Tại hội nghị nhà phát triển Huawei Developer Conference đang diễn ra của mình, Huawei đã công bố hệ điều hành riêng do mình tự phát triển Harmony OS, tuy nhiên đây là tên gọi quốc tế của nó, còn tại Trung Quốc, tên của hệ điều hành này sẽ là HongMeng OS.
Theo tuyên bố của ông Richard Yu, CEO mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, HarmonyOS sẽ khác hoàn toàn so với Android và iOS
"Đây là một hệ điều hành phân tán dựa trên kiến trúc vi nhân (microkernel), mang lại trải nghiệm mượt mà trong mọi tình huống. Nó có kiến trúc đáng tin cậy và an toàn, hỗ trợ tương tác liền mạch giữa các thiết bị. Bạn có thể phát triển ứng dụng của mình một lần, sau đó triển khai chúng trên một loạt các thiết bị khác nhau."
Thay vì ưu tiên dành cho smartphone và máy tính, ông Yu cho biết HarmonyOS sẽ được sử dụng trước hết cho các thiết bị như đồng hồ thông minh, màn hình thông minh, loa thông minh cũng như các hệ thống điều khiển trên xe cộ.
Đầu tiên hệ điều hành phân tán là một hệ thống với các thành phần dịch vụ và chức năng cơ bản – như quản lý tài nguyên phần cứng, giao diện người dùng, cung cấp dịch vụ cho các phần mềm – được phân chia thành các nút điện toán riêng biệt với nhau, thường là các nhân CPU khác nhau.
Mặc dù thiết kế này cho phép hệ điều hành phân tán có thể mở rộng và phục vụ cho nhiều loại thiết bị với các cấu hình khác nhau, nhưng chính điều này cũng sẽ gây ra sự phức tạp trong việc giao tiếp và đồng bộ hoạt động giữa các thành phần khác nhau trong hệ điều hành đó.
Theo tuyên bố của Huawei, để phục vụ được nhiều loại thiết bị khác biệt nhau như trên, hệ điều hành HarmonyOS này có 4 đặc điểm kỹ thuật nổi bật sau.
1. Tính liền mạch
Chính vì vậy theo tuyên bố của Huawei, bằng cách áp dụng kiến trúc phân tán và sử dụng công nghệ bus ảo phân tán, HarmonyOS sẽ cung cấp một nền tảng liên lạc chia sẻ giữa các thành phần của hệ điều hành, một hệ thống quản lý dữ liệu phân tán, bộ lập lịch tác vụ phân tán và các thiết bị ngoại vi ảo.
Với HarmonyOS, các nhà phát triển sẽ không phải phát triển ứng dụng cho từng loại thiết bị riêng lẻ, thay vào đó, các ứng dụng chỉ cần phát triển một lần để chạy trên nhiều thiết bị và mang lại một trải nghiệm liền mạch, cộng tác với nhau trong nhiều bối cảnh.
2. Hoạt động mượt mà
Để giải quyết các thách thức về hiệu năng, thay vì sử dụng cơ chế lập lịch của nhân Linux trên Android, HarmonyOS sẽ sử dụng "Deterministic Latency Engine" nhằm cung cấp "khả năng lập lịch phân phối tài nguyên chính xác dựa trên việc phân tích theo thời gian thực và dự báo các đặc tính của ứng dụng." Điều này giúp làm giảm độ trễ phản hồi của ứng dụng đi 25,7%.
Bên cạnh đó, HarmonyOS còn được trang bị bộ liên lạc giữa các bộ process "Inter Process Communication" hiệu năng cao, có hiệu quả gấp 5 lần so với những hệ điều hành hiện tại.
3. Tính bảo mật
Huawei tuyên bố HarmonyOS sử dụng thiết kế vi nhân (microkernel) hoàn toàn mới để tăng cường bảo mật và giảm độ trễ. Thiết kế vi nhân này đơn giản hóa các chức năng trong nhân, thực thi nhiều dịch vụ nhất có thể trong chế độ người dùng, bên ngoài nhân hệ điều hành, cũng như bổ sung khả năng bảo mật chung.
Thiết kế vi nhân của HarmonyOS sử dụng các phương pháp xác thực hình thức, được xây dựng trong một TEE (Trusted Execution Enviroment) – môi trường thực thi đáng tin cậy, nhằm định hình lại khả năng bảo mật và tính đáng tin cậy của hệ thống.
Bên cạnh đó, Huawei cũng cho biết, vi nhân của HarmonyOS có ít dòng code hơn (số lượng code chỉ bằng một phần nghìn so với lượng code trong nhân Linux), vì vậy khả năng bị tấn công cũng giảm đi đáng kể.
4. Tính thống nhất
Để chạy trên nhiều thiết bị khác nhau, HarmonyOS được trang bị môi trường phát triển tích hợp (IDE) đa thiết bị, bộ biên dịch thống nhất đa ngôn ngữ và một bộ kit kiến trúc phân tán. Do vậy, HarmonyOS có thể tự động thích ứng với các bộ điều khiển layout màn hình và các tương tác khác nhau, cũng như hỗ trợ cả việc điều khiển dựa trên các thao tác kéo thả và lập trình thông qua các yếu tố đồ họa.
Huawei tuyên bố, với bộ IDE đa thiết bị, nhà phát triển có thể lập trình các ứng dụng của mình một lần duy nhất và triển khai chúng trên nhiều thiết bị khác nhau, tạo nên một hệ sinh thái tích hợp chặt chẽ trên các thiết bị của người dùng.
Bộ biên dịch Huawei ARK Compiler là bộ biên dịch tĩnh đầu tiên có hiệu năng tương đương với máy ảo của Android, cho phép các nhà phát triển biên dịch nhiều loại ngôn ngữ lập trình cấp cao thành ngôn ngữ máy chỉ trong một môi trường thống nhất và duy nhất. Bộ biên dịch này sẽ giúp các nhà phát triển cải thiện đáng kể năng suất làm việc của mình.
Kế hoạch phát triển của Huawei
Dù có tham vọng đưa HarmonyOS lên nhiều thiết bị khác nhau, nhưng theo lộ trình triển khai của Huawei, các màn hình thông minh sẽ là những sản phẩm đầu tiên trang bị HarmonyOS phiên bản 1.0, dự kiến ra mắt cuối năm nay. Và trong ba năm tới, hệ điều hành này sẽ được tối ưu và mở rộng sang các thiết bị khác.
Để khuyến khích các nhà phát triển tham gia vào nền tảng này, Huawei sẽ phát hành HarmonyOS như một nền tảng mã nguồn mở ra toàn cầu. Ngoài ra công ty cũng thiết lập một tổ chức mã nguồn mở và một cộng đồng mã nguồn mở để hỗ trợ và hợp tác sâu rộng hơn với các nhà phát triển.