Cột mốc 30 năm là một dấu hiệu mang tính trải nghiệm
Chiều 9/9, ông Yusuke Adachi, tân Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), có phát biểu đáng chú ý khi nhắc tới bóng đá Nhật Bản, quê hương của mình. Ông nói: "Tôi nghĩ 30 năm tới, Việt Nam có thể đánh bại được Nhật Bản".
Về con số 30, đó có thể là dấu hiệu ăn sâu vào tiềm thức của vị chuyên gia người Nhật Bản vì bóng đá xứ sở mặt trời mọc "dành tới 30 năm để phát triển bóng đá".
Đội tuyển Việt Nam từng thua sát nút Nhật Bản 0-1 ở Asian Cup 2019 (Ảnh: Hiếu Lương)
Bóng đá Nhật Bản đứng dưới cả Việt Nam, Malaysia vào những năm 60 của thế kỷ trước. Để rồi sau 30 năm tập trung phát triển, "từ quốc gia không thể thắng được Hong Kong, Malaysia thì hiện giờ, Nhật Bản đã đánh bại được hầu hết các quốc gia tại châu Á", ông Adachi nói.
Nhiều người hâm mộ có phần lăn tăn, cho rằng đó là một ước mơ xa còn bản hợp đồng giữa ông Adachi với VFF chỉ kéo dài gần 3 năm. Tuyên bố ấy của ông Adachi vì thế bị nhìn nhận là sự viển vông dù hai năm qua, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến dài ở tầm châu lục.
Phát biểu của ông Adachi bị so sánh với những gì HLV Park Hang-seo từng nói lúc nhậm chức cách đây 3 năm. Những mục tiêu ông Park đưa ra đều tập trung trong nhiệm kỳ của mình như lọt vào top 100 thế giới, vô địch AFF Cup hay giành HCV SEA Games. HLV Park Hang-seo lấy việc hoàn thành những mục tiêu ấy để tiếp tục vươn tới những kết quả cao hơn và vì thế, ông thuyết phục được người hâm mộ Việt Nam, tới từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Tân GĐKT Yusuke Adachi (phải) chính thức ra mắt vào ngày 9/9 (Ảnh: Đ.Tú)
Mục tiêu đánh bại Nhật Bản tương xứng với giấc mơ World Cup 2026
Nếu nhìn rộng hơn, phát biểu của ông Adachi có thể được hiểu theo hướng tích cực, trở thành một tham vọng lớn của bóng đá Việt Nam.
Thứ nhất, nhiệm vụ của ông Adachi là nghiên cứu, hoạch định đường đi cho bóng đá Việt Nam trong thời gian dài, tạo nên một con đường dài không chỉ ở các cấp độ đội tuyển mà còn ở các giải bóng đá quốc nội.
HLV Park Hang-seo hay Philippe Troussier cũng suy nghĩ về những điều ấy nhưng đó là phần phụ trong danh sách nhiệm vụ của họ. Nhiệm vụ chính của ông Park, ông Troussier là góp công vào con đường dài ấy bằng cách cùng đội U19, U22 và ĐTQG đạt được những thành quả.
Thứ hai, sự nghi ngờ đối với phát biểu của ông Adachi có thể sẽ giảm bớt khi nhắc lại mục tiêu lớn của bóng đá Việt Nam mang tên World Cup 2026. Thời điểm ấy, FIFA dự kiến nâng tổng số đội từ 32 lên 48 và dự kiến châu Á sẽ tăng số suất tham dự từ 4,5 lên 8,5.
Muốn có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh thì ngay từ lúc này, đội tuyển Việt Nam phải đẩy cao trình độ để thường xuyên cạnh tranh được vào top 8 châu Á. Trên BXH FIFA, Việt Nam đang thuộc top 15 châu Á. Thế nhưng, đây chỉ là con số tham khảo trong bối cảnh thực lực của bóng đá Việt Nam chưa thật sự vượt lên so với những nền bóng đá có thứ hạng thấp hơn, có thể kể đến Thái Lan, Malaysia.
Sự kết hợp giữa HLV Philippe Troussier và Park Hang-seo được kỳ vọng sẽ là một phần giúp bóng đá Việt Nam đạt được mục tiêu tham dự World Cup 2026 (Ảnh: Trung Hiếu)
Nhiệm vụ này không hề dễ dàng bởi lẽ, thế hệ vàng 1993, 1995, 1997 bắt đầu luống tuổi. Trong khi đó, thế hệ trẻ hiện tại sinh năm 1999 trở về sau vẫn chưa có nhiều cái tên nổi bật. Vậy nên đó là lý do vì sao ngay từ lúc này, áp lực với HLV Philippe Troussier đã rất nặng nề với U19 Việt Nam. Những cái tên ở đội tuyển này sẽ trở thành nòng cốt của đội tuyển quốc gia đúng vào năm 2026.
Mơ về World Cup sau đây 6 năm, bằng 1/5 tiến trình 30 năm mà ông Adachi nhắc đến. Xét về lý thuyết trên một chặng đường phát triển ổn định, đội tuyển Việt Nam sẵn sàng trở thành đối trọng khó chịu với "những chiến binh samurai".
Việt Nam đang ở đâu so với "siêu cường" bóng đá châu Á?
Ở ASIAD 2018, đội Olympic Việt Nam đánh bại Nhật Bản với tỷ số 1-0. Đó là lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam hạ gục người Nhật. Cột mốc ấy sẽ tiếp thêm niềm tin cho những thế hệ sau này.
Tuy nhiên, những cầu thủ của HLV Park Hang-seo vẫn giữ đôi chân trên mặt đất. Họ biết rằng mình chỉ vừa đánh bại đội U21 của Nhật Bản mà thôi. Thậm chí, đó cũng chưa phải những cái tên xuất sắc nhất, còn chúng ta đang sử dụng đội quân tinh nhuệ nhất của nền bóng đá.
Kết quả cho thấy, đội bóng ấy vào đến chung kết môn bóng đá nam ASIAD và khiến Son Heung-min cùng các đàn em ở Olympic Hàn Quốc phải rất vất vả mới khuất phục được trong 120 phút.
Trận thua 0-1 trước Nhật Bản ở tứ kết Asian Cup 2019 cũng được xem là cột mốc đáng nhớ. Một trận đấu hay của Việt Nam sau khi quần thảo hơn 120 phút với Jordan ở vòng trước. Cho dù vậy, khi trận đấu kết thúc chúng ta vẫn cần soi chiếu vấn đề như ở ASIAD 2018.
Đội tuyển Nhật Bản ở Asian Cup 2019 bao gồm nhiều cái tên trẻ. Đó không phải là đội hình Nhật Bản từng hạ gục Colombia tại vòng bảng, khiến đội tuyển Bỉ hùng mạnh mướt mồ hôi ở vòng 1/8 World Cup 2018. Đừng quên ở bán kết, Nhật Bản đã hạ Iran 3-0, đội tuyển hành hạ Việt Nam suốt 90 phút bằng lối chơi, sức mạnh đậm chất châu Âu tại vòng bảng.
Đội tuyển Việt Nam cần có thêm nhiều thế hệ như Công Phượng, Quang Hải mới mong dần thu hẹp khoảng cách với bóng đá Nhật Bản (Ảnh: Hiếu Lương)
Hình dáng của bóng đá Nhật Bản vẫn khác biệt với Việt Nam. Lớn hơn, mạnh hơn và có những toan tính dài hơi hơn ngay cả ở những giải đấu quan trọng. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản dùng ASIAD 2018 để thử nghiệm nhân sự cho Olympic Tokyo 2020. Họ dùng Asian Cup để trao cơ hội thể hiện cho những cầu thủ trẻ và mục tiêu vẫn là vô địch.
Những ví dụ trên có cho thấy độ rộng và chiều sâu về số lượng cầu thủ tài năng của bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Hàng trăm cầu thủ Nhật Bản đã đến châu Âu thi đấu suốt 20 năm qua, còn Việt Nam có Việt Thắng, Công Vinh, Công Phượng, Văn Hậu từng thử sức. V.League cũng ở dưới J.League 1 nhiều bậc.
Như tham vọng của ông Adachi, đánh bại được "gã khổng lồ" này thật sự làm niềm tự hào nhưng với những gì bóng đá Việt Nam đang có hiện tại, thu hẹp được chênh lệch giữa hai nơi đã là điều đáng mừng.