Tuyển Việt Nam đã ở ngưỡng của thiên đường. Nhưng quên đi lợi thế 2-1 ở trận bán kết lượt đi, vẫn còn rất nhiều cạm bẫy chờ đón chúng ta vào tối nay.
Hãy nhớ bài học của người Thái vào tối thứ Tư. Hãy nhớ bài học ở AFF Cup 2014 của Việt Nam trước Malaysia. Và hãy nhớ, Mỹ Đình không phải nơi thường mang đến vận may.
Vì vậy, chúng ta sẽ thấy vào tối nay, HLV Park Hang-seo cùng các trợ lý cúi đầu, nhắm mắt trong khoảng 30 giây; Xuân Trường ngửa mặt lên trời khi bước ra khỏi đường hầm, thủ môn Đặng Văn Lâm xoa trái bóng khi nó chưa lăn; tất cả như một nghi thức cầu nguyện. Trên hết vào lúc này, họ rất cần sự ủng hộ của thần may mắn.
Thủ môn Đặng Văn lâm luôn giữ thói quen hôn lên mặt cỏ sau mỗi bàn thắng.
Nghe có vẻ mê tín, và liệu những hành động mang tính tâm linh này có thực sự giúp ích cho họ?
Theo Tiến sĩ Mary Ingram-Waters từ Đại Học bang Arizona, sự mê tín giúp tăng khả năng kiểm soát những thứ mà người ta không thể kiểm soát được, đồng thời tạo dựng niềm tin về một kết quả tốt.
Các nhà tâm lý học thì nói rằng, các nghi lễ tâm linh mang đến "hiệu ứng giả dược", hay tự kỷ ám thị. Nó giúp người thực hiện tự tin hơn và dĩ nhiên, làm việc hiệu quả hơn. Chúng ta thường nghe rất nhiều đến câu nói "đức tin có thể tạo ra sức mạnh để thổi bay một quả núi". Vì lẽ đó, hầu hết giới cầu thủ đều mê tín, dù họ là một gã vô danh hay siêu sao nổi tiếng.
HLV park Hang-seo cùng trợ lý cúi đầu cầu nguyện trước trận đấu.
Nếu bạn cho rằng khả năng ghi bàn như máy kể cả khi ở tuổi 33 của Cristiano Ronaldo là do sự chăm chỉ, tài năng cùng tính chuyên nghiệp, bạn nhầm. CR7 sẽ nói, các bàn thắng đền nhờ vào việc anh luôn là người đầu tiên lên, xuống máy bay, nhưng lại ra sân cuối cùng, sau đó đặt chân phải lên sân trước tiên rồi nhảy lên.
Ngay cả Johan Cruyff huyền thoại cũng chúa mê tín. Ông thường tát vào bụng thủ môn Gert Bals trước mỗi trận đấu và nhổ bã kẹo cao su lên phần sân đối phương. Một lần quên nhổ kẹo, Ajax của ông đã thua tan nát 1-4 trước Milan ở trận chung kết C1 1969. Kể từ đó, Cruyff càng không dám quên nghi lễ này.
Jamie Vardy, tiền đạo của Leicester, thì kỳ dị hơn. Anh ta luôn uống nửa chai rượu vang vào đêm trước trận đấu. Và khi chuẩn bị ra sân, tu tiếp 3 lon Red Bull. Nhân nhắc đến Leicester. Kể từ khi được tiếp quản bởi các ông chủ người Thái, họ luôn đón các vị cao tăng đến từ xứ sở Chùa Tháp để được ban phước lành.
HLV Park Hang-seo trong một nghi thức cầu may khác.
Như Leicester còn nhẹ nhàng chán. Đội tuyển Australia từng mời một vị phù thủy đến làm lễ để giúp họ chơi khởi sắc hơn. Lý do vì trước đó, Socceroos từng… quỵt tiền của một phù thủy khác và bị lời nguyền. Tay phù thủy mới sau đó đã giết một con gà, lấy máu trộn với bùn đất và bôi lên người các cầu thủ. Không biết có sự trung hợp ngẫu nhiên nào không, nhưng Australia đã giành quyền tham dự World Cup 2006 và kể từ đó, chưa bao giờ lỡ hẹn.
Thật ra thì yếu tố tâm linh chưa bao giờ tách rời khỏi bóng đá, bởi bản thân bóng đá đã là một nghi thức tâm linh. Nghe có vẻ khó tin, nhưng Giáo sĩ Do Thái người Israel, Baal Shem Tov từng nói, "mọi hành động mà chúng ta nhìn thấy và thực hiện đều nhằm mục đích phục vụ Đấng tối cao".
Hãy tưởng tượng quả bóng chính là Trái Đất. Và việc chúng ta phải vượt qua nghịch cảnh, nếm trải cảm giác hận thù, tức giận, cay đắng hay vui sướng tột cùng để đưa nó vào khung thành, tượng trưng cho "Cánh cổng Thiên đàng", chính là ám chỉ đưa trái đất trở về nơi tạo ra nó. Hợp lý, phải không?
Như "các cụ" vẫn nói, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", đội tuyển Việt Nam có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Miễn là họ được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để chiến thắng, để chúng ta tiến tới "Cánh cổng Thiên đàng".