Heinz Hermann Thiele chụp ảnh cùng vợ Nadia Thiele (bên trái) và con gái Julia Thiele-Schuerhoff.
Heinz Hermann Thiele bắt đầu sự nghiệp vào năm 1969 tại Knorr-Bremese AG – nhà máy sản xuất hệ thống phanh. Kể từ đó, ông đã tạo dựng nên một đế chế bao gồm bất động sản, công nghệ và nông nghiệp. Knorr-Bremese cũng trở thành công ty dẫn đầu ngành.
Dẫu vậy, sự ra đi đột ngột của vị tỷ phú ở tuổi 79 đã đặt ra những câu hỏi về việc liệu ai sẽ là người thừa kế cơ ngơi của ông.
Khối tài sản này bao gồm cổ phần chi phối tại Knorr-Bremse trị giá hơn 10 tỷ USD, khoảng 50% cổ phần trong nhà sản xuất thiết bị đường sắt Vossloh và khoản đầu tư lớn vào một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu – Deutsche Lufthansa. Ngoài ra còn có một trang trại ở Mỹ-Latinh và công ty bất động sản.
Theo Bloomberg Billionaires Index, 2 người con và vợ của ông được thừa hưởng khối tài sản ước tính khoảng 20 tỷ USD. Ở thời điểm ông qua đời, Thiele là người giàu thứ 4 nước Đức và giàu thứ 97 thế giới.
Trong khi đó, Knorr-Bremse thông báo về sự ra đi của vị tỷ phú nhưng không đưa ra nguyên nhân về cái chết hay tiết lộ về người sẽ thay thế vị trí phó chủ tịch của ông.
Trước đó, theo kế hoạch chuyển giao tài sản trong Knorr-Bremse của Thiele, ông sẽ trao cho con gái của mình là Julia Thiele-Schuerhoff (49 tuổi). Bà đã gia nhập hội đồng quản trị của công ty vào năm 2016, sau khi anh trai bà là Henrik rời đi.
Ông Thiele quản lý khối tài sản thông qua một văn phòng gia đình (family office) là Stella. Nơi này đã tổ chức một cuộc họp cổ đông vào tháng 9 có thảo luận về kế hoạch chọn ra người kế vị. Julia cũng là một cổ đông lớn của Stella, bà sẽ trở thành người phụ nữ giàu thứ 25 thế giới nếu thừa kế toàn bộ tài sản của cha.
David Hawkins – nhà đồng sáng lập của công ty tư vấn kinh doanh gia đình Percheron Advisory, cho hay: "Nếu chưa thực hiện, văn phòng gia đình nên bắt đầu xem xét các tài sản đang được sở hữu và đưa ra phương án rút lui cho những người gặp rủi ro lớn nhất.
Con gái ông Thiele sẽ tham gia tích cực vào quá trình này. Bà ấy muốn xây dựng một doanh nghiệp mang hình ảnh của mình hơn là cha của bà."
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu gia tộc này sẽ phân chia khối tài sản của Thiele như thế nào. Luật pháp Đức cho phép những người thân ruột thịt như con cái và vợ chồng được phép nhận một phần tài sản nhưng cũng có quyền từ chối quyền thừa kế. Tài sản thừa kế sẽ có mức thuế lên tới 50% dù Đức cho phép miễn trừ hoàn toàn đối với một số trường hợp nhất định.
Quay trở lại với người thừa kế tiềm năng, Julia là cố vấn pháp lý của Knorr-Bremse trước khi chuyển sang phụ trách bộ phận trách nhiệm xã hội của công ty. Bà đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận của công ty sau trận động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004.
Về Henrik (53 tuổi), sau khi rời Knorr-Bremse, ông đã thành lập một công ty đầu tư tập trung vào các startup và hiện là giám đốc điều hành của một công ty cung cấp các trạm sạ xe điện ở khu vực đô thị có trụ sở tại Munich.
Theo báo cáo thường niên năm 2012 của Knorr-Bremse, Julia cho biết: "Giá trị truyền thống đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp gia đình. Trách nhiệm của chúng tôi đối với các thế hệ tương lai cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn."
Theo thông báo của Knorr-Bremse vào năm 2011, Thiele đã bán số cổ phần trị giá hơn 1 tỷ USD để đầu tư cho những khoản khác, trong đó có 1 trang trại ở Uruguay. Ông cũng thành lập công ty bất động sản OPES Immobilien, với kế hoạch xây dựng một khu phát triển ở Munich cho hơn 1.000 cư dân ở khu đất do Knorr-Bremse từng sở hữu.
Ông nắm giữ lượng cổ phần đáng kể trong hãng hàng không Deutsche Lufthansa. Dù ông có bày tỏ quan điểm không hài lòng với kế hoạch giải cứu của chính phủ Đức, nhưng sau đó đã ủng hộ. Động thái công khai cuối cùng trong lĩnh vực này của ông là hồi tháng 11, khi ông kêu gọi chính phủ đàm phán với phi hành đoàn của hãng bay này về việc cắt giảm lương.
Knorr-Bremse cho biết: "Ông ấy đã để lại một ‘tác phẩm’ về cuộc đời thực sự độc đáo và phi thường."