Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan , truyền thông nhà nước Syria đưa tin, Không quân Israel (IAF) đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào thành phố Aleppo. Israel không thừa nhận nhưng cũng không bác bỏ cáo buộc này.
Cần phải nhắc lại rằng, Israel đã không ít lần không kích Syria. Israel cũng ít khi lên tiếng thừa nhận, dù cũng không bác bỏ tiến hành không kích nước láng giềng.
Nói về vụ tấn công ở Aleppo, nhà phân tích chính trị Ghassan Kadi gốc Syria nói với Sputnik rằng: “Mục đích chính của Israel trong cuộc không kích Aleppo là để ‘dằn mặt’ các bên trong khu vực, trong đó có Nga, rằng Israel vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công tương tự”.
Ngoài ra, các cuộc tấn công cũng là một cách làm nóng dư luận trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu kỳ vọng sẽ tiếp tục thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa sau cuộc bầu cử Knesset (quốc hội chỉ có một viện của Israel) vào ngày 9/4 tới.
“Thực tế, nếu không phải là các cuộc không kích liên tiếp và quy mô lớn – điều mà Israel đôi khi vẫn thấy rất khó để đạt được, dù liều lĩnh với các mối quan hệ của nước này, thì các cuộc không kích rời rạc cũng không tạo được nhiều tác động trên mặt đất nằm vào Syria, hay tạo được ưu thế trong cuộc chiến của Israel nhằm vào Iran”, ông nói.
Ngày 28/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa tuyên bố sẽ ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào của Iran nhằm triển khai tên lửa đạn đạo ở Syria. “Iran vẫn đang cố triển khai các loại tên lửa tầm xa tiên tiến và có khả năng sát thương cao ở Syria. Chúng ta không thể chấp nhận điều đó. Các hành động của chúng ta nhằm vào nỗ lực của Iran muốn thiếp lập các căn cứ quân sự ở Syria và đặt các loại vũ khí tiên tiến ở đó”, Thủ tướng Netanyahu nói.
Tuyên bố của Mỹ về Golan chỉ mang tính biểu tượng
Khi được hỏi về lý do việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan đã không làm dấy lên các cuộc biểu tình dữ dội tương tự như đã từng diễn ra khi Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem, ông Kadi đồng tình rằng, “Jerusalem lại là vấn đề khác”.
“Jerusalem không chỉ được người Palestine coi là thủ đô, mà nơi đây còn là một thánh địa Hồi giáo. Việc Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã dấy lên sự phản đối trên khắp thế giới Hồi giáo”, ông nói.
Còn về động thái của Tổng thống Trump đối với Cao nguyên Golan, nhà phân tích Kadi cho rằng, điều này mang tính biểu tượng nhiều hơn và không thay đổi bất cứ điều gì trên thực địa.
“Cả Mỹ và Israel đều không có quyền hợp pháp hóa bất cứ câu hỏi nào liên quan đến công bằng và đạo đức. Xuyên suốt lịch sử, các nước lớn hơn và mạnh hơn đã tự cho phép mình đi đối xử với những nước nhỏ hơn theo luật “cá lớn nuốt cá bé”. Điều này không khiến cho vấn đề trở nên hợp pháp”, ông nhấn mạnh.
Sau khi Mỹ tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, Liên Hợp Quóc đã tuyên bố rất rõ ràng ràng: động thái này sẽ không ảnh hưởng tới tình trạng pháp lý của vùng lãnh thổ Syria, vốn bị Israel xâm chiếm từ năm 1967. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước Arab và Liên minh châu Âu, đều đã chỉ trích động thái của chính quyền Tổng thống Trump.
Nga vẫn tiếp tục là “nhạc trưởng” trong khu vực
Các động thái chính trị của Mỹ đối với Israel đã dấy lên câu hỏi hiệu chính quyền Tổng thống Trump có chuyển “quyền chỉ huy quân sự” cho chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu sau khi Mỹ rút khỏi khu vực hay không.
“Khi nói về việc Mỹ rút khỏi Syria, chúng ta cần phải tự hỏi lại là rút kiểu như thế nào”, nhà phân tích Kadi nói, khi đề cập tới sự thay đổi liên tục của Tổng thống Trump trong vấn đề này.
Theo ông Kadi, kết luận của Công tố viên đặc biệt Mueller, trong đó nói rằng, không có sự câu kết giữa bộ máy tranh cử của ông Trump năm 2016 với giới chức Nga, đã khiến ông thở phào. “Sau báo cáo của Công tố viên Mueller, ông Trump có thể sẽ trở nên thoải mái hơn khi làm những gì mình muốn, trong đó có cả việc rút khỏi Syria nếu ông thực sự muốn”.
“Nhưng nếu có và khi nào việc rút quân diễn ra, thì dù là tình cờ hay không, thì cây đũa nhạc trưởng sẽ không được chuyển lại cho Netanyahu, mà cho [Tổng thống Nga] Putin”, nhà phân tích Kadi đề cập tới vai trò ngày càng gia tăng của Nga ở Syria và trong các vấn đề Trung Đông nói chung.
Cuối tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút 2.000 binh sỹ Mỹ khỏi Syria. Tuy nhiên, dưới sức ép từ các nghị sỹ Mỹ và các đồng minh của Mỹ, tháng 2/2019 đã tuyên bố rằng, Lầu Năm Góc sẽ để lại ít nhất 400 binh sỹ Mỹ trong khu vực sau khi rút hầu hết lực lượng khỏi Syria trong mùa xuân.
Trong khi đó, Nga vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria từ năm 2015. Sự can thiệp của Nga theo yêu cầu của chính phủ hợp pháp tại Syria đã trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc nội chiến Syria và góp phần lớn vào cuộc chiến chống IS trong khu vực./.
Hệ lụy nào từ việc Trump công nhận chủ quyền của Israel với Golan? VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, quyết định của ông Trump công nhận chủ quyền của Israel với Golan có thể khiến cho tình hình Trung Đông thêm căng thẳng.