Tướng Lực chỉ rõ 4 điểm khiến Việt Nam sẽ khó mua vũ khí của Mỹ

Hoàng Đan |

Trung tướng Nguyễn Thế Lực đã có những đánh giá về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Thế Lực, nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã có những trao đổi, chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam và việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương.

PV: Thưa Trung tướng, ông có đánh giá thế nào về quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trong chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Obama?

Đây là một sự kiện mang tính biểu trưng nhằm đánh dấu, thước đo, biểu hiện nổi bật để xem Mỹ đã bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam chưa, đồng thời, nó cũng củng cố được lòng tin của hai bên để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn lại khác.

Việt Nam đánh giá cao, hoan nghênh việc này và chúng ta cũng khẳng định, đây là bước tiến, làm sâu sắc thêm mối quan hệ, đối tác toàn diện giữa hai nước.

Và qua đây, cũng chứng minh cho thế giới thấy, việc xây dựng nền quốc phòng của chúng ta trên cơ sở tự vệ. Việt Nam không mua vũ khí Mỹ để đe dọa nước thứ ba, đe dọa lại chính Mỹ hoặc đồng minh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này cũng đi kèm theo các điều kiện chặt chẽ và nó xuất phát từ chính lợi ích của Mỹ.

Với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này, thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ Việt - Mỹ thì sẽ giúp đẩy lùi đi hội chứng Việt Nam vẫn còn trong một bộ phận, xã hội Mỹ.

Đồng thời, hiện nay, Mỹ đang xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam có địa chính trị nhạy cảm, uy tín trên trường quốc tế, đặc biệt có uy tín với ASEAN.

Do đó, Mỹ không thể bỏ qua Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Chưa kể đến việc, với quyết định này sẽ giúp cho các công ty sản xuất vũ khí lớn của Mỹ có thêm cơ hội làm ăn, hợp tác, phát triển.

PV: Thưa Trung tướng, các hệ thống vũ khí, trang bị của Mỹ phù hợp như thế nào với học thuyết, chiến lược quân sự và mục đích phát triển quốc phòng của Việt Nam?

Trước hết phải khẳng định, Việt Nam mua vũ khí để bảo vệ chủ quyền chính đáng của chúng ta. Việt Nam mua vũ khí của ai là quyền của chúng ta.

Và chúng ta cũng đã khẳng định rõ ràng nhiều lần, việc mua vũ khí không phải để chống một nước nào mà là để tự vệ, bảo vệ chủ quyền chính đáng.

Thực tế, trong thời gian qua, ngoài vũ khí tự sản xuất, vũ khí của Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga hiện nay, chúng ta cũng đã tìm kiếm và mong muốn đa dạng hóa các vũ khí, trang bị để làm phong phú, kích thích nền khoa học, công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc mua sắm vũ khí Mỹ không phải là dễ đối với Việt Nam chúng ta. Bởi trước hết, mỗi một hệ thống đều phải có những điều kiện đảm bảo và việc thay đổi từ hệ thống này sang hệ thống khác không phải chỉ ngày một, ngày hai mà cần có thời gian dài.

Thực tế, một số nước trước đây sử dụng vũ khí của Nga, giờ đây ra nhập NATO thì việc chuyển đổi đã gặp phải rất nhiều khó khăn về công nghệ, hệ thống, con người, kinh phí.

Chưa kể, việc mua sắm cũng phải cân nhắc, tính toán rất nhiều đến vấn đề giá cả, mà hiện nay, trên thị trường thì vũ khí của Mỹ thường có mức giá rất đắt so với các quốc gia truyền thống của chúng ta.

Trong khi đó, với nền kinh tế hiện nay thì điều kiện kinh phí của chúng ta vẫn còn rất khó khăn nên dù thế giới chào hàng rất nhiều nhưng cần phải dựa trên thực lực, điều kiện mới có thể tính toán phù hợp.

Một vấn đề nữa là muốn sử dụng tốt các loại vũ khí thì yếu tố con người là rất quan trọng. Nhưng hiện nay, đa phần chúng ta quen, có kinh nghiệm với các loại vũ khí của Nga, do vậy, muốn chuyển sang vũ khí khác cần đào tạo con người đi trước.

Trong việc mua sắm các loại vũ khí mới thì quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề bảo dưỡng các loại trang, thiết bị này.

Tên lửa, tàu ngầm... mua về có thể không sử dụng nhưng vẫn phải tiến hành bảo dưỡng theo định kỳ 1 năm vài lần và việc này tốn kém kinh phí rất nhiều.

Mục tiêu chúng ta hướng tới là phát triển công nghệ quốc phòng tự sản xuất, mua công nghệ và mua vũ khí hiện đại từ những nước truyền thống.

Những vũ khí này phải phù hợp khí hậu, khả năng sử dụng và kinh nghiệm của quân đội ta. Trong tác chiến, chỉ cần một mắt xích trong hệ thống không ổn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Do vậy, theo tôi, chúng ta cần xem xét thật kỹ càng.

Tướng Lực chỉ rõ 4 điểm khiến Việt Nam sẽ khó mua vũ khí của Mỹ - Ảnh 1.

 Trung tướng Nguyễn Thế Lực

Trung tướng dự đoán chúng ta có thể mua những loại vũ khí nào của Mỹ?

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam mới diễn ra nên mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước. Thực tế, ngay kể cả với các đối tác truyền thống thì việc chọn mua các loại vũ khí nào cũng phải được xem xét, bàn bạc, tính toán rất kỹ.

Vì vậy, với đối tác mới này, theo tôi càng phải xem xét, tính toán kỹ càng hơn và luôn luôn nhớ rằng, trước khi mua bất cứ thứ gì thì cần phải có sự chuẩn bị về mặt con người, kỹ thuật, bảo dưỡng trước.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên suy nghĩ dần và có những cuộc trao đổi tỉ mỉ, cân nhắc kỹ càng với bạn để bước từng bước từ thấp đến cao, tùy theo nhu cầu, thực lực của mình.

Còn cứ nói mua phụ tùng, phương tiện thôi còn không mua vũ khí của Mỹ nhưng mua phụ tùng, phụ kiện nào cũng phải xem xét, tính toán thật kỹ.

Thưa Trung tướng, ông dự đoán thế nào về khả năng Mỹ xuất hiện ở cảng Cam Ranh?

Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề cảng Cam Ranh đã rất rõ ràng và việc sử dụng cảng này bao giờ cũng được tính toán rất kỹ trong môi trường chiến lược chung, đặc biệt là xử lý quan hệ với các nước lớn.

Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm của mình là không cho bất cứ một quốc gia nào vào sử dụng cảng Cam Ranh mà chúng ta sẽ tự tạo dựng, sử dụng. Thực tế, trong thời gian qua, chúng ta đã đầu tư và sử dụng có hiệu quả khu vực cảng này.

Trung tướng có đánh giá như thế nào về tuyên bố của Tổng thống Obama nói Mỹ ủng hộ Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế?

Tôi hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Obama trong chuyến thăm vừa qua. Việt Nam từ lâu đã chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, nhất là trên biển thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Trong vấn đề Biển Đông hiện nay, Mỹ cũng có lợi ích, bởi đây là tuyến thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới và việc duy trì hòa bình, ổn định là điều phải thực hiện.

Dù là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay bất cứ nước nào đến Biển Đông để bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không theo đúng luật pháp quốc tế thì tôi tin chắc chắn, Việt Nam chúng ta đều ủng hộ.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng đã tham gia trả lời phỏng vấn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại