Các nhà khoa học ở Ý đang điều tra sự xuất hiện bí ẩn của những dải tuyết màu hồng trên sông băng Presena, một phần của dãy núi Alps. Nguyên nhân được nhận định là bắt nguồn từ một loại tảo, nhiều khả năng cùng một loại được tim thấy ở Greenland, với tên khoa học của chúng là Ancylonema nordenskioeldii. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh luận về loài tảo này đến từ đâu?
"Tảo không nguy hiểm, đó là một hiện tượng tự nhiên xảy ra trong quãng thời gian mùa xuân và mùa hè ở khu vực có vĩ độ trung bình", Biagio Di Mauro, người từng nghiên cứu về loài tảo ở sông băng Morteratsch tại Thụy Sĩ cho biết.
Nhà nghiên cứu Biagio Di Mauro lấy mẫu tuyết màu hồng trên sông băng Presena, ngày 4/7/2020. (Miguel Medina / AFP)
Nhưng vấn đề nghiêm trọng là thông thường, băng phản chiếu hơn 80% bức xạ của mặt trời vào khí quyển. Nhưng khi tảo xuất hiện, chúng làm băng trở nên tối màu hơn, do đó hấp thụ nhiệt nhiều hơn. Băng sẽ tan nhanh hơn.
Càng nhiều tảo sẽ xuất hiện khi băng tan ra, bởi chúng được cung cấp nước và không khí. Đó là lý do tạo sao cả một khu vực băng tuyết trở nên đổi màu, ở độ cao 2.618 mét so với mặt nước.
"Mọi thứ làm cho tuyết tối màu đều khiến nó tan chảy vì làm tăng tốc độ hấp thụ bức xạ", Di Mauro nói.
"Chúng tôi đang cố gắng định lượng ảnh hưởng của các hiện tượng khác ngoài hiện diện của con người đối với sự nóng lên của Trái đất", Di Mauro lưu ý rằng người đi bộ và các thiết bị hỗ trợ môn trượt tuyết cũng có thể tác động đến tảo.
Khách du lịch tại sông băng này cũng đang than thở về tác động của biến đổi khí hậu.
"Hành tinh quá nóng là một vấn đề, điều cuối cùng chúng ta cần là tảo", khách du lịch Marta Durante nói. "Thật không may, chúng ta đang gây ra các thiệt hại không thể đảo ngược. Chúng ta đã ở điểm không thể quay lại, tôi nghĩ vậy."
Elisa Pongini đến từ Florence thì cho biết cô cảm thấy Trái đất đang "trả lại cho chúng ta mọi thứ chúng ta đã làm với nó".
"Năm 2020 là một năm đặc biệt, với những điều khủng khiếp đã xảy ra", cô nói. "Theo tôi, các hiện tượng khí quyển đang xấu đi. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt."
Trong khi đó ở Nam Cực, hiện tượng "tuyết xanh" tạo ra bởi tảo nở hoa cũng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Và cũng như trên dãy An-pơ, sự gia tăng của tảo cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng băng tan tại khu vực cực Nam của Trái đất này.
Tham khảo sciencealert