“Do sự phát triển của nền kinh tế carbon thấp, nhu cầu đồng trong những năm tới sẽ chỉ tăng trưởng và vượt cung. Như vậy, kim loại này sẽ trở thành ‘dầu mới’ hay thậm chí là ‘vàng mới’ của thế giới”, ông Usmanov nói trong bài báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 ở Davos, Thụy Sĩ.
Tỷ phú Nga giải thích rằng, kim loại này được chứng minh bởi danh sách các ngành công nghiệp phụ thuộc trực tiếp vào đồng. Đó là viễn thông, xe điện và pin, hệ thống năng lượng tái tạo, thu giữ và lưu trữ carbon.
Mối quan tâm của ông Usmanov đối với đồng là do liên quan đến tập đoàn USM bao gồm công ty đồng Udokan. Doanh nhân cho rằng các chuyên gia đang nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến việc khai thác và sử dụng kim loại.
Người sáng lập và chủ sở hữu của USM Holdings, ông Alisher Usmanov. (Ảnh: RIA)
Ông Usmanov trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự kiến đồng, niken và than chì sẽ chiếm ưu thế về nhu cầu khoáng sản vào năm 2040. Khi đó, mức tiêu thụ đồng của các công nghệ năng lượng sạch sẽ tăng gấp 2,7 lần so với năm 2020.
Tuy nhiên, Bank of America kỳ vọng tăng trưởng tiêu thụ đồng hàng năm chỉ nhờ các công nghệ cần thiết để tiến tới không phát thải đạt 3,6% vào năm 2030.
Tỷ phú Usmanov nhấn mạnh, về cơ bản không có gì để thay thế đồng, sự thay thế toàn cầu không vượt quá 1% và chủ yếu liên quan đến ngành công nghiệp cáp.
Ngoài ra, vị tỷ phú Nga cũng đề xuất các cách để đối phó với tình trạng thiếu đồng trong những năm tới.
“Trước hết, chúng ta đang nói về các khoản đầu tư vào thăm dò và các dự án mới. Ngoài ra, sự phát triển của các công nghệ để tăng năng suất và khai thác, cũng như sử dụng hiệu quả hơn quá trình chế biến phế liệu đồng”, ông Usmanov cho biết.
Theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg công bố đầu tháng 1, người sáng lập và chủ sở hữu của USM Holdings Alisher Usmanov, vào năm 2021, tài sản của ông đã tăng thêm 145 triệu USD lên 21,3 tỉ USD. Tài sản của ông Usmanov chủ yếu là tiền mặt. Ngoài ra, ông cũng nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty đình đám như Airbnb, Alibaba, Facebook và Spotify.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 kéo dài 1 tuần từ ngày 17-21/1/2022 tại đây các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo khác sẽ tiến hành thảo luận về những thách thức quan trọng mà thế giới hiện phải đối mặt và trình bày ý tưởng của họ về cách giải quyết.
Sự kiện này cũng đánh dấu việc khởi động một số sáng kiến của Diễn đàn, bao gồm nỗ lực đẩy nhanh cuộc đua tới mức phát thải ròng bằng không, đảm bảo cơ hội kinh tế, tạo khả năng phục hồi không gian mạng, tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng nền kinh tế ở các thị trường mong manh, thu hẹp khoảng cách sản xuất vaccine và sử dụng các giải pháp dữ liệu để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.