Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, cho biết, ngày 22/11 vừa qua, Hội đồng xét xử TAND TPThái Bình đã đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ngày 29/5/2024 tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (khu tái định cư 26 ha, xã Phú Xuân, TP Thái Bình).
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vào tối 29/5. (Ảnh: NLĐ)
Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm, căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1965, trú phường Quang Trung, TP Thái Bình), lái xe đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, mức án 1 năm 9 tháng tù giam về tội "Vô ý làm chết người" quy định tại khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Phương Quỳnh Anh (sinh năm 1986, trú xã Vũ Phúc, TP Thái Bình), nhân viên Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2, bị tuyên phạt mức án 1 năm 6 tháng tù giam về tội "Vô ý làm chết người" quy định tại khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, 2 giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong, gồm Đoàn Thị Nhâm (sinh năm 1998, trú phường Trần Lãm, TP Thái Bình) và Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1966, trú xã Phú Xuân, TP Thái Bình) bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 1, Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Về nhân thân, theo lãnh đạo TAND TP Thái Bình, bị cáo Lâm là lái xe đưa đón của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 từng có 1 tiền án và một số lần bị xử phạt hành chính liên quan đến ma túy, đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Hai bị cáo Nhâm và Phương bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi lẽ ra lên lớp thấy thiếu học sinh phải thông báo cho gia đình hoặc tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên, vì bận công việc tổ chức lễ tổng kết năm học nên 2 bị cáo đã quên mất trách nhiệm của mình.
Về trách nhiệm dân sự, phía Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 và 3 nhân viên, giáo viên đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 1 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số tiền này do nhà trường chịu trách nhiệm, còn ba giáo viên và nhân viên đóng góp một phần nhỏ.
Hội đồng xét xử nhận định, dù các bị cáo không có động cơ xấu, nhưng việc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý học sinh và không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi rời khỏi xe đã dẫn đến hậu quả đau lòng.
Tòa án cũng khẳng định, vụ án này là lời cảnh tỉnh cho các cơ sở giáo dục và những người làm công tác đưa đón học sinh, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trước đó, khoảng 6h20' ngày 29/5, Nguyễn Văn Lâm điều khiển xe ô tô 29 chỗ mang biển kiểm soát 17F - 000.91 cùng Phương Quỳnh Anh đưa đón 10 trẻ em, trong đó có cháu T.G.H (sinh năm 2019, trú tại huyện Vũ Thư) và 9 học sinh khác đi học.
Khi đến trường, Lâm mở cửa xe ô tô cho Quỳnh Anh và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, Lâm điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường và ra về.
Khi vào lớp, giáo viên phụ trách lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý và phát hiện vắng cháu H, nhưng không thông báo cho gia đình.
Đến khoảng 17h chiều cùng ngày, anh T.Đ.A (cậu ruột của cháu bé) đến đón và phát hiện sự việc cháu H bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.
Ngay sau đó, trong khoảng thời gian ngắn, căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 người trên về các tội "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại các điều 128, 360 Bộ luật Hình sự.