Tuyên bố sở hữu 'kho báu' có giá trị khổng lồ tại Bắc Cực, Nga lập tức trình làng 'thủy quái' dài gần bằng 3 sân bóng để khai thác, có thể xuyên qua lớp băng dày tới 2m

Khánh Vy |

Tàu chở LNG phá băng đầu tiên của Nga đã chính thức được vận hành, tăng cường sức mạnh cho 'Hạm đội bóng tối' tại Bắc Cực.

Tuyên bố sở hữu 'kho báu' có giá trị khổng lồ tại Bắc Cực, Nga lập tức trình làng 'thủy quái' dài gần bằng 3 sân bóng để khai thác, có thể xuyên qua lớp băng dày tới 2m - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Reuters, xưởng đóng tàu Zvezda vừa trình làng tàu phá băng chở LNG đầu tiên của mình, đánh dấu một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng dấu ấn của ngành đóng tàu nội địa Nga và nâng khả năng khai thác khí đốt của nước này.

Tàu phá băng mang tên Aleksey Kosygin đã rời xưởng gần Vladivostok để chạy thử trên biển vào ngày 25/12. Đây là tàu phá băng chở LNG đầu tiên do một xưởng đóng tàu của Nga hoàn thiện, mặc dù các bộ phận chính của tàu được sản xuất tại Hàn Quốc.

Con tàu sẽ trở thành một phần của đội tàu phá băng phục vụ nhà máy LNG hàng đầu của Novatek, Arctic LNG 2. Dự án LNG ở Bắc Cực đã bị đình trệ khi phương Tây liên tiếp giáng đòn trừng phạt.

Ban đầu, Arctic LNG 2 được dự kiến sẽ dựa vào hạm đội gồm 21 tàu phá băng để vận chuyển LNG quanh năm qua Bắc Cực, nhưng do các lệnh trừng phạt của phương Tây mà không có tàu nào trong số này được bàn giao.

Tuyên bố sở hữu 'kho báu' có giá trị khổng lồ tại Bắc Cực, Nga lập tức trình làng 'thủy quái' dài gần bằng 3 sân bóng để khai thác, có thể xuyên qua lớp băng dày tới 2m - Ảnh 2.

Các tàu chở LNG Arc7, dài 300 m và rộng 48,8 m, được thiết kế để di chuyển độc lập quanh năm dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Với nhà máy điện 45 MW và khả năng phá băng mạnh mẽ, Arc7 có thể di chuyển dễ dàng qua lớp băng dày tới 2m.

Sau các cuộc thử nghiệm trên biển, tàu phá băng Aleksey Kosygin mới nhất của Nga dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2025.

Công ty Samsung Heavy Industries (SHI) của Hàn Quốc đã chế tạo thân tàu và các thành phần quan trọng trước khi kéo chúng đến Zvezda vào tháng 10/2021. Các công ty châu Âu, bao gồm MAN và Wärtsilä, đã cung cấp hệ thống đẩy, trong khi công ty GTT của Pháp cung cấp màng khí. Tất cả được hoàn thiện tại xưởng của Nga ở gần Vladivostok.

SHI đã ký hợp đồng cung cấp 15 thân tàu cho Zvezda, nhưng chỉ giao 5 thân tàu trước khi bị buộc phải hủy hợp đồng vào năm 2024 dưới áp lực trừng phạt. Trong nhiều năm qua, 5 thân tàu đã giao vẫn ở các giai đoạn xây dựng khác nhau. 

Vào giữa năm, Mỹ bắt đầu tăng cường trừng phạt đối với các dự án và tàu chở LNG của Nga, nhằm mục đích cắt bớt doanh thu xuất khẩu khí đốt của Điện Kremlin.

Dự án Arctic LNG-2 đã hoàn thành nhưng vẫn tiếp tục chật vật để bán khí đốt từ cơ sở xuất khẩu LNG mới nhất.

Được biết, một tàu chở LNG được cấp phép, chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Cực vào tháng 8, đã đi trong bốn tháng quanh Bắc Âu, Địa Trung Hải, Kênh đào Suez, Ấn Độ Dương, dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc và phía bắc đến Viễn Đông của Nga, mà không tìm được khách hàng.

Theo Giám đốc công ty dầu mỏ lớn của Nga Rosneft, tổng giá trị tài sản tự nhiên của Nga lên tới 100 nghìn tỷ USD. Hơn 20% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chưa được khám phá của hành tinh nằm ở Bắc Cực, trong khi Bắc Cực của Nga chứa 80% trữ lượng đó.

Nằm ở Bán đảo Gydan ở Bắc Cực, dự án Arctic LNG 2 được coi là chìa khóa cho nỗ lực của Nga nhằm tăng thị phần LNG toàn cầu từ 8% lên 20% vào năm 2030-2035.

Tham khảo: gCaptain, Reuters


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại