Nhiều học giả khi đánh giá kịch bản Triều Tiên tấn công Hàn Quốc cũng cho rằng đòn tấn công bằng pháo binh nhằm vào Seoul sẽ khiến phía Hàn không chịu đựng nổi, và trở thành nhân tố chủ yếu kiềm chế Hàn Quốc không gây chiến với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, trung tướng Vương Hồng Quang - cựu Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh, Trung Quốc - tuyên bố bác bỏ luận điểm trên.
Phân tích trên tờ Hoàn Cầu, tướng Vương nói mối đe dọa thực tế mà dàn pháo Triều Tiên tạo ra đối với Seoul rất ít, thậm chí khả năng tấn công chính xác vào Nhà Xanh có tỉ lệ càng thấp.
"Có thể loại trừ pháo 122 ly bởi tầm bắn không vượt quá 20 km, trong khi cự ly từ ranh giới vĩ tuyến 38 đến Seoul đã là 44 km," ông Vương cho biết.
"Vũ khí có thể đe dọa Hàn Quốc bao gồm pháo 170 ly, với khoảng gần 100 khẩu và xạ trình 40 km, thứ hai là trọng pháo 240 ly, bắn xa 60-70 km.
Đặc biệt những năm gần đây Triều Tiên đã thử nghiệm pháo khoảng 300 ly, xạ trình được cho là lên tới hơn 100 km, thậm chí có nguồn tin nói là hơn 200 km. Tuy nhiên hiện chưa có thông tin đáng tin cậy về độ chính xác và số lượng loại này, nên khó có thể cho rằng nó đủ hình thành khả năng chiến đấu."
Theo ông, chỉ có số lượng không nhiều tên lửa tầm gần của Triều Tiên khiến Hàn Quốc lo ngại, nhưng địa điểm phù hợp để triển khai loại vũ khí này cũng bị giới hạn khi hệ thống giám sát cùng không lực Mỹ-Hàn tập trung vào thu hẹp "không gian sinh tồn" của nó.
Tướng Trung Quốc cho rằng, các chuyên gia của Triều Tiên và Hàn Quốc đã bỏ sót sức mạnh phòng thủ của Hàn khi bàn đến vấn đề "Triều Tiên pháo kích Seoul".
"Phía Triều Tiên phớt lờ đề cập vấn đề này nhằm mục đích gia tăng hiệu quả đe dọa, gây ấn tượng cho dư luận Hàn Quốc về 'biển lửa' Seoul. Còn phía Hàn Quốc cố ý không nhắc đến để đánh lạc sự chú ý của Bình Nhưỡng, khiến Triều Tiên tin rằng Seoul không chịu nổi một trận pháo kích.
Khi Hàn Quốc tấn công bất ngờ, đòn phản công bằng pháo binh của Triều Tiên sẽ vô dụng," Vương Hồng Quang nói.
Ông bình luận, các loại đạn pháo của Triều Tiên có thể gây thiệt hại về người và cơ sở vật chất trên mặt đất, nhưng gần như "đầu hàng" trước các công trình ngầm như tàu điện, đường hầm, trung tâm thương mại, phố đi bộ dưới lòng đất...
"Một thành phố lớn ở vùng duyên hải Đông Nam của Trung Quốc có diện tích hầm trú ẩn thời chiến bình quân gần 2 mét vuông/người. Ngay khi có cảnh báo phòng không, hàng triệu người có thể xuống hầm. Tôi không nghĩ rằng một nơi chịu sức ép dài hạn từ Triều Tiên như Seoul lại không xây dựng các công trình trú ẩn."