Tỷ lệ cao các quan chức Trung Quốc tự sát vì trầm cảm

Hoàng Lê |

Trang tin Caixin ngày 22/10 đã thống kê danh sách giới chức Trung Quốc tự sát những năm qua, trong đó nguyên nhân chủ yếu được cho là do trầm cảm.

Vụ tự sát mới nhất

Vụ tự tử của Chánh văn phòng đại diện Trung Quốc ở Hong Kong và Macau Trịnh Hiểu Tùng (Zheng Xiaosong) đã nối dài danh sách giới chức Trung Quốc “tự sát” hoặc “chết bất thường” trong những năm gần đây.

Sau vụ việc của ông Trịnh Hiểu Tùng, trang Caixin của Trung Quốc đã công bố danh sách các quan chức Trung Quốc “tự sát” hoặc “chết bất thường” từ năm 2014. Theo Caixin, Trung Quốc đã ghi nhận tỷ lệ “chết bất thường” cao của các quan chức cấp Bộ và cấp tỉnh trong những năm gần đây.

Caixin dẫn một báo cáo nghiên cứu công bố năm 2017 của Viện Hàn lâm Xã hội học Trung Quốc (CASS) cho thấy, từ năm 2009 - 2016 đã có 243 quan chức Trung Quốc tự sát. Trong đó, năm 2014 ghi nhận con số kỷ lục với 59 trường hợp.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Xã hội học Trung Quốc, trong số 100.000 người tại Trung Quốc thì có khoảng 20 người tự sát mỗi năm. Nghiên cứu cũng cho thấy, trong 100.000 quan chức Trung Quốc thì có 5 người tự sát mỗi năm.

Trở lại với vụ tự sát mới nhất của Chánh văn phòng đại diện Trung Quốc ở Hong Kong và Macau Trịnh Hiểu Tùng, ông này đã tử vong sau khi ngã từ nhà tầng cao vào tối ngày 20/10 (giờ địa phương). Thông báo của Văn phòng đại diện Trung Quốc ở Hong Kong và Macau cho biết, ông Trịnh Hiểu Tùng qua đời ở tuổi 59 và nguyên nhân tự sát là do ông bị trầm cảm. Vụ việc này xảy ra chỉ vài ngày trước lễ khánh thành cây cầu dài nhất thế giới nối Hong Kong với Chu Hải và Macau hôm 23/10.

Nguyên nhân chủ yếu do trầm cảm

Giống với trường hợp của ông Trịnh Hiểu Tùng, gia đình và đồng nghiệp của nhiều giới chức Trung Quốc tự sát đã tiết lộ việc họ bị trầm cảm và đang điều trị trầm cảm. Viện Hàn lâm Xã hội học Trung Quốc ước tính tỷ lệ bị trầm cảm trong số các trường hợp “chết bất thường” của giới chức nước này chiếm ít nhất 50%. Cách thức tự sát thường là nhảy lầu, treo cổ hoặc nhảy sông.

Tương lai của Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ nhìn từ đại án Phạm Băng Băng VOV.VN - Khi Phạm Băng Băng “tái xuất” sau nhiều tháng mất tích và thừa nhận trốn thuế cũng là lúc Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ bặt tăm.

Tháng 5 vừa qua, Phó Tổng thư ký Ủy ban thành phố Bắc Kinh Vương Hiểu Minh (Wang Xiaoming) đã rơi từ trên lầu xuống tử vong ở 58 tuổi. Trước đó năm 2017, có hai quan chức - một ở Cam Túc và một ở Lan Châu, được cho là “chết đuối ở sông Dương Tử”...

Trang Caixin cũng nêu hàng loạt trường hợp quan chức Trung Quốc “chết bất thường” tại Hắc Long Giang, Sơn Đông, Hồ Bắc... trong các năm 2014, 2015 và 2016.

Dư luận Trung Quốc đặt nhiều câu hỏi về những cái “chết bất thường này”, song nguyên nhân chủ yếu được quy kết là do trầm cảm. Bởi các trường hợp quan chức Trung Quốc thường tự sát sau khi họ nghỉ hưu hoặc đang bị điều tra. Trong đó có trường hợp ông Trương Dương (Zhang Yang), 66 tuổi, cựu thành viên Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC), đã tự tử tại nhà riêng vào tháng 11/2017 khi bị điều tra tham nhũng.

Trong danh sách của Caixin có trường hợp một Phó Chủ tịch tại tỉnh Vân Nam phải nhập viện vào tháng 3/2014 vì cố gắng tự sát. Ông này không chỉ liên quan đến một chiến dịch điều tra tham nhũng mà còn bị nhiễm HIV. Ông này đã từ chức sau vụ tự sát bất thành và được thông báo đã qua đời vào tháng 7/2014, song không rõ nguyên nhân tử vong là do tự sát hay do bị bệnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại