Là cô giáo dạy THPT, cũng là bà mẹ của cậu bé sắp 3 tuổi, chị Trần Thị Lệ Khánh (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ góc nhìn rất hay về việc nuôi dạy con, đó là "tuổi thơ không smartphone".
Không coi điện thoại là đồ chơi
Lệ Khánh cho biết, chị chưa bao giờ cấm con sử dụng các thiết bị thông minh như TV, điện thoại, ipad..., chỉ là không giới thiệu điện thoại với con như một món đồ chơi. Con chị biết điện thoại dùng để gọi điện, nhắn tin, chụp hình, quay video và bố mẹ thường xuyên làm việc với nó. Thỉnh thoảng bé đề nghị "mẹ chụp hình đi" , "mẹ gọi điện cho ông bà đi " nhưng chưa bao giờ đòi hỏi dùng điện thoại như một món đồ chơi.
Khoảnh khắc gia đình chị Lệ Khánh bên nhau.
Cô giáo trẻ cho rằng nếu một đứa bé nghiện smartphone thì đó không phải là lỗi của bé mà là vấn đề của người trực tiếp nuôi dạy. "Bây giờ là thời đại 4.0, điện thoại là vật dụng không thể thiếu, mình làm việc trên điện thoại rất nhiều, con mình rồi sẽ cần được hướng dẫn sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ cần thiết, nhưng chưa phải bây giờ".
Do quá bận rộn, hiện nay nhiều bố mẹ giao con cho điện thoại, tivi để con ngồi yên một chỗ. Nuôi dạy trẻ không phụ thuộc thiết bị thông minh là điều phần lớn phụ huynh mong muốn mà không làm được, nhưng đây lại là điều mà Lê Khánh đã thực hiện thành công. Chia sẻ phương pháp của mình, chị cho biết nhhà chị không có tivi vì cả hai vợ chồng đều không có nhu cầu xem. Do vậy con chị từ nhỏ đến nay không xem các nội dung trên màn hình tivi. Nhà chị có một loa lớn kết nối với điện thoại để mở nhạc cho con nghe khi bé chơi và một loa nhỏ cắm thẻ nhớ để mở nhạc trước khi đi ngủ, đọc sách tiếng Anh cho bé. Con chị thuộc rất nhiều bài hát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt mà không cần lệ thuộc vào việc xem hình ảnh trên màn hình.
Em bé tự chơi rất ngoan không phụ thuộc vào các thiết bị điện tử.
Vợ chồng chị Khánh hạn chế sử dụng điện thoại để giải trí (xem video, chơi game...) trước mặt con, bởi các hoạt động có hình ảnh và âm thanh trên điện thoại sẽ thu hút trẻ.
Cô giáo trẻ không hề nói với con "chơi điện thoại là hư" hay "chơi điện thoại nhiều là hỏng mắt" bởi bố mẹ vẫn cần sử dụng điện thoại trước mặt bé. Khi ở nhà với con, chị cố gắng dùng điện thoại ít nhất có thể, nhưng có nhiều việc cần xử lý trên điện thoại nên mỗi khi cần dùng, luôn nói với con: " Mẹ làm việc một chút nhé, xong mẹ sẽ chơi với con tiếp" . Chị cố gắng làm nhanh nhất có thể vì con sẽ giục "mẹ cất điện thoại đi, đừng làm việc nữa" . Đối với bé, điện thoại là phương tiện liên lạc và công cụ làm việc, không phải dùng để giải trí.
Vợ chồng chị Khánh không cấm tiệt con tiếp xúc với điện thoại vì bé vẫn nói chuyện với ông bà, người thân qua các cuộc gọi video. Tuy nhiên, thời gian tiếp xúc rất hạn chế và bé cũng không thích nói chuyện qua điện thoại bằng gặp trực tiếp. "Con mình sinh ra trong mùa dịch, ít được gặp gỡ mọi người nên mình giữ sợi dây kết nối bằng cách gọi điện cho ông bà, cậu dì nói chuyện với bé. Và rồi mình nhận ra, đối với con, kết nối trên điện thoại khác với đời thực: Thời COVID-19 bé nói chuyện trên điện thoại với cậu mỗi ngày, nhìn hình là nhận ra cậu nhưng khi gặp cậu ngoài đời thì không nhận ra", Lê Khánh tâm sự.
Em bé rất thích chơi với bố.
Đã chơi với con là "bỏ hết"
Hai vợ chồng Khánh trò chuyện với con mọi lúc có thể, khi làm việc cũng tranh thủ quay ra nói chuyện với con, trả lời câu hỏi của bé. Hồi con vài tháng, chị thường để bé trong xe đẩy, lớn hơn chút thì đặt trong cũi để vừa nấu ăn, làm việc nhà vừa trò chuyện với con.
Mỗi ngày, chị Khánh đều dành thời gian bày đồ chơi ra chơi cùng con, nếu bận thì chỉ cần 10 -15 phút, nhưng đó là thời gian hoàn toàn dành cho con, không sử dụng điện thoại, không làm việc khác. "Nhà rất hạn chế sắm đồ chơi nên có gì dùng nấy thôi, thực ra cái con cần là bố mẹ chơi cùng chứ không phải là chơi trò gì. Đồ chơi ít lại càng kích thích sự sáng tạo của con" , Lê Khánh nói.
Gia đình họ thường duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày từ khi em bé mới ra đời. Theo chị Khánh, đây là "trò'" dễ nhất để chơi với con, vừa tạo sự kết nối vừa giúp con phát triển tư duy, ngôn ngữ. Cô giáo này cho rằng, việc đọc sách sẽ giúp kích thích trí não trẻ tốt hơn rất nhiều so với xem điện thoại, tivi một cách thụ động.
Hai bố con nằm đọc sách mỗi buổi tối.
Hai vợ chồng cũng sắp xếp thời gian đưa con ra ngoài chơi mỗi khi có thời gian rảnh. Họ rất chăm đi, không đi xa thì đi gần, không có nhiều thời gian thì rỗi lúc nào đi lúc ấy. Có khi cả nhà cùng nhau ra quảng trường dạo một vòng rồi về cũng đủ vui. Vừa đi, họ vừa nói chuyện với con về sự vật bên ngoài như các loại xe trên đường, chiếc máy bay trên trời, con bò ăn cỏ bên đường... Theo chị Khánh, câu tục ngữ "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" rất chuẩn trong trường hợp này.
Con được thỏa thích khám phá thiên nhiên.
Chị Lê Khánh còn lập hội các gia đình có con không dùng smartphone để đi chơi cùng nhau. Nhờ đó, con có bạn bè để cùng chơi, cùng giao lưu và con không thấy lạc lõng vì xung quanh các bạn toàn xem điện thoại, còn mình thì không.
Hội bạn thân không smartphone và mê sách.
Dạy con tự chơi
Không chỉ luyện cho con không phụ thuộc thiết bị thông minh, trong chuyện ăn uống, từ khi con bắt đầu ăn dặm, chị Khánh đã áp dụng 'kỷ luật bàn ăn". "Nghe từ kỷ luật có vẻ to tát nhưng chỉ đơn giản là đến giờ ăn ngồi vào ghế, nếu không ăn thì mời ra khỏi ghế, bữa ăn không quá 30 phút; không dùng điện thoại. Mình không cho đi rong hay có bất kỳ hình thức nào để dụ con ăn ngoài việc cố gắng thay đổi thực đơn, chế biến để con hợp tác. Nhờ đó con trai 15 tháng đã tự xúc ăn tốt, ăn đa dạng và khi đi ra ngoài cũng tự ăn, nếu đồ không ngon thì ăn ít thôi" , người mẹ chia sẻ.
Ngoài công việc giáo viên, gia đinh chị còn có một quán ăn nhỏ. Bố mẹ phải làm việc thêm, em bé chơi tự chơi rất ngoan.
Chị Khánh cho con đi học khá sớm, chọn trường có nhiều hoạt động phong phú, có giờ đọc sách và không sử dụng tivi. Gia đình ở thành phố, con ít có bạn chơi cùng nên việc đi học sớm giúp bé có môi trường để giao tiếp, học hỏi tốt hơn.
Con trai chị Lê Khánh được tập thói quen tự chơi từ bé. Chồng chị công việc rất bận, chỉ có thể tranh thủ ở bên con những lúc có thể, còn hầu hết thời gian hai mẹ con chơi với nhau. Những lúc mẹ làm việc thì em bé quẩn quanh làm những "việc của con" như: Xếp đồ chơi ra chơi một mình, lật sách ra tự xem, lôi dụng cụ nấu ăn của mẹ ra để "nấu"giống mẹ, xếp lego, tô màu, vẽ...
Em bé rất thích vẽ tranh, đây là tác phẩm lúc 1 tuổi và 3 tuổi.
Khi con còn nhỏ, chưa tự chơi một mình được, chị Khánh đã tranh thủ lúc bé ngủ để làm việc, hoặc hai vợ chồng thay phiên nhau: Một người chơi với con, một người làm việc nhà. Khi ra ngoài chơi, uống cafe chẳng hạn, họ cũng thay nhau một người ngồi uống nước, nói chuyện với bạn bè, một người dẫn con đi chơi xung quanh. Nhiều người bạn giới thiệu các ứng dụng giáo dục trên điện thoại nhưng theo chị, những hoạt động bên ngoài màn hình tốt cho con hơn rất nhiều.
Chị tâm sự: "Mình có đọc được một ý khá tương đồng với quan điểm dạy con "không smartphone" trên trang của bác sỹ Anh Nguyen: ' Khi nói về các app giáo dục, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ từng nhấn mạnh, bất kể chương trình giáo dục nào có sử dụng hay truyền tải qua thiết bị có màn hình điện tử cho trẻ dưới 2 tuổi đều không có ý nghĩa giáo dục, bao gồm các ứng dụng được cho là giáo dục'. Đúng vậy, c on được tận mắt thấy, sờ nắm và ăn thử quả cam một lần sẽ hiệu quả hơn xem quả cam trên điện thoại 100 lần".