Tượng đài công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Mỹ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam, cung cấp gần 1/3 thiết bị cho các nhà máy điện cho đến động cơ máy bay

Bạch Mộc |

GE hiện đã phủ sóng trên nhiều lĩnh vực kinh doanh quan trọng tại Việt Nam bao gồm cung cấp thiết bị năng lượng điện, điện tái tạo, thiết bị y tế, hàng không... Tập đoàn công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Mỹ cũng đang vận hành một nhà máy sản xuất tuabin điện gió tại Hải Phòng doanh thu gần 8.000 tỷ đồng.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong hàng chục năm qua đi cùng sự gia tăng dân số và làn sóng đầu tư nước ngoài kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng điện ngày một tăng cao.

Tổng công suất điện lắp đặt của Việt Nam hiện khoảng 55 GW, nhưng ít ai biết rằng gần 1/3 công suất này được tạo ra từ các nhà máy sử dụng thiết bị chính do một tập đoàn của Mỹ cung cấp.

General Electric (GE) có vai trò lớn trong tiến trình phát triển hệ thống phát, truyền tải điện của Việt Nam. Công ty hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại 11 nhà máy điện và nhiều dự án trên cả nước, là đối tác truyền thống của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Cách đây một tuần, GE và GENCO 3 ký kết hợp đồng dịch vụ cải thiện hiệu suất và độ ổn định cho nhà máy điện Phú Mỹ.

Tượng đài công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Mỹ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam, cung cấp gần 1/3 thiết bị cho các nhà máy điện cho đến động cơ máy bay - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy GE Hải Phòng. Ảnh: François Carlet-Soulages

GE là một trong những công ty Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam, thiết lập văn phòng tại Hà Nội năm 1993, trước cả khi lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam được dỡ bỏ. Năm 2003, GE thành lập Công ty TNHH GE Việt Nam (100% vốn ngoại) cung cấp dịch vụ bán hàng thiết bị y tế, điện và năng lượng.

Trong 27 năm phát triển tại Việt Nam, GE đã tiếp cận được những ngành kinh doanh đòi hỏi thiết bị máy móc kỹ thuật cao, bao gồm: năng lượng, năng lượng tái tạo, thiết bị y tế và hàng không.

Những hợp đồng đầu tiên của GE là cung cấp tuabin khí hạng nặng cho nhà máy điện Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 4, Nhơn Trạch 1; cung cấp lò hơi cho nhà máy điện Thăng Long, nhiệt điện than Long Phú 1; cung cấp thiết bị cơ điện cho thủy điện Sơn La, thủy điện Đa Nhim…

Những năm gần đây, GE tập trung vào cung cấp thiết bị năng lượng tái tạo, xu thế đang nổi lên tại Việt Nam. Một trong những thỏa thuận quan trọng là biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương về thúc đẩy phát triển tối thiểu 1.000 MW trang trại điện gió mới đến năm 2025.

Trên góc độ tư nhân, GE cung cấp thiết bị phát triển trang trại điện gió đầu tiên của Việt Nam tại Bạc Liêu. Công ty Mỹ cũng bắt tay cùng tập đoàn Phú Cường có kế hoạch xây dựng, vận hành dự án điện gió Phú Cường 800 MW tại Sóc Trăng; điện gió Tây Nguyên, điện gió Mũi Né, điện gió Phương Mai…

Nhưng không chỉ dừng lại ở thương mại và cung cấp dịch vụ, năm 2009, GE thành lập một nhà máy tại Hải Phòng chuyên sản xuất tuabin gió và hệ thống điều khiển khi mà nhu cầu sản xuất năng lượng sạch đang gia tăng trên toàn cầu.

Cuối năm 2016, GEHP tiến hành tăng công suất và sản lượng chế tạo, đây trở thành 1 trong 7 nhà máy Brilliant của GE trên toàn cầu, nhà máy đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Kết quả kinh doanh của nhà máy sản xuất thiết bị điện gió GEHP tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, 2019 đạt quy mô hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 74% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đến từ nhà máy này đạt 883 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2018.

Tượng đài công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Mỹ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam, cung cấp gần 1/3 thiết bị cho các nhà máy điện cho đến động cơ máy bay - Ảnh 2.

Bên cạnh các đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thiết bị điện gió trong nước đang là rất đáng quan tâm khi cuộc chạy đua giành ưu đãi Chính phủ của các nhà đầu tư đang trở nên sôi động. Giữa năm nay, Thủ tướng đồng ý bổ sung thêm gần trăm dự án điện gió với tổng công suất gần 7.000 MW vào Quy hoạch điện theo đề xuất của Bộ Công thương.

Điều này để ngỏ cho GE về tiềm năng cung cấp thiết bị kỹ thuật khi mà nhà máy sản xuất đặt ngay trong nước.

Ngoài nhà máy Hải Phòng, GE cũng đang sở hữu GE Dung Quất (Quảng Ngãi), một trong hai nhà máy chuyên sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt (HRSG) cung cấp cho nhiệt điện của tập đoàn này trên toàn cầu. Thực tế, đây là hoạt động kinh doanh mà GE đã mua tại từ Doosan Engineering & Construction năm 2016.

Hiệu quả của nhà máy này là ấn tượng không kém GEHP, với doanh thu 1.552 tỷ đồng trong 2019, gấp gần 3 lần năm trước đó. Lợi nhuận ròng 187 tỷ đồng, gấp 4,1 lần.

Tượng đài công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Mỹ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam, cung cấp gần 1/3 thiết bị cho các nhà máy điện cho đến động cơ máy bay - Ảnh 3.

Mạng lưới năng lượng của GE Việt Nam hiện còn có một xưởng sửa chữa tuabin khí Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), vị trí gần các dự án của khách hàng. Xưởng sửa chữa này năm ngoái cũng ghi nhận doanh thu gần 200 tỷ, lãi ròng 27 tỷ đồng.

Không chỉ ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực năng lượng, tầm hoạt động của GE Việt Nam còn mở rộng sang việc cung cấp thiết bị y tế và hàng không.

GE Aviation là một đơn vị của tập đoàn GE, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về động cơ và linh kiện máy bay, hệ thống điện tử, cơ khi hàng không. GE cung cấp động cơ cho hơn một nửa số máy bay tại Đông Nam Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Hợp tác đầu tiên giữa GE và Vietnam Airlines là cung cấp động cơ cho 10 tàu bay Airbus A320 từ những năm 90. Cho đến nay, các máy bay đời mới nhất của Vietnam Airlines như chiếc Boeing 787-9 Dreamliner cũng đều trang bị động cơ phản lực của GE.

Máy bay Airbus A320 của Vietjet Air cũng sử dụng động cơ của CFM International, một liên doanh của GE sản xuất.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ - Donald Trump hồi đầu năm 2019, Vietjet đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá 12,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, hãng hàng không Việt Nam cũng ký với GE thỏa thuận dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ LEAP-1B giá trị 5,3 tỷ USD (theo giá nhà sản xuất).

Y tế cũng là lĩnh vực mà GE hoạt động lâu năm tại Việt Nam, công ty này cung cấp thiết bị hiện đại trong ngành cho các bệnh viện lớn như 108, , bệnh viện Hữu Nghị, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện FV, phòng khám Việt Sing, bệnh viện Bạch Mai… Hơn một nửa số phòng khám và bệnh viện của Việt Nam có ít nhất một thiết bị của GE.

Tượng đài công nghiệp hơn trăm năm tuổi của Mỹ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng tại Việt Nam, cung cấp gần 1/3 thiết bị cho các nhà máy điện cho đến động cơ máy bay - Ảnh 4.

Trao đổi với Forbes, ông Phạm Hồng Sơn – CEO GE Việt Nam cho biết chiến lược phát triển điện tái tạo, điện khí – khí hóa lỏng của Chính phủ trong tương lai phù hợp với thế mạnh của tập đoàn. Các chính sách trong lĩnh vực này hấp dẫn và chưa kể trong tương lai năng lượng tái tạo còn có tiềm năng khai thác ngoài khơi.

Trong kế hoạch dài hạn tại Việt Nam, ông Sơn cho biết GE sẽ đầu tư mở rộng các hoạt động sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, song song với việc luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển thị trường Việt Nam.

"Việc phát triển thị trường có thể theo phương thức GE cùng đầu tư vào các dự án điện khí, dự án LNG hoặc các dự án điện gió cả trên bờ và ngoài khơi. Chúng tôi vừa là nhà đầu tư vừa đi tạo ra thị trường cho chính mình," người đứng đầu GE Việt Nam tiết lộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại