Quanh vụ việc bé Lường Văn Trân (12 tuổi, trú tại tổ 11A, phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn) bị thương do 1 bức tượng nhỏ gãy đôi, đổ xuống ở sân Nhà văn hóa tỉnh Bắc Kạn, ông Hà Văn Trường (GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn) khẳng định trên báo Thanh niên: "Nhiều phương tiện thông tin đại chúng thông tin là tượng đài bất ngờ đổ sập là không chính xác".
Bởi theo ông, tượng gãy chỉ là một bức tượng nhỏ nằm trong quần thể 5 bức tượng và nằm trong dự án tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn.
"Cháu bé đu bám vào nhân vật tượng nhỏ nhất trong 5 nhân vật tượng nên đã gây ra trượt đổ", ông Trường khẳng định.
Quần thể 10 bức tượng đặt 2 bên phía trước sân Nhà văn hóa tỉnh Bắc Kạn được chia làm 2 cụm, mỗi cụm 5 bức tượng, với tổng kinh phí được phê duyệt là 4,536 tỷ đồng. Cụm tượng bị đổ cao khoảng 3 mét. Phần tượng nhân vật nhi đồng trong cụm tượng bị gãy, rơi từ phần thân xuống (khoảng 20-30cm).
Các tượng này được làm bằng đá xanh, sau khi đục xong thì được gắn vào với nhau.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn chia sẻ trong cuộc họp báo hôm 10/8: "Nguyên nhân ban đầu được xác định là do có 3 trẻ em đùa nghịch làm xô lệch bức tượng Kim Đồng, trong đó 1 em đu lên cánh tay bức tượng đã làm bức tượng gãy đổ và bé trai ngã theo dẫn đến bị thương ở chân còn 2 em khác không bị sao".
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến tượng đổ cũng được báo VOV nhắc đến, đó là có thể sau thời gian mưa nắng, các lớp keo gắn kết các tượng với nhau không kết dính dẫn đến tượng bị xô lệch khi có tác động và đã đổ.
Phần tượng bị rơi xuống đất. Ảnh: Hoài Văn/Vietnamnet
Anh Trần Văn Huy (Trưởng bộ phận kỹ thuật của một công ty chuyên cung cấp tượng đá ở Ninh Bình) bày tỏ sự bất ngờ về vụ việc tượng gãy đổ ở Bắc Kạn.
"Đây có thể coi là sự cố hi hữu, nếu không muốn nói là lạ lùng. Bởi lẽ, về nguyên tắc tượng đài phải là một công trình kiên cố, trường tồn với thời gian. Nó chỉ có thể bị hư hỏng trong trường hợp va chạm cực mạnh, không thể vì một đứa trẻ đu lên mà đổ cả một góc tượng như vậy", anh Huy nói với báo Đất Việt.
Cũng theo nhận định của anh Huy, tượng đài ở Bắc Kạn do ghép từng phiến với nhau nên sức bền kém hơn nguyên khối, tuy nhiên, nhiều khả năng thì lớp keo sử dụng gắn các thớt đá có vấn đề nên liên kết của các mảng tượng bị yếu.
Còn anh Nguyễn Xuân Sơn (một nghệ nhân điêu khắc đá ở Đà Nẵng) thì bày tỏ băn khoăn rằng, cụm 5 tượng chỉ cao khoảng 3 mét thì hoàn toàn có thể làm bằng đá nguyên khối, nhưng ở đây lại được đục riêng rồi gắn vào nhau.
"Nếu được làm bằng đá xanh nguyên khối, tượng đài sẽ vô cùng chắc chắn. Đừng nói là một đứa trẻ, ngay cả người lớn đánh đu cũng không có vấn đề gì", nguồn trên dẫn lời anh Sơn.