Tướng Đào Thanh Hải: Người dân xây dựng tự phát khiến 2 bờ sông Hồng như "đống rác"

Hoàng Đan |

"Hiện giờ, nếu đi từ Long Biên sang bên này nhìn 2 bờ sông Hồng như 2 đống rác. Việc xây dựng, cơi nới, xây thêm các công trình vẫn tiếp tục", tướng Đào Thanh Hải nói.

Phải có chế tài xử lý thật nghiêm để đảm bảo an ninh nguồn nước

Sáng 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Góp ý về dự án Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã dẫn lại vụ việc ô nhiễm nước sạch ở Hà Nội vừa qua và nhấn mạn, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, do đó dự án Luật này phải có trách nhiệm bảo vệ được an ninh nguồn nước.

Ông nêu, Bộ Công an đã xây dựng chiến lược bảo vệ phòng chống khủng bố, xâm phạm an ninh nguồn nước, tuy nhiên trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước ban đầu thuộc ai, trách nhiệm đến đâu, khi xảy ra phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Nếu như anh đã kinh doanh nước mà không đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân thì anh phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Phải có chế tài xử lý thật nghiêm để đảm bảo an ninh nguồn nước, vì không khí, nước là hai thứ mà con người không thể thiếu được, bắt buộc phải dùng hàng ngày”, ông nói.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng chỉ rõ, nếu vẫn cứ để Luật Đê điều cũ thì sẽ không phát triển được.

Ông dẫn chứng, cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã xây dựng đề án phối hợp với Hàn Quốc cải tạo 2 bên bờ sông Hồng với mục tiêu xây dựng 2 bên bờ sông Hồng đẹp như sông Hàn.

Đồng thời, có 2 tuyến đường chạy dọc sông với các tuyến cao khu vực trong nội thành Hà Nội thành trung tâm tài chính.

"Thế nhưng, cuối cùng Bộ NN&PTNT đưa ra những quan điểm là vi phạm hành lang thoát lũ, từ đó dẫn đến không khả thi và toàn bộ dự án đắp chiếu cho tới ngày nay. Tôi cho với tình trạng này thì không bao giờ chúng ta cải tạo được bờ sông Hồng.

Hiện giờ, nếu đi từ Long Biên sang bên này nhìn 2 bờ sông Hồng như 2 đống rác. Việc xây dựng, cơi nới, xây thêm các công trình vẫn tiếp tục.

Từ ngày đó tới nay, số lượng nhà tăng gấp đôi, lượng dân cư tăng gấp đôi, đến bây giờ không kiểm soát được”, ông Hải cho hay.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội cũng chỉ rõ, tình trạng lấn chiếm lòng sông vẫn tiếp tục diễn ra càng ngày càng mạnh, lan từ Thanh Trì, sang Đan Phượng, dọc 2 bên bờ sông kín mít hết, người dân cứ tự phát xây dựng. Đây là những vấn đề mà Luật Đê điều phải tháo gỡ, làm sao có chính sách cải tạo bờ sông thì thành phố mới thay đổi bộ mặt được.

Góp ý về dự án Luật này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến về tình trạng sạt lở bờ sông và lưu ý tình trạng con người khai thác, san lấp, xây dựng làm xói mòn, sạt lở bờ sông dẫn đến có lúc “thiên tai chỉ có 5 nhưng vì con người nên thành ra 10”.

Ông khai thác cát bỏ tiền vào túi, còn sạt lở bờ sông dân gánh chịu. Rồi sau đó Nhà nước dùng ngân sách để khắc phục.

Có tình trạng dùng thiên tai để xoá nợ. mỗi đợt thiên tai có một số người vui vẻ vì được xoá nợ”, đại biểu Nghĩa nói và đề nghị Luật thiết kế làm rõ trách nhiệm của từng người dân trong phòng chống thiên tai.

Tránh tình trạng 1 vài cá nhân điều chỉnh, phá nát quy hoạch

Còn góp ý về dự thảo Luật Xây dựng tại tổ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề quy hoạch.

Ông cho rằng, công tác quy hoạch đô thị đã được làm tương đối tốt, nghiêm túc và khi triển khai đều lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, lập Hội đồng kiến trúc, Hội đồng phản biện. UBND các cấp cũng rà soát xem xét rất kỹ.

"Sau khi công bố quy hoạch và bắt đầu triển khai, nếu đúng quy hoạch thì chắc chắn đô thị sẽ được quản lý rất tốt.

Tuy nhiên, bất cập là chúng ta làm quy hoạch thì kỹ nhưng thay đổi cục bộ quy hoạch lại quá đơn giản. Chỉ cần UBND địa phương cùng 1 – 2 Sở, ngành quyết định là có thể điều chỉnh ngay. Chính điều này sẽ phá vỡ kế hoạch", Bộ trưởng nói.

Tướng Đào Thanh Hải: Người dân xây dựng tự phát khiến 2 bờ sông Hồng như đống rác - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ông Thể góp ý, khi điều chỉnh quy hoạch, cấp nào ban hành quy hoạch, bao nhiêu hội đồng bao đồng ý thì khi điều chỉnh cũng phải là cấp đó điều chỉnh, với ngần đấy hội đồng ý.

"Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan và tránh tình trạng 1 vài cá nhân khi điều chỉnh khu A, khu B phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, bức xúc xã hội", ông Thể nêu quan điểm.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng rất bức xúc khi nói về tình trạng đô thị, công viên, khu công cộng đã được quy hoạch rồi, nhưng sau đó nhà đầu tư lại thay đổi cục bộ dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng.

Đáng nói hơn, Hội đồng thẩm định quy hoạch không biết việc này mà chỉ một số lãnh đạo Sở, ngành liên quan tự điều chỉnh.

"Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch quá dễ, vì vậy họ sử dụng quyền đó làm quy hoạch không tốt. Do đó, những công trình lớn, quy hoạch lớn cần có quy định chặt chẽ, hội đồng nào, cấp nào thông qua quy hoạch đó thì khi điều chỉnh phải có hội đồng tương ứng đồng ý, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch", ông Thể nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại