Hồi tháng 11/2021, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khiến báo chí trong và ngoài nước xôn xao khi ký biên bản ghi nhớ (MoU) tài trợ từ thiện 155 triệu bảng Anh (hơn 200 triệu USD) cho trường Đại học Linacre.
Đáng chú ý, phía trường Linacre cho biết: "Sau khi nhận được khoản quyên góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, chúng tôi sẽ xin phép Cơ mật Viện đổi tên trường từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này".
Theo giới thiệu, Linacre College là một trường thành viên của Đại học Oxford, là trường đa ngành với khoảng 50 nghiên cứu sinh và 550 sinh viên sau đại học đa số đến từ nước ngoài (133 quốc gia).
Đặc biệt, trường này có quan điểm về môi trường hết sức mạnh mẽ, là "đại học xanh" trong số các trường thành viên của Đại học Oxford thông qua một số sáng kiến về môi trường trong những năm qua, nhất là giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Vì vậy, trong thông báo của mình, Linacre College có đề cập rằng Tập đoàn SOVICO cũng đã cam kết tất cả các công ty con của họ đạt đến mức không carbon (net carbon zero) vào cuối năm 2050.
Dù còn nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng thời điểm ấy, bà Thảo không lên tiếng cung cấp thêm thông tin nào về khoản từ thiện này. Mãi đến cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Forbes, nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam mới lần đầu tiên chia sẻ thêm mục đích của khoản tài trợ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo sư Nick Brown- Hiệu trưởng trường Đại học Linacre ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ. Ảnh: Tri thức trực tuyến.
Theo bà Thảo, đại học Oxford là cái nôi của tri thức, góp tiền cho trường là cơ hội tốt nhất mang giá trị đóng góp của mình đi nhanh hơn, gần hơn cho cộng đồng nhân loại, trong đó có người dân Việt Nam. Bà cũng cho rằng đó là sự may mắn khi được đóng góp một phần trong lịch sử phát triển của trường đại học nổi tiếng thế giới.
Dẫu vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng tại sao khoản đầu tư này lại không dành cho một trường đại học trong nước?
Chủ tịch Sovico giải thích, Việt Nam hoàn toàn có thể xây được một trường đại học hiện đại, tuy nhiên điểm “cản trở” lớn nhất là chưa có môi trường nghiên cứu học thuật và chưa thể trở thành môi trường lý tưởng mang các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Vì thế, khó có thể trở thành nơi thu hút các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu thế giới.
"Mình làm sao để khoản đóng góp tạo ra giá trị tốt nhất, có ảnh hưởng lớn nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu không có mình thì sẽ có người khác. Những người được hưởng lợi là hệ thống giáo dục, là cộng đồng trong đó có thương hiệu của đất nước chúng ta”, bà bày tỏ.
Đặc biệt, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiết lộ có kế hoạch dành phần lớn tài sản của mình để phục vụ cộng đồng. Những dự án như việc quyên tặng cho đại học Oxford là một phần trong chương trình đó.
Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 mới được Forbes công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là đại diện nữ giới duy nhất của Việt Nam. Đây là lần thứ 6 Chủ tịch Sovico có mặt trong bảng xếp hạng này.
Nữ tỷ phú sở hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air, sở hữu tổng tài sản 3,1 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với năm ngoái.