Sống tại thời điểm 2019, bạn đã quá quen với tiếng “beep”: cái lò vi sóng đang quay đồ ăn trưa, cái máy báo khói khi thấy đồ ăn quay trong lò cháy nghi ngút khói, tiếng Alexa/Siri/Google Assistant khởi động khuyên bạn nên gọi cứu hỏa, và hàng triệu thứ đồ công nghệ khác nữa.
Cũng như còi xe, tiếp beep có một công dụng duy nhất: thu hút sự chú ý của bạn tới thứ đồ công nghệ vừa phát ra tiếng beep. Nhưng lịch sử của nó lâu đời lắm, lâu hơn bạn tưởng nhiều, từ trước cả kỷ nguyên công nghệ cơ.
Điểm khởi đầu của tiếng beep tới từ Thời đại Không gian, khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik truyền về mặt đất những tiếng beep, báo hiệu cho trạm điều khiển biết nó đang thực hiện tốt công việc của mình.
Trong bản tin đặc biệt do đài CBS News thực hiện, 18 giây đầu là tiếng beep được thu âm từ trước, ngay lập tức theo sau là giọng người dẫn chương trình Douglas Edwards: “Cho tới hai ngày trước, tiếng động bạn vừa nghe chưa bao giờ xuất hiện trên Trái Đất này. Để rồi đột nhiên, nó trở thành một phần của thế kỷ 20 cũng như tiếng ồn phát ra từ máy hút bụi nhà bạn”.
Cơn bão Sputnik quét qua mọi miền Trái Đất, những tờ báo lớn đồng loạt đưa tin nóng về thứ công nghệ đánh dấu một kỷ nguyên mới xuất hiện, kỷ nguyên của khám phá Vũ trụ, Thời đại Không gian - Space Age. Washington Post và Chicago Tribune đưa lịch trình bay cụ thể của vệ tinh nhân tạo đầu tiên, The New York Times đưa bài giải thích tại sao radio thông dụng không thể bắt được tiếng beep của Sputnik.
Nhưng bản thân Sputnik không đóng góp gì mấy cho khoa học, nó mang một ý nghĩa đơn giản: cho thấy sức mạnh công nghệ của người Nga. Người Mỹ lại có suy nghĩ khác: 4 tháng sau khi Sputnik lên không, Mỹ phóng thành công Explorer 1, vệ tinh mang theo những công cụ khoa học tiên tiến nhất.
Ngay lập tức, Explorer 1 lập dấu mốc quan trọng, khám phá lớn đầu tiên của Thời đại Không gian: sự tồn tại của vòng bức xạ Van Allen bao quanh Trái Đất.
Nhưng khoa học thì vốn nhàm chán, không mấy ai quan tâm một cái vòng bọc Trái Đất ở tít trên cao, mà người ta thích thú với thứ hiện hữu ngay trước mắt và bên tai họ: tiếng “beep” của vệ tinh Sputnik. Với bất kỳ người may mắn nào được nghe tiếng động chưa từng xuất hiện trước đây, họ đều cảm thấy may mắn khi lần đầu tiên được nghe một tiếng động rất ư … công nghệ cao.
Từ “beep” vốn đứng trong từ điển dưới dạng từ để mô tả tiếng phát ra từ còi xe, theo định nghĩa của Từ điển Oxford từ năm 1929. Trước khi “beep” tiến hóa thành tiếng gọi của tương lai, người đầu tiên sử dụng từ “beep” để mô tả hoạt động của thiết bị điện tử là đại văn hào truyện khoa học giả tưởng Arthur C. Clarke, khi ông viết cuốn tiểu thuyết The Sands of Mars - Cát Sao Hỏa năm 1951.
Nếu bạn chưa biết, thì Arthur C. Clarke có lẽ nổi tiếng nhất với việc viết nên cuốn 2001: A Space Odyssey, dựa theo bộ phim khoa học cùng tên với kịch bản do chính ông Clarke cùng đạo diễn kỳ tài Stanley Kubrick cùng đặt bút viết, có nội dung về một trí tuệ nhân tạo đã tiến hóa để có thêm nhận thức.
Ông được mệnh danh là “Nhà tiên tri của Thời đại Không gian”, với một loạt tác phẩm khoa học giả tưởng nói trước về tương lai của công nghệ.
Lại nói về Sputnik, nó “beep” 21 ngày liên tục thì cạn sạch pin, nhưng cũng đã quá đủ thời gian để bản thân tiếng beep trở thành một biểu tượng cho thiết bị điện tử.
Thế nhưng cũng như mọi thứ âm thanh khác, nghe nhiều thì chắc chắn nhàm, thế là sinh ra một thứ “bệnh” có tên “mệt mỏi do báo động - alarm fatigue; theo nghiên cứu chỉ ra, tiếng beep có thể khiến bác sĩ, y tá hay các chuyên viên sức khỏe giảm hiệu quả công việc.
Thế nhưng câu chuyện đáng lo ngại trên vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng của tiếng beep lên tới xã hội hiện đại. Giống như một ngày sau khi Sputnik lên không, kênh NBC News tuyên bố:
“Hãy lắng nghe âm thanh đã vĩnh viễn tách biệt cái cũ và cái mới”.
Một câu nói mô tả từ “beep” chính xác đến mãi về sau.
Tham khảo FastCo