U20 Việt Nam đã về nước sau khi bị loại từ vòng bảng World Cup U20. Phần đông dư luận vẫn đang tiếc nuối với hành trình dở dang này.
Nhiều lý do được đưa ra như kĩ năng dứt điểm tệ, bản lĩnh ở những thời điểm quyết định kém, của các cầu thủ, chiến thuật của HLV trưởng không linh hoạt, nhất là ở trận đấu cuối với U20 Honduras,... cùng hàng loạt ý kiến "nếu mà", "giá như" chúng ta chơi tốt hơn, thì đã vượt qua vòng bảng và thực sự là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam.
Xung quanh U20 Việt Nam vẫn là những tiếc nuối về kết quả thi đấu
Nhưng có vẻ như U20 Việt Nam đã "bị" kì vọng quá tầm so với thực lực của chính nền bóng đá xuất thân của các em, và có vẻ như ở đấu trường thế giới, nhiều nhà chuyên môn đã lấy chuẩn quá cao cho đội Đông Nam Á thứ 4 dự World Cup U20.
Trước khi World Cup U20 diễn ra, tất cả chẳng phải đã liên tục nói lên niềm tự hào với việc thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có mặt tại giải đấu này. Bởi chính tập thể này thực sự đã vượt quá được cái tầm đẳng cấp "vùng trũng" cũng như thực lực nội tại bóng đá Việt Nam.
Nhưng thật đau khi U20 Việt Nam dừng bước tại vòng bảng World Cup U20, chúng ta lại quên bẵng đi thứ cảm xúc ấy và chỉ suy luận những vấn đề chuyên môn. Cần biết rằng, những đại diện Đông Nam Á khác là Indonesia (1979), Malaysia (1997), Myanmar (2015) đều không thể giành được điểm số nào ở đấu trường thế giới dành cho lứa tuổi U20.
Như những tranh luận không hồi kết, ai hay hơn giữa các thế hệ là Ronaldo, Messi với Pele, Maradona, kĩ chiến thuật trong bóng đá là điều luôn thay đổi theo thời gian. Từ sơ đồ 2-3-5, 4-2-4 tới 4-4-2, 4-2-3-1 rồi những khái niệm tiki-taka, catenaccio, gegenpressing,... đó là những công thức giúp bóng đá phát triển, nhưng luôn có thể lỗi thời.
Duy nhất đọng lại sau tất cả, cảm xúc trận đấu, cảm xúc từ pha bóng mà những cầu thủ mang lại trên sân mới là thứ trường tồn, sống mãi mãi trong lòng người hâm mộ. Cảm xúc trong bóng đá chính là công thức bất diệt, bởi nó mang bóng đá và biến bóng đá thành niềm đam mê cho mọi người.
Hàng công U20 Việt Nam đã tịt ngòi đấy, nhưng nhìn gương mặt lì lợm trên sân của những cầu thủ vốn rất hài hước là Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh, hay như khi Đinh Thanh Bình vùng vằng chạy vào sân thi đấu, bất chấp cái níu tay của bác sĩ cùng câu nói "không được đâu em". Như thế đã đủ chạm tới đỉnh cảm xúc về một tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo.
Chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn ở U20 Việt Nam dưới trướng HLV Hoàng Anh Tuấn được nữa. Cũng như cái thời U19 Việt Nam "bóng đá đẹp" khoảng thời gian 2014, hai tập thể này đã chạm tới điều bất diệt của bóng đá và đều tạo ra cảm hứng mới cho nền bóng đá Việt Nam - đang cố gắng thoát trạng thái trì trệ, mãi cả chục năm trời chưa lên chuyên được.