U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng

Hữu Bình |

Để đánh giá đúng và công bằng về chặng đường của U20 Việt Nam vừa qua, thiết tưởng cần nhìn nhận một cách thực tế và thật sự khách quan.

Sau khi đội U20 Việt Nam sớm kết thúc hành trình tại World Cup, trên công luận đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến, người thì khen, kẻ lại chê. Đấy vốn cũng là lẽ thường, bởi những người hâm mộ hay các nhà chuyên môn đều có quyền thể hiện chính kiến của mình.

Và ý kiến của họ có khác nhau (thậm chí trái ngược nhau) vốn xuất phát từ góc nhìn không giống nhau, hoặc còn thiếu đầy đủ mà thôi. Nhưng phát biểu của ông Đoàn Nguyên Đức theo hướng công kích cá nhân HLV Hoàng Anh Tuấn thì lại khác, tôi cho đấy là sự tùy tiện, vì ông cũng đang là Phó Chủ tịch LĐBĐVN chứ không chỉ là một ông chủ CLB đơn thuần...

U20 VN không "tự nhiên" được góp mặt tại World Cup!

Đây là điều mà rất nhiều người (bao gồm các những chuyên gia bóng đá), khi "cuốn" vào các trận đấu tại World Cup đã gần như quên mất. Họ tự đặt U20 Việt Nam vào ngang tầm của thế giới, rồi theo đó mà bình phẩm, khen - chê.

U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng - Ảnh 1.

Đặt Việt Nam ngang tầm thế giới, người ta quên mất vì sao U20 lọt vào được đến World Cup.

Họ quên mất rằng trên thực tế, U20 Việt Nam được đến với World Cup cùng với cả một sự bất ngờ to lớn, một niềm vui mà ngay cả những người lạc quan nhất cũng chẳng thể ngờ.

Trước VCK U19 châu Á hồi năm ngoái, liệu có ai trông đợi thầy trò Hoàng Anh Tuấn sẽ giành vé dự đấu trường thế giới chứ? Mới trước đó không lâu, họ còn là một tập thể khá xoàng xĩnh tại giải Đông Nam Á. Tập thể ấy từng bị Thái Lan hạ tới 6-0 ở giải U19 Đông Nam Á trong năm trước nữa. Và sau 1 năm, họ đã có tiến bộ nhiều, nhưng chưa đủ tạo nên sự lột xác.

Liên đoàn BĐVN đã phân công thêm GĐKT Gede và HLV thể lực Forkel theo hỗ trợ. HLV Hoàng Anh Tuấn là người cầu thị, nên họ đã cùng nhau tạo nên một "bộ não" đủ tốt để nâng chất U19 Việt Nam, từ quá trình chuẩn bị tới những trận đấu đầy cam go ở đấu trường châu Á.

Tới thời điểm này, các tuyển thủ vẫn chưa quên cách HLV Hoàng Anh Tuấn động viên từng người và toàn đội với những động thái "làm tâm lý" rất đáng ghi nhận. 

Trong các trận đấu, ngoài đấu pháp hợp lý, còn phải nói tới khả năng đọc tình huống trong thay đổi người của HLV đã phát huy rất tốt. Thành công ấy đến từ nỗ lực của cả tập thể, trong đó có công của cá nhân HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn.

U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng - Ảnh 2.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ Việt Nam được tung bay trên đấu trường World Cup.

Bởi vậy, có gì đó bạc bẽo khi nghe ông Phó Chủ tịch LĐBĐVN Đoàn Nguyên Đức nói đại loại rằng ông Tuấn chỉ... may mắn chứ không có thực tài. Vâng, ai cũng cần may mắn, nhưng nếu không có thực tài thì khó có thể tận dụng được may mắn ấy để thật sự thành công.

U20 VN đã có sự chuẩn bị gần như tốt nhất có thể

Tôi không biết những người chê đội tuyển và cũng nhân dịp này để công kích LĐBĐVN nhìn nhận từ góc độ nào? Trên thực tế, quá trình chuẩn bị của đội U20 VN cho World Cup 2017 đã ngốn của Liên đoàn thêm một khoản rất lớn.

Nhờ vậy, đội tuyển đã có 1 chuyến "nhồi thể lực" (tập chuyên biệt) ở Nha Trang với HLV Forkel, 1 chuyến tập huấn tại Đức và 3 trận giao hữu, 1 trận so giày chất lượng với U20 Argentina, rồi được sang Hàn Quốc sớm để làm quen điều kiện thời tiết, sân bãi và nhả khối lượng cũng như có thêm trận đấu giao hữu với Vanuatu...

Trong khoảng thời gian chỉ hơn 40 ngày tập trung trước giải, đấy là một chương trình tập huấn gần như tối ưu có thể!

U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng - Ảnh 3.

U20 Việt Nam trên thực tế nhận được sự đầu tư thích đáng từ VFF.

Có ý kiến rằng "giá như đội tuyển có thời gian dài hơn và nhiều trận giao hữu hơn ở Đức thì sẽ tốt hơn".

Điều này có lẽ không sai, nhưng không sát với thực tế: Thời gian chuẩn bị của đội rất có hạn (vướng các giải quốc gia), "ngân quỹ" đầu tư cho đội cũng rất có hạn (không ai biết ngoài việc phát biểu mạnh mồm trên công luận, ông Đoàn Nguyên Đức - PCT phụ trách tài chính của LĐBĐVN đã làm những gì để cải thiện điều này?).

Vấn đề lựa chọn đấu pháp

Thiết tưởng không cần phải nói thêm nhiều về kết quả trận thua 0-4 trước một đối thủ vượt trội như Pháp, có chăng chỉ là chút tiếc nuối: Giá như đừng có tấm thẻ vàng thứ 2 cho Đình Trọng... Vấn đề chuyên môn chủ yếu nằm ở 2 trận quyết đấu với những đối thủ vốn được xem là nhỉnh hơn VN là New Zealand và Honduras.

Vấn đề dư luận bàn khá nhiều những ngày qua là: HLV Hoàng Anh Tuấn và BHL phải chăng đã sai khi chọn đấu pháp tấn công, pressing gần như toàn sân nhằm đánh phủ đầu? Câu hỏi này được đặt ra từ chính diễn biến các trận đấu trên: Việt Nam chiếm thời lượng kiểm soát bóng lớn hơn hẳn và tấn công nhiều hơn trong hiệp 1 rồi cùng tỏ ra xuống sức, kiểm soát bóng ít hơn và rơi vào thế kém trong hiệp 2.

U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng - Ảnh 4.

Nếu U20 Việt Nam ghi được bàn, cục diện trận đấu đã khác nhiều.

Vâng, như đã nói ở trên: Đây là điều người ta chỉ đặt ra sau khi các trận đấu đã kết thúc. Thậm chí, nó còn chưa được đề cập mấy sau trận hòa New Zealand, chỉ thật sự rộ lên sau khi thua 0-2 trước Honduras.

Nói cách khác, nếu kết quả của trận đấu thay đổi, theo chiều hướng có lợi cho U20 Việt Nam (hòa hoặc thắng Honduras chẳng hạn), thì sự chỉ trích về lựa chọn đấu pháp của HLV Hoàng Anh Tuấn có lẽ đã không xuất hiện.

Để đánh giá đúng cần nhìn nhận khách quan, việc lựa chọn đấu pháp sao cho phù hợp nhất cần được thực hiện trước mỗi trận đấu, và khi ấy thì không ai có thể đảm bảo lựa chọn ấy có đem lại thành công hay không. BHL đã muốn đội áp đặt thế trận, cầm bóng và tấn công nhiều nhằm vừa không cho đối phương triển khai lối chơi, vừa mong sẽ tạo ra cơ hội và có bàn thắng trước.

Thử hình dung, nếu trong trận gặp New Zealand, Thanh Bình ghi được bàn thắng sau khi loại bỏ hàng hậu vệ, thì diễn biến trận đấu sẽ như thế nào? Trận Honduras cũng vậy, giá như trước đó công luận đừng bàn quá nhiều về việc "cần thắng 4 bàn mới chắc suất", thì tôi tin đôi chân của các cầu thủ đã thanh thoát hơn khi cái đầu của họ thoải mái hơn, ít chịu sức ép hơn.

U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng - Ảnh 5.

Sự căng cứng tâm lý khiến những pha dứt điểm của các cầu thủ trẻ Việt Nam thiếu sự chính xác.

Trạng thái "trương lực" vì quá gắng sức kèm theo lo nghĩ khiến họ không còn đủ chính xác và khéo léo trong các tình huống phối hợp nhịp cuối (gần cầu môn đối phương) hoặc dứt điểm!

Nhìn từ chiều ngược lại, ai dám đảm bảo rằng nếu chọn đấu pháp phòng ngự phản công, đồng nghĩa với việc nhường cho đối thủ kiểm soát bóng nhiều hơn, triển khai lối chơi theo cách họ muốn, thì chúng ta sẽ đạt kết quả tốt hơn?

U20 VN đã suýt nữa thành công hơn thế!

"Suýt nữa", nghĩa là họ đã có thể thành công hơn các cầu thủ dứt điểm chính xác hơn (điều này đòi hỏi bản lĩnh nhiều hơn) và có thêm sự may mắn. Hãy nhớ lại các tình huống của Thanh Bình và Hoàng Đức ở trận gặp New Zealand, nếu thành bàn thì đã khác lắm.

Nhất là tình huống bỏ lỡ của Hoàng Đức mà ai cũng tưởng... đá ra ngoài khó hơn. Và hãy nhớ lại cú sút xuất thần của Quang Hải ở trận gặp Honduras, nếu thành bàn thì tỷ số đã là 1-1 và biết đâu tạo nên sự quật khởi cho toàn đội?

U20 Việt Nam: Nếu không yêu, xin đừng nói lời cay đắng - Ảnh 6.

Trong thể thao, để thành công, ngoài HAY nhiều khi còn cần cả HÊN nữa. Yếu tố may mắn luôn tồn tại, và nó chỉ càng khiến cho khoảng cách giữa THÀNH CÔNG với THẤT BẠI vốn rất mong manh càng trở nên nghiệt ngã.

Tôi nghĩ rằng sau giải đấu trên, từ BHL (trong đó có HLV Hoàng Anh Tuấn) tới cầu thủ đã có những bài học quý cho riêng mình. Họ đã cố gắng, đã dốc sức và đã có thể ngẩng cao đầu. Như những "người lính" trở về từ "chiến trường", họ chỉ cần thêm sự công bằng, khách quan trong nhìn nhận và đánh giá.

"Lời nói chẳng mất tiền mua..."!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại