Twitter trở thành 'chiến địa' cho ngoại giao Chiến lang của Trung Quốc

Hà Linh |

Tranh cãi gần đây giữa Canberra và Bắc Kinh về một bức ảnh chỉnh sửa liên quan đến binh sĩ Australia do quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải trên Twitter cho thấy mạng xã hội này đã trở thành “chiến trường” mới của phong cách ngoại giao “Chiến lang” từ Trung Quốc.

Ngày 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đăng lên mạng xã hội Twitter hình ảnh chỉnh sửa về binh sĩ Australia kề dao dính máu lên cổ một em nhỏ Afghanistan đang ôm con cừu. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phản đối và yêu cầu gỡ ngay hình ảnh này. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Đại sứ quán Trung Quốc trong khi đó nói rằng phản ứng giận dữ từ các chính khách và truyền thông Australia liên quan tới bức ảnh là “thái quá”.

Tờ Guardian (Anh) đánh giá thế hệ quan chức ngoại giao mới của Trung Quốc đã đi theo phương pháp cứng rắn hơn với phương Tây. Phương pháp này mang tên ngoại giao “Chiến lang” – dựa trên bộ phim bom tấn cùng tên năm 2015 của Trung Quốc.

Trung Quốc đã cấm Twitter hoạt động tại nước này từ năm 2009. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội này để truyền đạt quan điểm của họ với dư luận nước ngoài.

Hiện nay, có trên 170 tài khoản trên Twitter của các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với nội dung đăng thông tin chỉ trích chính quyền phương Tây, đưa quan điểm của Bắc Kinh về COVID-19 và chê bai Mỹ về vấn đề chủng tộc của nước này.

Hai quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc có lượng người theo dõi đông đảo nhất trên Twitter là người phát ngôn Triệu Lập Kiên (@zlj517) và Hoa Xuân Oánh (@spokespersonCHN), với mức tăng lần lượt 42% và 121% kể từ tháng 3/2020. Theo dữ liệu của trang Hamilton 2.0, số người theo dõi tài khoản Twitter của các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã tăng từ 1,55 triệu trong tháng 3/2019 lên 3,02 triệu trong tháng 9/2020.

Ông Triệu Lập Kiên được coi là “nổi trội” hơn đồng nghiệp về thời gian sử dụng và mức độ gây tranh cãi trên Twitter. Ông Triệu Lập Kiên mở tài khoản Twitter vào năm 2010, đến tháng 7/2019, ông “đấu khẩu” với cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice trên Twitter. Ông Triệu Lập Kiên đăng về “chia rẽ sắc tộc” tại Washington DC, sau đó bà Susan Rice gọi ông này là “phân biệt chủng tộc”.

Tháng 3/2020, ông Triệu Lập Kiên chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump vì thiếu minh bạch và cho rằng quân đội Mỹ đã mang virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đến Vũ Hán khi tham dự một cuộc hội thao quân sự tổ chức tại thành phố này vào tháng 10/2019.

Kể từ năm 2014, tất cả các đại sứ quán Trung Quốc đều có trang Facebook chính thức cho dù Trung Quốc đã cấm Facebook từ năm 2009. Tuy nhiên, khác với các tài khoản Facebook chủ yếu được sử dụng để quảng bá văn hóa Trung Quốc và đăng hoạt động hợp tác ngoại giao thì tài khoản Twitter của các đại sứ Trung Quốc lại mang tiếng nói cá nhân.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Australia dường như đã áp dụng chính "bài sử dụng mạng xã hội" của các quan chức ngoại giao Trung Quốc. Theo đó, Thủ tướng Scott Morrison đã sử dụng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc để chỉ trích bức ảnh liên quan đến tranh cãi gần đây giữa hai quốc gia. Tối 1/12, Thủ tướng Morrison đăng lên WeChat rằng tranh cãi ngoại giao liên quan đến hình ảnh binh sĩ Australia “không làm phai nhòa sự tôn trọng và cảm kích đối với cộng đồng người Trung Quốc tại Australia”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại