọc, nuôi dưỡng trong nhiều năm và một đội bóng giỏi cần có nhiều cá nhân xuất sắc, U23 Việt Nam được ví như thế hệ vàng cũng bắt đầu từ những bước đi như thế...

Vào tháng 10 tới, bóng đá Việt Nam sẽ chính thức có thêm một Học viện bóng đá mang tên Juventus Việt Nam, xây dựng ở Vũng Tàu với sự quy hoạch lên đến 30 héc-ta. Sau 10 năm thì chúng ta mới có Học viện bóng đá thứ 2 ở Việt Nam, đầu tiên là Học viện HAGL của bầu Đức.

CLB Vũng Tàu chỉ đang là đội hạng Nhì của bóng đá Việt Nam nhưng quyết định cho ra đời Học viện. Một cuộc đầu tư hứa hẹn tốn rất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian khi để có lứa cầu thủ trưởng thành, bước đầu chơi từ cấp độ U19 phải mất khoảng 7 - 10 năm.

Hồi tháng 8 năm nay, tôi có hơn 10 ngày để theo đội HLV nổi tiếng Việt Nam như ông Lê Thụy Hải, Nguyễn Hữu Thắng, Đinh Hồng Vinh, Nguyễn Thế Anh… đi tuyển sinh của Học viện Juventus Việt Nam trên 6 địa phương trên cả nước. 

Phải nói rằng, chuyện tuyển sinh là cả một quá trình gian nan và rất công phu, khi các HLV phải sàng lọc liên tục từ các em nhỏ ở các địa phương, sau đó lựa ra những em ưu tú nhất đá với nhau. Cuối cùng, họ ngồi lại chọn ra những gương mặt tốt nhất.

U23 Việt Nam và chuyện gian nan trồng người - Ảnh 1.

Các HLV Việt Nam đi tìm tài năng trẻ cho Học viện bóng đá Juventus Việt Nam.

Tuy nhiên, đó chưa phải là bước chọn lựa cuối cùng. Những em đậu vòng sơ tuyển phải thi tiếp vòng chung kết tại sân Thống Nhất, TP.HCM vào đầu tháng 10 tới. Sau đó, các em đỗ vòng chung kết đến Vũng Tàu để bắt đầu hành trình theo đuổi giấc mơ bóng đá.

Các phụ huynh có con em đỗ Học viện Juventus Việt Nam sẽ cân nhắc mọi mặt, từ chuyện nơi ăn chốn ở, học văn hóa đến chơi bóng. Đồng nghĩa là những người có trách nhiệm phải thuyết phục được các phụ huynh làm sao chấp nhận cho con theo đuổi giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp.

Tất cả chỉ là bước khởi đầu để tìm những học viên cho Học viện Juventus Việt Nam nhưng thực sự rất gian nan và tốn nhiều công sức. Câu chuyện nuôi dưỡng các em thành cầu thủ chuyên nghiệp chắc chắn kỳ công hơn rất nhiều so với quá trình tuyển chọn, sàng lọc. Đó là sự đầu tư về tiền bạc, tâm huyết, tình yêu lẫn sự hi sinh thầm lặng… của các HLV trong nhiều năm liền.

Tôi kể ra câu chuyện này để thấy rằng, khi người hâm mộ được xem một cầu thủ giỏi như những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Quang Hải, Phan Văn Đức, Đức Chinh… của lứa U23 Việt Nam trình diễn, rồi phán xét theo kiểu khen chê, vỗ tay, chỉ trích, thì cần biết được họ đã đến với bóng đá sau một quá trình ăn tập, khổ luyện như thế nào.

U23 Việt Nam và chuyện gian nan trồng người - Ảnh 2.

Bầu Đức cũng mất rất nhiều công sức, tiền bạc để có thể cho ra đời những cầu thủ giỏi.

Từ việc đi tìm những mầm non tiềm năng đến những cầu thủ trẻ được kỳ vọng, đó là một quá trình bài bản chứ không thể một sớm một chiều. Huống chi khi các cầu thủ đó sau chục năm trở thành sứ giả tình yêu cho hàng triệu người được sung sướng, hò hét vì những màn trình diễn mãn nhãn.

Hãy nhìn quãng đường mà các em đi trong nhiều năm cùng các HLV, từ sự đầu tư của những người bỏ tiền nuôi dưỡng mới hiểu được, quả ngọt không phải tự nhiên mà có. Đúng như bầu Đức tâm sự với tôi: "Để có lứa cầu thủ hiện tại thì anh phải trải qua rất nhiều gian khó, chứ không có gì tự trên trời rơi xuống. 12 năm làm Học viện là 12 năm phải đội mũ cối vì định kiến dư luận, sự khó khăn…".

Cần nhắc, bầu Đức có thể làm bóng đá theo cách bỏ tiền mua các ngôi sao như thời gian đầu, qua đó gặt thành tích để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, ông Đức không làm như thế. Ông Đức chọn cách xây bóng đá từ móng, đi có lộ trình bài bản để tạo nên sự khác biệt.

Người hâm mộ cũng được hưởng nhiều niềm vui, hiểu hơn về các cầu thủ yêu thích của chính mình. Tại sao? Vì bản thân mỗi chúng ta cũng có một thời gian dài dõi theo các em từ lứa U19 đến U20, U22, rồi U23. 

Vui buồn trong thành bại của các em đã tạo thứ cảm xúc tích lũy sẵn theo thời gian. Ngày họ gặt được thành công thì niềm vui sướng ấy vô cùng giá trị và lớn lao. Vì vậy, chúng ta cũng hiểu được vì sao hai trận liên tiếp U23 Việt Nam thất bại nhưng hàng triệu người vẫn đổ ra đường "đi bão", rồi đội mưa xem các em thi đấu qua màn hình…

U23 Việt Nam và chuyện gian nan trồng người - Ảnh 3.

Hãy yêu các cầu thủ cho đúng cách, đừng chỉ trích họ sau mỗi thất bại. Ảnh: Đ.Đ

Qua những điều kể trên, tôi muốn gửi đi thông điệp: Hãy yêu các cầu thủ, cổ vũ cho những người quyết tâm làm bóng đá bài bản. Nếu đã yêu U23 Việt Nam thì hãy nhìn vào những giá trị lớn lao mà các em đang mang lại cho bóng đá Việt Nam, hay niềm vui sướng của chúng ta sau các chiến thắng. 

Đừng nhìn vào mỗi thất bại để chỉ trích, ném đá, làm như thế tội nghiệp cầu thủ, HLV, tội cho cả những người thầm lặng đứng phía sau đã dìu họ đi một quãng đường rất dài cho đến ngày thành tài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại