U22 Việt Nam: Không sợ Thái Lan thì sợ ai?

Phan Huỳnh Tuấn |

Đã có rất nhiều người cho rằng Việt Nam không phải sợ Thái Lan, dù đội tuyển của chúng ta nằm chung bảng với đội bóng cực mạnh này. Liệu đây có phải là một biện pháp tâm lý đúng đắn?

Thái Lan có đáng sợ không?

Sau khi có kết quả bốc thăm chia bảng bóng đá nam SEA Games năm 2017, một ông bầu bóng đá nổi tiếng đã nói đại ý rằng, "các lứa trẻ Việt Nam gần đây đều áp đảo Thái Lan thì còn sợ ai". Một HLV lão làng khác cũng cho rằng "nếu sợ Thái Lan thì nên ở nhà", và tương tự là rất nhiều ý kiến khác xoay quanh chủ đề "hãy quên đi" nỗi sợ Thái Lan.

Dẫu biết rằng những lời nói đó một phần cũng là các biện pháp kích thích tâm lý để cầu thủ tự tin thể hiện mình, nhưng nếu "làm quá" thì nó sẽ trở thành khinh địch và tất yếu sẽ dẫn đến thất bại.

Bóng đá Thái Lan có đáng sợ không? Dĩ nhiên là có. Đẳng cấp của người Thái đã vượt ra khỏi Đông Nam Á, tuy chưa bắt kịp với trình độ các nền bóng đá hàng đầu châu lục nhưng quả thực họ cũng đã ở rất gần.

Nó đủ khiến cho các thế hệ cầu thủ Thái Lan tự tin mình là đàn anh trong khu vực, không cần đến một sự khích lệ nào cả thì họ vẫn có thể chơi bóng chững chạc và có phong thái "kẻ cả" mỗi khi ra sân. Bóng đá trẻ Thái Lan từ lâu đã được ở trong một guồng máy đào tạo, phát triển bài bản, một vài chiến thắng trước họ ở các giải đấu trẻ không nói lên được điều gì.

U22 Việt Nam: Không sợ Thái Lan thì sợ ai? - Ảnh 1.

Thái Lan vẫn thường là nỗi ác mộng với bóng đá Việt Nam trong suốt những năm qua.

Riêng đội U22 Thái Lan tham dự SEA Games 2017 thì có đáng sợ không? Câu trả lời vẫn là có. Vào tháng 3 năm nay, U22 Thái Lan đã có chuyến thi đấu giao hữu tranh cúp Dubai Cup 2017. Ở giải này họ đã nhẹ nhàng vượt qua các đối thủ quen thuộc bằng các trận thắng U23 Malaysia 4-0, hay thắng U23 Singapore 2-0.

Đặc biệt, trong trận đấu với U23 UAE, dù bị dẫn trước và đối thủ nhỉnh hơn về thể hình, thể lực, các cầu thủ Thái Lan vẫn lật ngược tình thế, giành chiến thắng chung cuộc 2-1, bằng các pha phối hợp đẹp mắt và khả năng dứt điểm rất tốt của hàng công. Cái hay của lứa trẻ này, đó là họ có được nền tảng kỹ thuật lẫn tư duy chiến thuật tốt, từ đó dễ dàng tạo thành lối chơi hay.

Họ phối hợp tốt và ăn ý nhưng không phải lúc nào cũng nhất nhất tuân theo việc chơi bóng ngắn, mà cũng có thể dùng sự ăn ý đó để chuyền dài vượt tuyến, đá biên, hay phối hợp bóng bổng. Một khi cầu thủ có được kỹ thuật và tư duy tốt, thì họ đá kiểu gì cũng hay và lối chơi được đa dạng hóa khiến đối thủ khó lòng theo kịp.

Sức mạnh của U22 Việt Nam tới đâu?

U22 Việt Nam hiện tại có được như vậy không? Tiếc là chúng ta chưa có khả năng ấy. Phía ngoài sân các chuyên gia còn đang bận "cãi" nhau xem bóng ngắn hay bóng dài mới là phù hợp với người Việt, còn trong sân, dường như HLV và các học trò vẫn còn loay hoay trong việc theo đuổi một lối chơi nhuần nhuyễn khi không có sự đồng đều giữa các cầu thủ.

Thiếu nhân lực cũng là một vấn đề cần phải nói tới, khi vị trí tiền đạo cắm gần như chỉ trông chờ vào một cầu thủ U20 như Hà Đức Chinh, điều rất nguy hiểm cho cả một chiến dịch lớn như SEA Games.

Nói như vậy, không có ý chê bai đội tuyển U22 Việt Nam, mà chỉ để thấy rằng, thực tế thì U22 Thái Lan vẫn nhỉnh hơn chúng ta rất nhiều. Và điều đúng đắn nhất cần làm, đó là chúng ta vẫn nên "sợ" họ.

Tất nhiên, "sợ" không có nghĩa là tim đập chân run, chưa đá đã tự thua. Ở đây, cái cần thiết là các cầu thủ phải biết rằng đối thủ rất mạnh và họ mạnh hơn chúng ta. Phải quán triệt được rằng chúng ta ở thế cửa dưới, mà một đội chiếu dưới chỉ thắng được chiếu trên nếu cầu thủ nghiêm chỉnh tuân thủ đấu pháp của ban huấn luyện.

U22 Việt Nam: Không sợ Thái Lan thì sợ ai? - Ảnh 2.

Sẽ là không dễ để lứa Công Phượng có thể vượt qua Thái Lan ở SEA Games 29.

Ra trận không chỉ có quyết tâm, có máu lửa là đủ, mà còn là câu chuyện của chiến thuật, chiến lược. Nên đá như thế nào ở vòng bảng, bung sức trận nào, giấu bài trận nào làm việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Còn ngay lập tức dồn sức để thể hiện quyết tâm "không sợ" trước Thái Lan, để rồi bị tiêu hao sức lực, nhận lấy chấn thương, thẻ phạt hay một trận thua tan nát làm vỡ vụn tinh thần, chắc chắn là điều không thông minh.

Nói tóm lại, "sợ" hay "không sợ"chỉ là một cách nói mà thôi. Hiểu rõ nỗi sợ của mình, hiểu rõ đối thủ và hiểu rõ bản thân thì sẽ từ từ khắc chế được nỗi sợ. Còn hơn là ngoài miệng hô hào "không sợ" nhưng rốt cuộc khi nhập cuộc vẫn mang một nỗi sợ hãi mơ hồ, vì bản thân đã không được chuẩn bị một cách tốt nhất để đương đầu với thử thách.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại