Vụ trộm đầy bất ngờ
Sáng 30.9, ngồi thất thần trong không gian tĩnh mịch của ngôi chùa cổ Mễ Sở, sư Thích Đàm Lan (trụ trì chùa Mễ Sở) dường như vẫn chưa thể lấy lại được bình tĩnh.
Sư trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động một cách dè dặt, mắt đỏ hoe, còn giọng nói thì nghẹn đi vì đau buồn. Ngồi cạnh sư Lan còn có cô tiểu Hường cùng một vài người dân thôn Mễ Sở. Trên gương mặt mỗi người, ám ảnh nỗi hoang mang.
"Từ lúc biết tin tượng Phật bị đánh cắp, dân trong vùng chả còn thiết làm lụng gì. Ai cũng buồn, chỉ mong cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc, đưa tượng về, trừng trị kẻ gian", cụ ông Nguyễn Hữu Đức (85 tuổi) xót xa tâm sự.
Là một trong những người tiếp cận hiện trường sự việc từ rất sớm, ông trưởng thôn Lê Ngọc Anh cho biết, vụ mất cắp được tiểu Hường trong lúc dọn dẹp phát giác vào khoảng 6h sáng 29.9. Sau sư Lan, ông là người thứ 3 được thông tin.
Cùng ngày, Công an huyện Văn Giang cũng đã xuống hiện trường thu thập thông tin, lấy lời khai của những người liên quan.
"Với những gì đã xảy ra, chúng tôi tin rằng kẻ gian phải rất thân thiết với chùa, hiểu rõ đường đi lối lại, biết cả nơi đặt camera an ninh và cũng rất chuyên nghiệp", ông Lê Ngọc Anh nói.
Theo lời kể, chùa Mễ Sở chỉ có hai thầy trò sư Lan ở với nhau. Thường thì chập tối đã khóa cửa rất kỹ.
Đêm xảy ra vụ mất cắp, sư Lan cũng 1h sáng mới đi nằm, trước khi lên giường còn quan sát camera an ninh thì không thấy dấu hiệu gì bất thường. Tuy nhiên đến khoảng 2h sáng thì nhóm kẻ gian đã cắt khóa để đột nhập vào bên trong.
Thông qua những hình ảnh ghi lại được, thì ngay khi bước vào nơi đặt tượng Phật bà ở tầng 2, một kẻ đã lấy sào bọc chiếc áo cũ che khất camera cho đồng bọn đưa tượng ra ngoài.
Để lấy được tượng, bọn chúng đã xếp toàn bộ các đồ thờ xuống đất rồi bước chân lên hòm công đức để tạo thế đứng.
Rồi sau đó, dựa trên những vết nứt vỡ ở trên tường, ông trưởng thôn tin rằng nhóm người đã sử dụng dây thừng để thả tượng Quán Thế Âm từ tầng 2 xuống đất rồi đưa ra xe ôtô chờ sẵn ở phía ngoài cổng.
"Theo sử sách chép lại thì tượng cao 1,40m làm bằng gỗ mít, nặng hơn 1 tạ, cùng với kích thước khá cồng kềnh nên phải 3 - 4 người mới khiêng được.
Rồi người bịt camera, người trực gác… theo phán đoán của chúng tôi thì nhóm kẻ gian không thể dưới 4 người", ông Ngọc Anh cho biết thêm.
Tượng Phật từng bị đánh cắp
Cũng theo lời vị trưởng thôn, ngoài pho tượng cổ, bọn trộm cũng lấy đi đôi nến thờ bằng đồng có giá trị cao. Chúng thậm chí còn sử dụng cả găng tay và bình tĩnh dọn dẹp các dấu vết để lại.
Việc bức tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt - niềm tin và tự hào của người Mễ Sở bị đánh cắp một cách trắng trợn, đã khiến tất thảy người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Theo thông tin từ vị trưởng thôn, đánh giá từ các chuyên gia đều cho rằng, bức tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt này là nét đặc trưng điêu khắc, là tinh hoa của Hoàng thành Thăng Long.
Bức tượng có tổng cộng 1.113 chi tiết, chạm khắc vô cùng công phu, thậm chí đến những đường gân tay còn hiện rõ nét.
"Bức tượng có giá trị về mặt lịch sử rất cao, toàn dân trong làng, cả tiểu ban quản lý di tích ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào cũng trông chờ tin về", ông Ngọc Anh cho biết thêm.
Theo lời người dân địa phương, do có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc cũng như lịch sử nên bức tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở thường xuyên bị nhòm ngó.
Tuy nhiên vào khoảng tháng 10.1988, bức tượng này cũng đã bị đánh cắp 1 lần. Kẻ gian khi đó còn táo tợn cắt cả đường dây điện thoại hòng gây khó khăn cho công tác liên lạc với các cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, sau nỗ lực không biết mệt mỏi của công an các tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên), Hải Phòng và Hà Nội, phong tỏa toàn bộ các tuyến cảng biển nên sau đó, bức tượng đã được tìm thấy tại nhà một nghệ nhân ở phố Vân Hồ, Hà Nội.
Người này khai không biết về vụ trộm cắp, mà chỉ được người đến thuê phục chế.
Người dân thành kính trước tượng Phật bà.
Để bày tỏ sự ngưỡng mộ bức tượng tuyệt đẹp, vị nghệ nhân sau đó đã về tận Mễ Sở, phục chế lại tượng mà không lấy một đồng tiền công.
Cũng liên quan đến câu chuyện này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Chu Quốc Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết, đây là một mất mát lớn của địa phương và hiện cơ quan chức năng huyện vẫn đang tiếp tục làm rõ.