Lộc Trời “lâm nguy”: Cú sốc từ “nội gián” và bài toán sinh tồn
Câu chuyện của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, thực sự gây sốc cho tất cả khách tham dự. Ở độ tuổi ngoài 70, người đàn ông tóc bạc trắng khi được mời chia sẻ đã bắt đầu câu chuyện của mình bằng giọng nói run run: “Ban Tổ chức quá ‘liều’ khi mời tôi phát biểu. Bởi Lộc Trời đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, thậm chí đối mặt với tù tội”. Tuy nhiên, ông vẫn nhận lời chia sẻ, bởi đây là những bài học vô giá cho chính ông, và đội ngũ doanh nhân.
Từng là niềm tự hào của ngành nông nghiệp Việt Nam, Lộc Trời đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, với quy mô hoạt động trải dài khắp đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Thế nhưng, những thành tựu của Lộc Trời đang bị lung lay dữ dội bởi những khó khăn chồng chất, mà đỉnh điểm là sự việc cựu CEO Nguyễn Duy Thuận bị chính Tập đoàn Lộc Trời đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn vì "hành vi gian dối, gây thất thoát tài sản công ty". Vụ việc này đang được Công an tỉnh An Giang xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Giữa cơn bão tố này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, đang phải đứng ra chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió. Trong 10 phút phát biểu, ông thẳng thắn so sánh tình cảnh của Lộc Trời như một trận đánh bị nội gián phản bội, dẫn đến sa lầy.
“ Nó như một trận đánh và mình đã bị nội gián, mà trước đó mình trao quyền dẫn dắt cho nó. Nó dẫn mình vô một cái bẫy và phục kích, cài đặt rất là kỹ, rất là chi tiết với một kịch bản cực kỳ tinh vi ", ông Thòn nói..
Với tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" như hiện nay, ông Thòn đặt câu hỏi: dừng lại hay tiếp tục? Dừng lại đồng nghĩa với việc chấp nhận thất bại. Còn tiếp tục thì phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí là tù tội.
“ Trong thế trận đã lỡ bị phục kích rồi thì người chỉ huy phải biết làm gì? Trước hết là mình không quản mạng sống của mình, phải dám hy sinh, phải dám chết. Để có thể thay đổi tình huống, lật lại cái cái thế cờ mới ", ông Thòn nói.
Trước hàng trăm doanh nhân tại sự kiện, ông Thòn tuyên bố quyết tâm “đi tiếp”. “Tôi có nói với anh em rằng, tôi sẵn sàng chết để giữ vững Lộc Trời, bảo vệ cho hàng ngàn gia đình đang dựa vào công ty. Tù tội hay hy sinh, tôi đều chấp nhận. Đây là lời tuyên bố chắc nịch. Và tôi khẳng định, với niềm tin, là tôi sẽ đi tiếp ”.
Ông nhận định, năng lực cốt lõi của Lộc Trời là chức sản xuất kinh doanh để làm chỗ dựa cho nông dân, bên cạnh đó là hệ thống đại lý, hệ thống đối tác nước ngoài đã tin cậy vào Lộc Trời suốt hàng thập kỉ. “ Tôi sẽ giữ vững truyền thống của một người lính là không bao giờ khuất phục ”, ông tuyên bố.
Bí quyết thành công của ông Võ Quốc Thắng: Tâm - Kiên - Khiêm tốn
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc “Bầu Thắng”, là một doanh nhân tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong phần hỏi đáp chỉ khoảng 10 phút của mình, ông Thắng đã gửi những lời động viên gan ruột tới ông Thòn và những khán giả doanh nhân: “Tôi rất thích tính khí khái của anh Thòn. Tôi đã nói rằng, anh Thòn không ‘chết’ đâu. “Tâm" - anh Thòn có. “Kiên” (kiên nhẫn) - anh Thòn có. “Khiêm” - anh Thòn có, anh rất khiêm tốn. Rất nhiều người quý mến anh”.
Chia sẻ với khó khăn của ông Thòn Lộc Trời, ông Võ Quốc Thằng bày tỏ: “Tôi tin rằng trong kinh doanh, tình bạn và sự giúp đỡ lẫn nhau là điều quan trọng nhất. Tôi cũng từng nói với anh Thòn rằng, cố gắng lên, dù có khó khăn đến đâu cũng không sao. Đối với tôi, người có nhiều người bạn tốt mới là người giàu nhất, chứ không phải người nhiều tiền nhất.
Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng rất may là trong quá trình khởi nghiệp, mình được các chú, các bác lãnh đạo Nhà nước quý mến, động viên, cũng như có những người anh, người bạn chia sẻ, giúp đỡ. Tuy trải qua khó khăn, nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng giữ bình tĩnh. Nếu mình không giữ được bình tĩnh thì rất dễ gặp rắc rối. Nhờ có những người bạn tốt như anh Thòn, tôi đã vượt qua những thử thách bằng sự kiên nhẫn và khiêm tốn”.
Doanh nghiệp của gia đình ông Thắng được thành lập năm 1969. Đến năm 1976, công ty sáp nhập vào tổ hợp sản xuất gạch bông Đồng Hiệp. Nhưng vì tình hình kinh tế - xã hội khó khăn lúc bấy giờ nên tổ hợp ngừng hoạt động. Đến năm 1986 thì hoạt động sản xuất mới được phục hồi. Vì thế, gạch Đồng Tâm tuy có lịch sử 55 năm nhưng mất đến 10 năm ngưng hoạt động.
Không chỉ gây dựng nên thương hiệu gạch men hàng đầu Việt Nam, Bầu Thắng còn có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Hành trình của ông là câu chuyện về sự kiên trì, bản lĩnh và đam mê, vượt qua những thăng trầm để đạt được thành công. Những kinh nghiệm thành bại này được ông “rút ruột” với giới trẻ mới bước chân vào thương trường.
“Những gì tôi chia sẻ hôm nay là từ trái tim. Tôi mong rằng các bạn trẻ hãy đam mê và kiên trì trong con đường mình chọn. Nếu không có đam mê, đừng làm doanh nhân, vì con đường đó sẽ rất khó khăn. Khi bạn đam mê, bạn sẽ thành công”, ông Thắng nói.
Ông Trần Thanh Tân: Tầm nhìn, bản lĩnh và quyết tâm không từ bỏ
Là diễn giả chính tại sự kiện, ông Trần Thanh Tân, nhà đồng sáng lập Dragon Capital - một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam, đã chia sẻ sự đồng cảm của mình với những gian nan mà Lộc Trời và cá nhân ông Thòn đang phải đối mặt.
Ông Tân cho rằng, chính những khó khăn, thử thách đã tôi luyện nên bản lĩnh và sức mạnh cho doanh nghiệp. Khi gặp rủi ro, khủng hoảng, hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, xác định tình huống xấu nhất có thể xảy ra và đặt câu hỏi liệu bản thân có thể chấp nhận nó. " Nếu câu trả lời là có thì tất cả những điều còn lại sẽ rất nhẹ nhàng ".
Ngay sau lời chia sẻ này, từ ghế khán giả, ông Thòn liên tục giơ ngón tay và vỗ tay ủng hộ, tựa như tìm được lời tri âm thấu cảm với nỗi lòng của mình.
Ông Tân cũng kể thêm về hành trình 30 năm chông gai của ông và Dragon Capital. Khởi đầu từ năm 1994 với số vốn 16 triệu đô la, Dragon Capital đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007. Qua những lần đối mặt với khủng hoảng, ông hiểu rõ áp lực của người dẫn đầu. “ Càng ngày càng cô đơn, càng ngày càng khó khăn, nhưng khi đó động lực mà chúng ta vượt lên càng lớn hơn ”, ông Tân chia sẻ.
Với ông Tân, 30 năm hoạt động của Dragon Capital như “ba lần 10 năm đầy chìm nổi”.
Ông Tân nhớ lại thời điểm khó khăn đó: " Chúng tôi gần như phá sản trong gian đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, khi đó tại Việt Nam có khoảng 10 quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động thì đến 9 quỹ đã rút về nước. Riêng Dragon Capital, với sứ mệnh được thành lập để huy động vốn từ thị trường quốc tại để đầu tư tại Việt Nam, nếu chúng tôi rút lui thì đồng nghĩa đóng cửa công ty???
Thách thức này đặt ra một quyết định hết sức khó khăn. Câu hỏi “tiếo tục hay dừng lại” đôi khi không dễ có câu trả lời, nhất là đối với lãnh đạo của một công ty còn non trẻ như Dragon Capital thời ấy… Cuối cùng, câu trả lời là tiếo tục ở lại, tiếp tục chiến đấu, tiếp tục con đường mình đã chọn và sẽ quyết tâm thành bại cùng nền kinh tế non trẻ vừa mới mở cửa Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX ".
Nhờ sự quyết tâm tiếp bước và tinh thần đoàn kết “One team, One dream”, Dragon Capital đã vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Sau khi thị trường chứng khoán ra đời, Dragon Capital bùng nổ cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế VN và thị trường chứng khoán VN, với tổng tài sản quản lý lên nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, khủng hoảng 2007-2008 một lần nữa đẩy công ty đến thách thức nghiệt ngã, chỉ số VN Index ở ngưỡng gần 1.200 điểm trước khi rơi tự do một thời gian ngắn sau đó. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo, Dragon Capital một lần nữa vượt qua sóng gió. Hiện nay, Dragon Capital đang quản lý khoảng 6 tỷ USD, trở thành công ty quản lý vốn lớn nhất Việt Nam, với danh mục đầu tư phong phú và mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Tân chia sẻ: “ Chúng tôi là các nhà đầu tư tài chính, chúng tôi có một quan điểm là khi đầu tư vào các doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào yếu tố con người. Dragon Capital muốn dùng vốn để nâng tầm doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp phát triển, cùng chia sẻ thành quả đạt đuợc và gánh chịu những rủi ro ngoài ý muốn chứ không phải xâm nhập và chiếm lĩnh doanh nghiệp, thay đổi Ban quản trị … . Bởi vì chúng tôi là nhà đầu tư tài chính . Chúng tôi không có nghề, có kinh nghiệm hay thị trường như các bạn - những nhà sản xuất trực tiếp tạo nên của cải vật chất cho nền kinh tế Việt Nam ”.
Ông Tân nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. “ Chúng ta có quyền tự hào chúng ta là doanh nhân. Vì rất đơn giản, chúng ta tạo thu nhập cho những người lao động. Bằng cách đó, những người lao động có điều kiện chăm lo cho gia đình mình. Đối với trách nhiệm xã hội, bằng những đồng thuế mà chúng ta đóng góp cho đất nước, Việt Nam đã giàu đẹp qua từng ngày…
Chính vậy, chúng ta là doanh nhân, chúng ta là những người anh hùng trong thời bình, chính chúng ta và nhiều người khác nữa đã làm rạng danh bản đồ kinh tế Việt Nam trên trường thế giới… ”, ông nói.
Trong những thời điểm khó khăn, doanh nghiệp càng cần phải quan tâm, chia sẻ và đồng hành cùng người lao động. Bởi nếu chỉ vì khó khăn mà doanh nghiệp sa thải người, đến khi qua khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ lấy nguồn lực nào để bứt phá? Chính vì vậy, “giữ mình, giữ người” trong giai đoạn khó khăn là chìa khoá để doanh nghiệp vượt qua thách thức sinh tồn.
“ Cái quan trọng nhất là các anh chị phải giữ mình, hãy luôn nhớ tiết giảm 1 đồng chi phí trong gian đoạn khó khăn nghĩa là chúng ta có thêm hơn 1 đồng lợi nhuận để xoay sở và tồn tại, phải suy nghĩ làm thế nào để có thể tồn tại cho đến kinh tế phục hồi, khó khăn đi qua…nó giống như chúng ta vẫn tồn tại khi mặt trời lên, đến khi đó chúng ta mới có cơ hội để nhìn thấy ánh bình minh tuyệt đẹp ”, ông tâm sự.
Và ánh bình minh đó phải được soi chiếu bởi tầm nhìn dài hạn, vươn tới những mục tiêu 5 năm, 10 năm, thậm chí 100 năm. “ Đ ờ i sống con người là hữu hạn, chúng ta có thể sống được 80 -100 tuổi nhưng đời công ty phải là vô hạn. Doanh nghiệp sống lâu , sức mạnh của doanh nghiệp đó trên thương trường càng mạnh mẽ. Do vậy, người doanh nhân không chỉ lo cho sự tồn vong, phát triển của công ty trong giai ngắn, trung và dài hạn mà còn nghĩ đến thế hệ kế thừa, để để tiếp tục đưa con tàu doanh nghiệp tiến lên trong thời gian dài và rất dài. Vì thế, vậy việc quy hoạch đội ngũ kế thừa là hết sức quan trọng… ”, ông Tân khẳng định.
Những ngón tay “like”, những tràng pháo tay từ hàng ghế khán giả mà ở đó phần lớn là những doanh nhân thành đạt của khu vực đồng bằng sông Cửu Long giành cho diễn giả khiến cuộc đối thoại đã vượt qua ý nghĩa của một lễ kỷ niệm. Nó thực sự trở thành một ngày đi học, một ngày thu lượm những “sàng khôn” vô giá từ những “tướng lĩnh” dạn dày kinh nghiệm trên thương trường, kể cả những mất mát đau thương.
“Đã hơn một lần làm doanh nhân” – chủ đề của lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam do VCCI đồng bằng sông Cửu Long tổ chức - đã phần nào chuyển tải thông điệp về những thăng trầm trong cuộc đời làm doanh nhân.
“Thương trường khắc nghiệt, doanh nhân phải đánh đổi để có được thành công. Nhiều người phải cầm cố tài sản để cứu lấy doanh nghiệp, nhiều người phải “hơn một lần làm doanh nhân”, bắt đầu lại từ nơi thất bại” , ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc sự kiện.
Chính vì vậy, doanh nhân là những chiến sĩ thời bình, là những người dấn thân, có khát vọng làm giàu cho gia đình và xã hội. Để doanh nhân và doanh nghiệp lớn mạnh, các tỉnh, thành phố cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi.
Lễ kỷ niệm “Đã hơn một lần làm doanh nhân” thành công không chỉ bởi sự kiện này thu hút hàng trăm doanh nhân trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham dự, với sự tham gia của hàng chục lãnh đạo các tỉnh thành địa phương, mà còn thực sự đem lại những bài học thực tiễn cho giới doanh nhân - những người có thể đã phải vấp ngã, để rồi lại tiếp tục đứng dậy, tiếp tục hành trình hơn một lần làm doanh nhân.