Không quân Ba Lan ngày nay có máy bay F-16 và FA-50 đang hoạt động, trong khi MiG-29 dự kiến sẽ được giao hết cho Ukraine, cùng một số Su-22 sắp hết hạn sử dụng, ngoài ra Warsaw còn ký với Mỹ thỏa thuận cung cấp 32 tiêm kích thế hệ thứ năm F-35.
Chưa dừng lại đây, như một phần của việc tăng cường sức mạnh tác chiến trên không, Ba Lan có kế hoạch mua một loại máy bay khác, đó là Eurofighter Typhoon hoặc F-15EX.
Bản kế hoạch này khiến nhiều người lo ngại, phải chăng Quân đội Ba Lan sẽ sử dụng quá nhiều chiến đấu cơ nguồn gốc khác nhau, gây ra gánh nặng cho hậu cần. Trước tình hình trên, trang Defence24 đã nói chuyện với Chuẩn tướng Tomasz Drevniak - Cựu thanh tra lực lượng Không quân.
Ông Drevniak nhấn mạnh rằng việc có 4 loại chiến đấu cơ khác nhau, khi tổng số vào khoảng 120 - 140 chiếc sẽ là một "vấn đề lớn về hậu cần và huấn luyện". Vị tướng nhấn mạnh rằng có vấn đề với việc huấn luyện hàng loạt cho một loại máy bay cơ sở.
Tướng Drevnyak nhấn mạnh: “Chúng tôi cần 4 trung tâm đào tạo. Như vậy, mỗi đơn vị sẽ tiến hành huấn luyện dựa trên nhu cầu riêng của mình, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng máy bay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu - bởi vì một phần nhất định sẽ được sử dụng để đào tạo".
Theo vị tướng này, các quốc gia như Ba Lan ngày nay có hai lựa chọn để xây dựng lực lượng không quân. Đầu tiên là áp dụng kinh nghiệm của các quốc gia Scandinavia, họ đã vận hành một loại máy bay trong nhiều năm và cuối cùng đang chuyển sang sử dụng F-35 thế hệ thứ năm.
Thứ hai là dựa vào kinh nghiệm của các nước châu Âu khác, chẳng hạn như Anh hay Tây Ban Nha, khi họ có hai loại máy bay đang hoạt động - một cũ và một mới.
"Tôi sẽ không nói trường hợp nào tốt hơn hay xấu hơn - mỗi thứ đều có ưu điểm và nhược điểm. Nhưng điều đáng chú ý là trong cả hai trường hợp, chúng ta đang nói về tối đa 2 loại máy bay chứ không phải 4", vị tướng nhấn mạnh.
Đối với Ba Lan, ngoài việc lựa chọn giữa Eurofighter hay F-15EX, còn có một trường lựa chọn khá đơn giản là chỉ tập trung vào việc mua thêm một lô F-35. Tuy nhiên xét theo sự chậm trễ trong gói nâng cấp TR-3 lên tới một năm, có khả năng Ba Lan lo ngại họ không sớm nhận được những phương tiện đã đặt hàng.
Ngoài ra cần phải nói tới thực tế là nhiều quân đội vẫn đang duy trì trên 3 mẫu chiến đấu cơ, thậm chí có nguồn gốc khác nhau trong biên chế, điển hình như Hàn Quốc, Israel hay Hy Lạp, nhưng cũng không gây ra vấn đề quá lớn.
Tiêm kích FA-50 của Không quân Ba Lan thực hiện chuyến bay thử nghiệm.
Theo Defense24