Tỷ lệ chết con non của loài có DNA gần giống người tăng cao đột ngột: "Hung thủ" bất ngờ

Nguyệt Phạm |

Mặc dù số lượng cá thể khỉ đột trưởng thành tăng lên nhiều nhưng các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng tỷ lệ con non chết trước 3,5 tuổi lại cao đột biến. Chuyện gì đã xảy ra?

Đứng bên bờ tuyệt chủng

"Nhìn thấy khỉ đột, một trong những họ hàng anh em gần gũi với chúng ta rơi vào tình trạng tuyệt chủng là điều thực sự đáng buồn." – Cựu tổng giám đốc của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên) đã tuyên bố như vậy trong một báo cáo tại Đại hội Bảo tồn Thế giới ở Hawaii vào năm 2016.

Ở thời điểm đó, người đại diện của IUCN cho biết, ước tính hơn 100.000 con khỉ đột vùng thấp phía tây được cho là tồn tại trong tự nhiên, với 4.000 trong các sở thú; khỉ đột vùng thấp phía đông có dân số dưới 5.000 trong tự nhiên và 24 ở các sở thú. Khỉ đột núi là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, với dân số ước tính khoảng 880 con còn lại trong tự nhiên và không có loài nào trong vườn thú.

Tỷ lệ chết con non của loài có DNA gần giống người tăng cao đột ngột: Hung thủ bất ngờ - Ảnh 1.

Khỉ đột có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt, dịch bệnh, môi trường sống bị phá hủy... (Ảnh: Baidu)

Khỉ đột là loài có họ hàng gần nhất với con ngườitinh tinh. Chúng ta cùng với tinh tinh và khỉ đột đều là các loài thuộc họ Người và tách ra từ một tổ tiên chung vào khoảng 7 triệu năm trước. DNA của khỉ đột và con người giống nhau tới 98,4%. Khỉ đột sống ở những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Phi. Hai loài khỉ đột hiện nay là khỉ đột núi sống trong rừng trên núi Albertine Rift, thuộc dãy Virunga phía đông châu Phi và loài thứ 2 là khỉ đột đồng bằng sống tại những khu rừng rậm rạp, đầm lầy và các vùng ngập nước xấp xỉ mực nước biển.

Vào cuối những năm 1970, số lượng khỉ đột núi hoang dã đã bị giảm mạnh do nạn săn bắt trộm, môi trường sống bị phá hủy, dịch bệnh và các lý do khác. Sau đó, các nhà khoa học đã nỗ lực bảo tồn toàn diện nên số lượng khỉ đột núi đã gia tăng. Tính tới năm 2003, số lượng khỉ đột núi đạt 380 cá thể, khoảng 480 cá thể vào năm 2010 và tới năm 2016 là khoảng 880 con. Các cuộc điều tra dân số gần đây nhất được thực hiện ở quần thể Virunga và Bwindi, ước tính rằng hiện tại dân số của những con khỉ đột này là hơn 1010 cá thể. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số của khỉ đột núi đã tạo ra những vấn đề mới nan giải hơn nhiều.

Mâu thuẫn nảy sinh

Các nhà khoa học đã quyết định tổ chức 1 cuộc nghiên cứu về loài khỉ đột núi tại dãy Virunga. Họ nhận thấy loài khỉ đột núi ở đây đã chia thành 30-40 nhóm. Mỗi nhóm gồm 1 con khỉ đột đực lưng bạc khỏe mạnh nhất làm con đầu đàn cùng một số khỉ đột cái và con của chúng tạo thành đại gia đình. Những cá thể khác sẽ được phân cấp độ khác nhau.

Ngoài ra, một số nhóm sẽ có số lượng rất ít các con đực trưởng thành để làm con đầu đàn thừa kế. Mỗi nhóm khỉ đột núi có lãnh thổ riêng và chúng không chia sẻ hay sống cùng khu vực với các nhóm khác. Chúng còn chia nhau ra tuần tra để bảo vệ lãnh thổ.

Tỷ lệ chết con non của loài có DNA gần giống người tăng cao đột ngột: Hung thủ bất ngờ - Ảnh 2.

Gia tăng về số lượng cá thể khỉ đột lại nảy sinh ra nhiều vấn đề nan giải hơn. (Ảnh: Baidu)

Thế nhưng, khi số lượng khỉ đột tăng lên, nguy cơ xung đột về lãnh thổ lại tăng lên nhiều hơn. Mặc dù chúng cũng có cố gắng trong việc chung sống hòa bình nhưng đôi khi bạo lực vẫn nổ ra. Theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác xuyên biên giới Greater Virunga, kể từ năm 2000, số lượng các cuộc xung đột giữa các nhóm khỉ đột núi nhiều hơn gấp 3 lần so với trước đây. Số lần tàn sát cũng nhiều hơn gấp 5 lần. Việc này có liên quan gì với số lượng khỉ đột non chết nhiều đột biến?

Không giống như con người, khỉ đột lại sống theo chế độ đa thê. Cụ thể là một con khỉ đột đực trưởng thành sẽ có từ 1-6 bạn tình khác giới. Các nhóm khác có thể có nhiều hơn 1 con đực có thể tham gia sinh sản. Con đầu đàn sẽ chia sẻ quyền sinh sản với những con đực cấp dưới. Các nhà khoa học cho rằng khỉ đột phân chia như vậy thực chất là một chiến lược phát triển nhóm của mình mạnh hơn để đối mặt với những mối nguy hiểm và đe dọa có thể phát sinh.

Khỉ đột có thể sinh sản quanh năm và chu kỳ động dục của con cái là khoảng 28 ngày. Những con cái cũng chia theo cấp bậc. Những con cái có thứ hạng cao nhất là loại có khả năng sinh sản tốt nhất. Trong các nhóm có nhiều con đực trưởng thành hơn thì các con cái đều có khả năng sinh sản thành công tương đối giống nhau. Thời gian mang thai của khỉ đột núi từ 8,5 đến 9 tháng. Chúng thường sinh một con con, rất hiếm trường hợp mang song thai.

Tỷ lệ chết con non của loài có DNA gần giống người tăng cao đột ngột: Hung thủ bất ngờ - Ảnh 3.

Một trong những vấn đề mới nảy sinh là tỷ lên con non chết tăng cao đột ngột. (Ảnh: Baidu)

Ở năm thứ 7, con cái đã được coi là trưởng thành, nó có thể bắt đầu sinh sản trong 8 đến 12 năm tiếp theo. Sau khi sinh con, con cái sẽ cho con của nó bú trong từ 3-4 năm, suốt thời gian này nó sẽ không mang thai nữa. Con đực có xu hướng trưởng thành muộn hơn, từ năm thứ 10 đến 14 và chúng có thể sinh sản trong khoảng 15 năm. Bộ lông của con đực chuyển hẳn từ màu đen sang màu bạc khi chúng được 13 tuổi, tức là bước vào giai đoạn trưởng thành.

Khi những con đực lưng đen (chưa tới tuổi trưởng thành) thường rời đàn khi được 11 tuổi, chúng sẽ phải di cư khỏi nhóm của mình. Những con cái đến tuổi trưởng thành cũng vậy. Sau khi tách khỏi đàn, những cá thể này gặp những con khỉ đột đực hoặc cái khác và thành lập một nhóm mới. Những con đực thường tham gia vào một nhóm khác hoặc đi theo một con đực trưởng thành lưng bạc, trong khi con đực có thể ở cùng nhau tạm thời liên minh, cho đến khi chúng thu hút, lôi cuốn được những con cái khác và thành lập nhóm của riêng chúng. Sở dĩ khỉ đột hình thành cơ chế này để ngăn chặn sự giao phối cận huyết và thúc đẩy sự phát triển của loài.

Đưa ra giải pháp mới

Tuy nhiên, khỉ đột núi lại nảy sinh tranh chấp trong quá trình lôi kéo những con khác gia nhập nhóm của mình. Nếu một con khỉ đột đực trưởng thành khác tới khiêu chiến và đánh bại con đầu đàn, nó sẽ tiếp quản nhóm khỉ đột đó. Con đầu đàn trước đó sẽ bị giết và con chiến thắng sẽ thành thủ lĩnh mới. Nó sẽ loại trừ toàn bộ con non để ép khỉ đột cái kết thúc thời kỳ tiết sữa và chuyển sang giai đoạn giao phối để tiếp nối di truyền giống của mình.

Nói một cách khác, sự gia tăng quần thể khỉ đột khiến cho môi trường sống của chúng bị thu hẹp. Trong những năm 70 và 80, tỷ lên con non trong các nhóm khỉ đột cao là bởi những kẻ săn trộm chủ yếu nhắm vào khỉ đột đực. Sau này, khi con người ý thức và áp dụng các biện pháp bảo tồn thì số lượng các nhóm khỉ đột và không gian sống của chúng dần gia tăng. Thế nhưng, việc này lại dẫn tới tỷ lệ tử vong của khỉ đột non tăng cao đột ngột. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng tỷ lệ khỉ đột con thường bị chết trước 3,5 tuổi tăng 30 % và đa số chúng bị giết bởi khỉ đột đực.

Tỷ lệ chết con non của loài có DNA gần giống người tăng cao đột ngột: Hung thủ bất ngờ - Ảnh 4.

Tỷ lệ con non bị chết trước 3,5 tuổi tăng tới 30%. (Ảnh: Baidu)

Vì vậy, việc gia tăng số lượng cá thể không phải là cách tốt nhất để bảo vệ loài khỉ đột. Những thay đổi về diện tích, phạm vi cũng như môi trường sống của chúng cũng là những yếu tố quan trọng không kém. Sau khi nhận được kết quả từ báo cáo này, hiện nay, một số quốc gia ở châu Phi đã triển khai kế hoạch mở rộng các khu bảo tồn khỉ đột hoang dã để giúp chúng cân bằng về số lượng và sự phân bổ.

Hjalmar Kühl - chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học tích hợp của Đức đã nhấn mạnh: "Thế giới cần có trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự suy giảm của loài khỉ đột. Tất cả các quốc gia được hưởng lợi từ những nguồn tài nguyên nên chúng ta cũng cần đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho chúng, bảo vệ môi trường sống của chúng và những người sống ở đó".

*Bài viết được tổng hợp từ các nguồn: Globalnews, Realonomics, Sohu…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại