Tướng Lê Quý Vương nói về vụ “giang hồ cướp tiền khách xe buýt”

VIỄN SỰ thực hiện |

“Tôi đã đọc bài điều tra “Giang hồ cướp tiền, hành hung khách xe buýt” của tác giả Hoàng Lộc và Đức Phú trên báo Tuổi Trẻ, trách nhiệm đầu tiên về vụ việc này là của công an tại địa bàn”.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã khẳng định điều này bên hành lang Quốc hội sáng 17-11.

Tuyến đường chỉ dài 30km nhưng có ít nhất 4 băng giang hồ “cắm chốt” hoạt động dưới vỏ bọc là những “thầy” bán thuốc “thần dược” để lừa đảo, cướp tài sản, trong đó các vụ cướp chủ yếu xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

* Bộ Công an đã chỉ đạo gì về vụ này thưa thượng tướng?

- Về trách nhiệm của ngành thì đã có chỉ đạo kiểm tra việc này.

Như tôi nói, trách nhiệm đầu tiên là của công an địa phương, cụ thể nhất là trách nhiệm của giám đốc công an địa phương, phải quyết liệt, không được phép để xảy ra tình trạng đó.

Để xảy ra việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách du lịch, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội và phải làm quyết liệt.

* Thưa thượng tướng, đây không phải là lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ có bài điều tra về hành vi cướp tiền trên xe khách, các năm 2014 và 2015 báo đều nêu những sự việc tương tự. Vì sao sự việc vẫn tái diễn khiến hành khách hoang mang?

- Tôi thấy cách đặt vấn đề của câu hỏi này là rất đúng, trách nhiệm của lực lượng công an địa phương là phải xem xét.

Theo tôi tốt nhất các phóng viên mà quay chụp, ghi nhận được những hình ảnh về các vụ việc đó nên trực tiếp chuyển cho lãnh đạo công an địa phương và các đồng chí phải có trách nhiệm để làm.

* Hành vi cướp bóc, hành hung hành khách đi xe rất công khai, tái diễn nhiều lần, bạn đọc báo Tuổi Trẻ cũng phản ánh nhiều lần. Theo thượng tướng cần thêm biện pháp gì?

- Trách nhiệm bảo vệ tại chỗ, tôi nghĩ các địa điểm du lịch, công cộng đều có lực lượng bảo vệ thường xuyên làm việc. Đồng thời sẽ có sự hỗ trợ của lực lượng công an.

Vấn đề vừa đặt ra, Bộ Công an sẽ có yêu cầu giám đốc các địa phương phải báo cáo giải quyết các vấn đề này thời gian tới.

Nhân đây tôi cũng đề nghị tất cả các phóng viên báo chí thu thập được tình hình liên quan đến an ninh trật tự, ngoài việc đăng báo thì nên gửi ngay đến lãnh đạo công an các địa phương để kịp thời giải quyết.

Tôi cũng phải nói thật là nhiều vụ việc báo chí đưa, do thời gian quá bận có thể lãnh đạo công an cũng không dành nhiều thời gian để kiểm lại tất cả các thông tin báo đăng được.

Chẳng hạn như Bộ Công an thì có một bộ phận điểm các nội dung thông tin trên báo chí giúp lãnh đạo bộ cập nhật thông tin chứ mình đi họp suốt thế này thì làm sao mà xem được hết tất cả.

* Thông tin trên báo chí cũng được coi là nguồn tin tố giác tội phạm.

Thế nhưng nhiều thông tin đưa lên báo chí lại chưa được giải quyết vì có “lấn cấn” chồng lấn địa bàn, hoặc được trả lời có đọc báo nhưng chưa nắm sự việc cụ thể. Việc này sẽ được giảm thiểu thế nào?

- Cái đó phải có biện pháp để chấn chỉnh chỉ đạo, Bộ Công an sẽ cho kiểm tra lại. Bây giờ cũng chưa thể nắm hết các báo cáo từ địa phương để có trả lời chính xác được mà phải qua thực tế.

* Xin cảm ơn thượng tướng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại