Chiến dịch tấn công của Israel gây hậu quả nghiêm trọng với người dân Gaza.
Theo Jerusalem Post, năm 2024 có thể sẽ được đánh dấu bằng một cuộc chiến tổng lực ở Trung Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố rằng Israel đã tiến hành chiến tranh trên bảy mặt trận khác nhau vào ngày 26 tháng 12.
"Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến trên nhiều đấu trường, chúng ta đang bị tấn công từ bảy khu vực khác nhau gồm Gaza, Lebanon, Syria, Israel, Iraq, Yemen và Iran", Gallant nhấn mạnh tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng hôm 26/12.
Bộ trưởng cảnh báo rằng bất kỳ ai hành động chống lại Israel đều là "mục tiêu tiềm năng", đồng thời nói thêm rằng "đây là một cuộc chiến lâu dài và cam go".
Chiến dịch tấn công Gaza của Israel bắt đầu sau khi phong trào Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7 tháng 10, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và bắt khoảng 240 người làm con tin.
Giáo sư Efraim Inbar, chủ tịch Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, nói: "Hamas là một phần của Trục kháng chiến do Iran lãnh đạo. Chúng ta đã chứng kiến một cuộc chiến trên nhiều mặt trận chống lại Israel, tất nhiên được khởi xướng bởi Hamas nhưng có sự tham gia của Hezbollah và cả Houthi ở Yemen.
Và chúng ta cũng thấy hoạt động của các lực lượng dân quân do Iran lãnh đạo, dân quân Shiite ở Syria và cả ở Iraq. Tất cả đều tham gia vào cuộc chiến chống lại Israel".
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tiếp tục dỡ bỏ các vị trí của Hamas ở phía bắc Dải Gaza. Theo báo chí Israel, IDF đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số tiểu đoàn Hamas, số lượng lớn đường hầm của Hamas đã bị phá hủy; và quân đội Israel đã mở rộng hoạt động ở cả miền trung Gaza và Khan Younis ở phía nam.
Tuy nhiên, nhóm Hồi giáo người Palestine phần lớn vẫn còn nguyên vẹn ở miền nam, với việc lãnh đạo Hamas ở Gaza Yahya Sinwar tuyên bố hôm 24 tháng 12 rằng tổ chức này sẽ không bao giờ đồng ý với "các điều kiện" của Tel Aviv và sẽ tiếp tục chiến đấu.
Trong khi đó, Hezbollah đang tiếp tục tấn công Israel từ phía bắc, trong khi Houthi, người Shiite ở Yemen, đã mở mặt trận thứ hai ở Biển Đỏ và thông báo rằng 20.000 binh sĩ dự bị có thể được triển khai tới Dải Gaza để giúp Hamas, theo Hãng thông tấn Yemen Saba.
Chiến tranh Gaza sẽ lan rộng?
Inbar nói: "Vẫn chưa rõ liệu xung đột ở Gaza có leo thang hay không. Vẫn còn phải xem sau khi Israel đạt được mục đích triệt tiêu khả năng quân sự của Hamas ở Gaza. Điều gì sẽ xảy ra?
Nó không phụ thuộc nhiều vào Israel. Nếu Hezbollah tiếp tục tấn công vào Israel, nếu lực lượng Houthi tiếp tục tấn công. Khi đó, tất nhiên, chúng ta có thể thấy xung đột leo thang. Israel sẽ không ngồi yên".
Inbar tin rằng không có nhiều cơ hội nhìn thấy một giải pháp hòa bình trong tương lai gần.
Giáo sư nói: "Chúng tôi (Israel) có các mục tiêu quân sự, chúng tôi phải giành chiến thắng. Israel gần đây đã thể hiện sự đoàn kết to lớn, tinh thần chiến đấu to lớn. Và chúng tôi hiểu rằng để tồn tại ở Trung Đông, bạn phải mạnh mẽ và giành chiến thắng trong cuộc chiến".
Theo Ayman Yousef, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ-Ả Rập ở Palestine, với số lượng lực lượng khác nhau tham gia vào cuộc chiến ở Gaza, cuộc xung đột ngày càng trở nên nguy hiểm.
Mỹ đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự trong khu vực với việc triển khai thêm các lực lượng hải quân, không quân và lục quân ở Trung Đông. Hơn nữa, để đối phó với các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu liên kết với Israel ở Biển Đỏ, Lầu Năm Góc đã công bố một liên minh gồm 10 quốc gia để bảo vệ thương mại trong khu vực và điều động thêm lực lượng tới đó.
Về phần mình, Iran đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh ở Biển Đỏ rằng họ nên chuẩn bị cho việc đóng cửa các tuyến đường thủy kéo dài đến các cửa phía Tây của Biển Địa Trung Hải.
Giáo sư Yousef nói: "Xung đột có thể lan sang khu vực. Nếu Israel tiếp tục tấn công Gaza theo cách bừa bãi kiểu diệt chủng, điều đó có thể châm ngòi cho một dạng cấu hình khu vực mới. Hezbollah ở Lebanon, al-Houthi ở Yemen và nhiều nhóm vũ trang Shia ở Syria và Iraq, tất cả đều tức giận trước những gì Israel đang làm. Tôi nghĩ khi đó xung đột có thể lan sang khu vực".
Ba điều kiện tiên quyết của Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói rõ rằng trước khi đạt được bất kỳ giải pháp hòa bình nào tại Gaza, Hamas phải bị đánh bại hoàn toàn, Gaza phải được phi quân sự hóa và xã hội Palestine phải được phi cực đoan hóa.
Ông Netanyahu đã phác thảo tầm nhìn của mình trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal hôm 24 tháng 12. Thủ tướng Israel đã chỉ trích Chính quyền Palestine (PA), nhấn mạnh rằng cơ quan này không đủ khả năng để cai trị Dải Gaza sau khi Hamas bị đánh bại.
Giáo sư Inbar nói: "Có một số điều nhất định phụ thuộc vào Israel. Việc triệt tiêu khả năng quân sự của Hamas phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi có thể cố gắng áp đặt phi quân sự hóa Gaza. Mặc dù, bạn biết đấy, mục tiêu này có vấn đề vì luôn có cách để buôn lậu vũ khí vào Gaza. Và tất nhiên, động lực chiến đấu rất lớn là Israel hiện diện ở đó. Và việc thay đổi hệ thống giáo dục không do Israel mà đó phải là quyết định của người Palestine".
Các phương tiện truyền thông Israel đã chú ý đến việc ông Netanyahu tránh đề cập đến tương lai của nhà nước Palestine hoặc giải pháp hai nhà nước trong bài xã luận của mình. Thủ tướng Israel được cho là không ủng hộ kịch bản hai nhà nước.
Thủ tướng Israel dường như quyết tâm tiếp tục cuộc chiến dù có chuyện gì xảy ra. Trong khi số người thiệt mạng ở Gaza ước tính lên tới hơn 20.000 người. Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh trong bài xã luận của mình rằng "Israel cố gắng hết sức để giảm thiểu thương vong cho dân thường".
Trong khi đó, đánh giá từ các cuộc thăm dò trong nước, ông Netanyahu đang mất dần sự tín nhiệm khi đa số cử tri cho rằng ông nên từ chức khi chiến tranh Gaza kết thúc.
Mỹ không còn là nhà môi giới hòa bình tin cậy
Haaretz, một ấn phẩm của Israel viết: "Tel Aviv ngày càng bị coi là gánh nặng với Mỹ. Thật vậy, một cuộc thăm dò vào tháng 12 từ Đại học Quinnipiac chỉ ra rằng 46% cử tri phản đối việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Israel".
Một cuộc khảo sát mới nhất của Fox News cho thấy 74% số người được hỏi lo ngại về cuộc chiến Israel-Hamas, có nghĩa là khu vực này vẫn là tâm điểm của người Mỹ.
Cùng với đó, cả giáo sư Inbar và Yousef đều không coi Mỹ là nhà môi giới hòa bình đầy quyền lực có thể tìm ra lối thoát khỏi cuộc xung đột trong tương lai gần.
Inbar nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên phóng đại sức mạnh của Mỹ trong việc hóa giải cuộc xung đột ở Trung Đông. Nếu chúng ta nhớ, hòa bình giữa Israel và Ai Cập là kết quả của sáng kiến của Ai Cập. Tương tự, tiến trình Oslo vào những năm 1990 được bắt đầu bằng các cuộc đàm phán song phương giữa người Israel và người Palestine, và chỉ sau đó người Mỹ mới tham gia".
Theo Yousef, nếu muốn tìm một giải pháp thực sự cho cuộc xung đột Hamas-Israel, cần có các lực lượng quốc tế mới tham gia và dẫn đầu.
"Điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ không có vai trò chủ chốt. Họ vẫn có một vai trò quan trọng. Nhưng có một số quốc gia khác phải tham gia để chia sẻ vai trò này. Chúng ta cần một loại ô bảo vệ đa phương thay vì ô đơn phương.
Các lực lượng mới phải đến và đóng một vai trò quan trọng cùng với Mỹ như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh hay bất cứ ai thực sự có thể lãnh đạo sáng kiến này ở Trung Đông, và thậm chí có vai trò lớn hơn đối với Liên hợp quốc và một số nhóm khu vực cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế khác.
Chiến dịch tấn công kiểu diệt chủng Israel thực hiện tại Gaza đã chứng minh rằng Mỹ hoàn toàn không phải là nhà môi giới khách quan và trung thực giữa người Palestine và người Israel", giáo sư Yousef kết luận.
Bất đồng về hạn ngạch sản xuất, một quốc gia thành viên tuyên bố rời OPEC