Ngày 2/2, Bộ trưởng TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Chỉ thị số 05/CT-BTTTT về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra.
Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu toàn ngành TT&TT bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh, trong đó: Xác định công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra; Kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Chỉ thị yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông phải vào cuộc, tham gia công tác phòng, chống dịch; phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan có liên quan phòng, chống dịch hiệu quả.
Các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
Chỉ thị cũng nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể ngành TT&TT cần khẩn trương triển khai thực hiện để phòng, chống dịch nCov.
Sử dụng Faecbook, Zalo, YouTube, Lotus để tuyên truyền phòng chống, dịch
Theo đó, tổ chức nhắn tin tuyên truyền về phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đến từng thuê bao điện thoại di động; Sản xuất các video clip, phim ngắn, thông tin dưới dạng đồ họa để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam, trên các nền tảng công nghệ số như Facebook, Zalo, YouTube, Lotus v.v…
Phát động chiến dịch đồng bộ gắn hashtag #ICT_anti_nCoV, thống nhất mẫu biểu trưng cho chiến dịch "Cộng đồng công nghệ số Việt Nam phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra".
Tuyên truyền qua báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại
Phối hợp với Bộ Y tế định hướng nội dung thông tin về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) trên báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử) và hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, các mạng lưới quảng cáo điện tử trên các nền tảng khác nhau.
Tuyên truyền phòng, chống dịch nCov trên mạng xã hội Lotus. Ảnh chụp màn hình.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình mở chuyên trang, chuyên mục, chương trình riêng để thực hiện các chuyên đề, đối thoại, giao lưu trực tuyến, hỏi và đáp trực tuyến nhằm cập nhật thông tin cần thiết một cách kịp thời, chính xác tới người dân.
Xây dựng, đăng tải các video clip, banner ảnh tĩnh, biểu ngữ cổ động, … để tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng người xem lớn.
Xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên báo chí nhằm củng cố vững chắc niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, hệ thống y tế cộng đồng, y tế cơ sở; đấu tranh chống các thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Tổ chức biên tập, lựa chọn các tin, bài từ nguồn Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia) và nguồn từ Bộ Y tế phù hợp với từng vùng miền, triển khai phát thanh phát sóng trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã để khuyến cáo người dân cần hạn chế các hoạt động có nguy cơ gây bệnh và những dấu hiệu nhận biết khi nhiễm bệnh để chủ động đi khám, thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức sản xuất tin bài phát sóng trên hệ thống thông tin đối ngoại nhằm mục tiêu thể hiện rõ trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, tinh thần hợp tác, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với các nước khác…(báo in, báo điện tử đối ngoại, phát thanh, truyền hình đối ngoại).
Phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bệnh viện, cơ sở y tế đang quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm vi rút Corona (nCoV) và những địa bàn có thể xuất hiện ca nghi nhiễm với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế.
Bảo đảm miễn phí cước gọi đến các đường dây nóng của Bộ Y tế
Chỉ thị nêu rõ cần bảo đảm miễn phí cước gọi đến các đường dây nóng của Bộ Y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, kịp thời xử lý thông tin sai sự thật, lợi dụng gây hoang mang dư luận
Chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật.
Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống
Chỉ thị cũng nêu rõ yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong toàn ngành TT&TT.
Đối với các doanh nghiệp công nghệ số, Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp chủ động hỗ trợ đơn vị chức năng của Bộ Y tế trong việc nâng cấp trang/cổng thông tin điện tử chính thống về dịch bệnh, bảo đảm tính sẵn sàng về băng thông, đường truyền, tối ưu hoá hiệu ứng tuyên truyền; Chủ động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, truyền thông chủ động để phát hiện thông tin giả mạo, sai sự thực; tham gia lan truyền thông tin từ trang/cổng thông tin điện tử chính thống về dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, chủ động báo cáo, khuyến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh dựa trên kết quả phân tích.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình qua Internet, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ số có đông người sử dụng tại Việt Nam (Zalo, Lotus, Coccoc, Gapo, Be, Mocha, Fastgo, Facebook, Google, Grab,…), chỉ thị nêu rõ các doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng của mình thông qua các nền tảng công nghệ;
Các doanh nghiệp này cần cung cấp bổ sung các tiện ích đơn giản, sáng tạo trên các nền tảng của mình để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống về phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ người dùng phòng, chống dịch bệnh (hỏi đáp, tư vấn, tra cứu, tìm kiếm các thông tin, cơ sở y tế…). Sử dụng mạng lưới các điểm giao dịch của các doanh nghiệp để kịp thời cung cấp thông tin có liên quan về dịch bệnh để khách hàng đến giao dịch biết, chủ động phòng dịch (tờ rơi, standee, backdrop, màn hình điện tử,…).
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam cùng đoàn kết, chung tay, thể hiện trách nhiệm, năng lực và sứ mệnh dùng công nghệ để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
>>>Gắn hashtag #ICT_anti_nCoV để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.