Hàng nghìn suất cơm miễn phí
Nhận tin Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng cùng một số tuyến đường bị phong tỏa cũng là lúc bà Nguyễn Thị Trà Liên (56 tuổi) chủ một quán quán ăn ở quận Hải Châu quyết định treo bảng “Nghỉ bán vì dịch COVID -19” để nấu cơm phục vụ các khu vực cách ly.
Hơn 3 giờ sáng, hàng chục thùng rau củ quả, thịt, cá, trứng được chở đến. Mộp tốp hơn 10 người ai nấy khẩu trang kín mít, bao tay cẩn thận và không quên xịt khử khuẩn trước khi vào nấu nướng.
Họ là những tình nguyện viên trẻ, sinh viên, nhân viên văn phòng, hưu trí… tình nguyện cống hiến chút sức bé nhỏ để chuẩn bị những suất cơm nóng hổi cho y, bác sĩ và người dân khu vực cách ly.
Suốt buổi sáng, nhóm nấu hơn chục nồi cơm to, rất nhiều chảo rau, thịt, cá, đồ xào để chia thành 700-800 đến 1.000 suất cơm mỗi ngày tùy theo nhu cầu.
Đến tầm 10h, nhóm đã nấu xong, chuyển sang giai đoạn đóng gói, xếp lên xe chở vào các khu cách ly. Tại đây, những hộp cơm, thùng hàng đều được sát khuẩn kĩ càng trước khi đưa vào tiếp tế.
Bà Liên cho biết, từ ngày dịch COVID-19 bùng phát lại, nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh do bà làm trưởng nhóm nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Trước dịch nhóm thiện nguyện của bà Liên vẫn nấu phục vụ bệnh nhân Bệnh viện Phụ sản – Nhi và xóm chạy thận hàng tháng.
Hiện tại nhóm bắt tay với nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng và CLB Bếp cơm Vạn Tình tiếp sức cho các khu vực phong tỏa như: Bệnh viện C, Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện quận Hải Châu, Bệnh viện Vĩnh Toàn, Bệnh viện Phụ Nữ, Đồn Công an phường Hải Châu…
Sau khi kêu gọi, cả ba nhóm đã huy động được hàng trăm triệu đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm từ người dân Đà Nẵng và các nơi khác gửi về.
Cần gì cứ nói chúng tôi!
Vừa theo xe chở đồ đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an tại Đà Nẵng), chị Cao Thị Thương (38 tuổi, quận Sơn Trà) vẫn mặc nguyên bộ đồ bảo hộ rồi khuân vác chẳng kém gì đàn ông. Nào nước uống, sữa, mì tôm, khẩu trang, nước rửa tay, dầu gội, xà bông, bàn chải đánh răng; ấm siêu tốc, nồi cơm điện… không thiếu thứ gì.
Mấy ngày nay chị Thương đến tiếp tế liên tục tại các khu vực cách ly. Hễ nghe bệnh viện nào thiếu hay cần gì chị lại kêu gọi chung tay ủng hộ. Những tình cảm đó phần nào giúp lực lượng y, bác sĩ và các bệnh nhân thêm vững vàng chống dịch.
Hôm nay nhóm chị Thương lại tiếp tục đến Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu, các chốt chặn xa để trao 100 thùng nước suối, 100 thùng mì, phở, nhiều thùng kem đánh răng, khẩu trang y tế, C sủi...
“Ở các khu cách ly hàng ngàn người ngày đêm đối mặt với hiểm nguy và thiếu thốn. Không chỉ có y bác sĩ, bệnh nhân đang điều trị mà còn có các thân nhân, sinh viên thực tập, nhân viên lao động, bảo vệ nên tôi chỉ nghĩ lúc này làm được gì để góp phần chống dịch tôi sẽ làm. Các bạn cần gì cứ nói chúng tôi”, chị Thương nói.
Ngoài các nhu yếu phẩm cần thiết gửi đến các bệnh viện, chị Thương còn hỗ trợ các em sinh viên nghèo, những hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa bằng nhiều phần quà thiết thực. Bản thân chị Thương trước giờ chỉ làm từ thiện theo hướng phát tâm chứ chưa đứng ra kêu gọi như một nhóm thiện nguyện.
Tuy nhiên cuộc chiến chống dịch lần này rất gian nan nên chị Thương chia sẻ tâm tư kêu gọi.
Không ngờ, nhiều người xúc động, tin tưởng, cùng chị chung sức đồng lòng cùng chính quyền vượt qua đại dịch. Hiện các nhà hảo tâm, người dân đã chuyển gần 200 triệu đồng cùng rất nhiều nhu yếu phẩm khác để chị hỗ trợ tuyến đầu.
Khách sạn A25 Đà Nẵng (số 137 Nguyễn Du, quận Hải Châu) đã miễn phí toàn bộ tiền phòng 14 ngày cho đoàn khách du lịch Hà Nội bị “kẹt” lại.
Không chỉ vậy, khách sạn còn phục vụ miễn phí bữa sáng trong suốt thời gian cách ly, hỗ trợ nấu ăn bữa trưa và tối. Chị Phan Quỳnh (Giám đốc khách sạn A25), cho biết hiện tại khách sạn đang hỗ trợ 10 du khách/5 phòng. Đây là những người đã ở khách sạn từ hôm 24/7.
Người dân Đà Nẵng đang rất đồng lòng, chung tay cùng chính quyền phòng chống dịch.
Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết lại cao đến thế. Tại nhiều cửa hàng, nhà dân trên địa bàn thành phố xuất hiện chiếc bàn đặt nhiều hộp khẩu trang y tế với những tấm bảng viết rõ ràng, ngay ngắn “khẩu trang miễn phí”.
Hay các nhà trọ sẵn sàng miễn phí tiền phòng cho sinh viên nghèo. Hình ảnh “Tôi yêu Đà Nẵng”, “Đà Nẵng cố lên” ngày ngày được chia sẻ với niềm tin chiến thắng đại dịch.