Mỹ hôm 1/8 tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh tối cao al-Qaeda Ayman al-Zawahiri. Ảnh: Reuters
21 năm sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ, và 11 năm sau khi trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden – cựu thủ lĩnh của al-Qaeda, bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại thành phố Abbottabad, Pakistan, Mỹ đã hoàn tất việc tiêu diệt những chủ mưu chính của vụ khủng bố kinh hoàng này.
Dấu mốc của cuộc chiến chống khủng bố
Ayman al-Zawahiri, người kế nhiệm Osama bin Laden lãnh đạo tổ chức khủng bố al-Qaeda, một trong những kẻ bị truy nã gắt gao nhất hành tinh cuối cùng đã bị sát hại trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ. Đây có thể coi là một sự kiện mang tính biểu tượng của cuộc chiến chống khủng bố, và là cú sốc lớn với al Qaeda.
Cần phải nhắc lại rằng al-Zawahiri, 71 tuổi, từng là một bác sĩ người Ai Cập, là một trong những kẻ tham gia sâu nhất vào việc lên kế hoạch cho vụ khủng bố 11/9. Phải mất tới 2 thập kỷ, và tốn rất nhiều tiền bạc, công sức, Mỹ mới có thể tiêu diệt người được coi là thủ lĩnh dẫn dắt al Qaeda vào thời điểm hiện tại.
Tiêu diệt được Ayman al-Zawahiri, Mỹ không chỉ "báo thù" cho các nạn nhân của vụ 11/9, mà còn chặt đứt bộ não và là lãnh tụ tinh thần của al-Qaeda. Bất kể trong những năm qua, al-Qaeda đã bị suy yếu sức mạnh và không còn đủ khả năng chuẩn bị các chiến dịch khủng bố lớn ở nước ngoài, nhưng đây vẫn được coi là một thành công đáng kể với Mỹ.
Điều đó cho thấy cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động vẫn mang lại hiệu quả, bất chấp cuộc rút lui trong hỗn loạn khỏi Afghanistan một năm trước đây. Mỹ vẫn đủ khả năng và sự nhẫn nại để truy tìm và tiêu diệt các phần tử khủng bố đe dọa lãnh thổ của mình. Đây cũng là lời cảnh báo với các tổ chức khủng bố quốc tế khác đang hoạt động.
Việc loại bỏ được thủ lĩnh kỳ cựu của al-Qaeda cũng có thể coi là một mất mát đáng kể với tổ chức khủng bố này và nó sẽ để lại hệ quả với sự phát triển của al-Qaeda trong thời gian tới. Các chuyên gia tình báo tin rằng al-Qaeda đang dự định thiết lập chỗ đứng tại miền Bắc Afghanistan, tuyển mộ các tay súng mới và tìm kiếm thêm các nguồn lực.
Nhóm này được cho là đang cố gắng sử dụng tiền điện tử để gây quỹ. Một trong những chi nhánh của tổ chức khủng bố này là al-Qaeda tại Tiểu lục địa Ấn Độ (AQIS) hiện đã có khoảng 400 thành viên, tại Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Pakistan.
Một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết al-Qaeda dường như chưa có kế hoạch chuẩn bị cho người kế nhiệm. Hiện nhóm này vẫn dựa chủ yếu vào sự dụng lãnh thổ Afghanistan và Pakistan để duy trì hoạt động, cải thiện khả năng liên lạc và nguồn lực mới. Với những lý do như vậy, rõ ràng sẽ cần phải mất một thời gian al Qaeda mới có thể tìm được 1 thủ lĩnh mới, khôi phục tinh thần và chuẩn bị cho các kế hoạch mới nhằm báo thù cho cái chết của al-Zawahiri.
Mỹ có cớ để siết chặt vòng vây với Taliban
Việc Mỹ phóng 2 quả tên lửa từ máy bay không người lái để tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda ngay giữa ‘Vùng Xanh’ của thủ đô Kabul chẳng khác nào bằng chứng rằng Taliban vẫn đang dung dưỡng và chứa chấp khủng bố bất chấp các tuyên bố và cam kết của lực lượng này.
Trong thỏa thuận Doha mà Taliban ký kết với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, lực lượng hiện đang cầm quyền tại Afghanistan cam kết không để lãnh thổ quốc gia Nam Á trở thành nơi khủng bố ẩn náu, hoạt động để tấn công các nước láng giềng.
Thế nhưng, gần tròn 1 năm sau khi lên nắm quyền, thực tế đã chứng minh lời hứa của Taliban đã trở nên vô nghĩa. Còn về phần mình, Taliban đáp trả bằng tuyên bố rằng hành động không kích tiêu diệt al-Zawahiri của Mỹ là vi phạm chủ quyền của Afghanistan cũng như thỏa thuận Doha ký năm 2020. Và Taliban cũng cho hay, không hề biết về việc Ayman al-Zawahiri đang sinh sống và thiết lập liên lạc với các phần từ al-Qaeda từ thủ đô Kabul.
Tranh cãi qua lại giữa đôi bên khiến cho quan hệ giữa Mỹ với Taliban vốn đã không tốt thời gian qua càng trở nên xấu hơn. Sau gần 1 năm Mỹ rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan và Taliban lên cầm quyền, cả thế giới dường như vẫn đang chờ đợi các động thái cụ thể của lực lượng này và mọi khoản hỗ trợ hay cho vay đều đang bị đình hoãn cho tới khi Taliban thực hiện các cam kết của mình. Mỹ mới chỉ vừa nới lỏng các hạn chế trong vài tuần gần đây để cấp thêm tiền cho Afghanistan đối phó với khủng hoảng nhân đạo thì đã lại xảy ra diễn biến mới này. Và thực tế các cam kết của Taliban đang trở nên vô nghĩa chính là dịp để Mỹ siết lại vòng vây với Afghanistan và Taliban, gây áp lực lên lực lượng này.
Liệu khủng bố sẽ lại trỗi dậy?
Với tình hình hiện tại, tổ chức khủng bố al-Qaeda sẽ phải lựa chọn ra một thủ lĩnh mới khi mà chưa có nhiều sự chuẩn bị về nhân sự. Có nhiều cái tên được nêu ra, chủ yếu từ các chi nhánh của al Qaeda ở Nam Á, Trung Đông - Tây Á và Bắc Phi. Các lãnh đạo của al-Qaeda sẽ phải quyết định lựa chọn giữa các cá nhân đã nổi tiếng và được tin tưởng hay đặt niềm tin vào những thành viên mới hơn- những người sẽ có giá trị thu hút một thế hệ các phần tử cực đoan mới tham gia. Quyết định của họ sẽ định hình cấu trúc và cả hành động của al Qaeda trong tương lai.
Những chuyển động của al-Qaeda trong thời gian tới đặt trong bối cảnh các phong trào Hồi giáo cực đoan toàn cầu dù chưa đi tới đường cùng nhưng cũng đã suy yếu rất nhiều sau hai thập kỷ Mỹ dành nhiều công sức cho cuộc chiến chống khủng bố. Cả al-Qaeda lẫn Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đều đã bị đẩy vào thế phải dựa vào mô hình chia nhỏ hoạt động. Trong đó, một mạng lưới gồm các chi nhánh và bộ phận của các tổ chức khủng bố này sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhân danh chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo Salafi.
Cái chết của al-Zawahiri đặt al-Qaeda vào tình thế bấp bênh. Nhưng vẫn còn đó những bất ổn mà các tư tưởng khủng bố có thể tận dụng để trở lại. Đó là khi Mỹ và các đồng minh đang chuyển trọng tâm từ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sang cuộc cạnh tranh với các siêu cường như Trung Quốc và Nga.
Và khi mà cuộc chiến tranh tại Ukraine vẫn chưa lắng dịu hay căng thẳng đang gia tăng quanh eo biển Đài Loan, ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải là an ninh quốc gia chứ không còn là chống khủng bố nữa. Có phải chăng đó là lúc mà các tư tưởng Hồi giáo cực đoan sẽ lại trỗi dậy và tìm ra cách để khôi phục lực lượng nhằm gây ra những thảm kịch với nhân loại trong tương lai? Tất cả phụ thuộc vào sự cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng của thế giới./.