Sau 10 năm với hàng loạt lần phẫu thuật, đến nay, các bộ phận tổn thương (chân và cơ quan sinh dục) của chú lính chì Thiện Nhân đã và đang phát triển bình thường. 10 năm qua, Thiện Nhân dũng cảm và chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” đã và đang mang lại niềm vui cho hàng trăm trẻ em kém may mắn khác.
Giọt máu tình người
Cái tên Thiện Nhân không còn xa lạ với nhiều người. 10 năm trước, Thiện Nhân bị bỏ rơi khi vừa chào đời ở một huyện miền núi Quảng Nam, bị thú hoang cắn mất một chân và bộ phận sinh dục.
Em phải trải qua hàng loạt ca phẫu thuật trong và ngoài nước. Hành trình lấy lại sự sống, giúp em làm người bình thường đã nhận được sự đồng hành của cộng đồng và xã hội.
Ngày 20/6, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, diễn ra chương trình gặp mặt chú lính chì Thiện Nhân, cùng đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia nước ngoài đã bù đắp cho em và hàng trăm trẻ em khác khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Thiện Nhân nay đã lớn khôn, lanh lợi, hồn nhiên nô đùa trên đôi nạng gỗ. Gặp lại Thiện Nhân, các y bác sĩ khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nơi tiếp nhận và thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên cho em, vui mừng ra mặt.
Bác sĩ Đinh Thị Tố Trinh (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nay đã nghỉ hưu) không giấu được niềm xúc động khi gặp lại “đứa con” mà 10 năm trước chính bà đã truyền máu giúp cứu sống em.
Và cũng chính bà là người đặt tên cho em.
“10 năm rồi, mà mọi người vẫn nhớ đến tôi. Đó là niềm xúc động vô cùng.
Gặp lại Thiện Nhân, thấy con đã lớn khôn, được sống trong yêu thương và đùm bọc, không riêng tôi mà tất thảy mọi người đều cảm thấy bùi ngùi, mừng cho con.
Thiện Nhân là cậu bé dũng cảm nhất tôi từng biết. Sự dũng cảm của em đã động đến đáy lòng, tâm can của biết bao con người, giúp người yêu người hơn, biết vươn lên số phận và hoàn cảnh để sống tốt cho đời”, bà Trinh xúc động nói.
Giáo sư Roberto Decastro nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Bà Trinh kể, 10 năm trước, lần đầu tiên thấy một bé sơ sinh bê bết máu, mất hẳn chân, bộ phận sinh dục, bà và y bác sĩ lúc đó đã bật khóc, cảm thương cho cháu bé sớm phải gánh chịu nỗi đau thể xác và nghiệt ngã của số phận.
Mầm sống nhỏ nhoi, thoi thóp trong vòng tay của bà. Ca phẫu thuật đầu tiên, khi ngân hàng máu đã hết, chính bà Trinh đã truyền máu của mình cho em bé.
Bà bảo rằng, đó là mệnh lệnh của con tim, mệnh lệnh của người mẹ khi thấy con nhỏ đối diện tử thần. Và cũng chính bác sĩ Trinh đã đặt tên cậu bé là Thiện Nhân với hy vọng cuộc đời em sẽ tốt đẹp, được bù đắp mất mát, đau đớn.
“Giọt máu cho đi là giọt máu nghĩa tình. Lúc đó tôi không suy nghĩ gì hết, miễn sao cứu sống được cháu bé. Lương tâm người mẹ, người bác sĩ thôi thúc tôi phải cứu sống cháu bé bằng mọi cách.
Và điều kỳ diệu đã đến với Thiện Nhân như mọi người đã biết”, bà Trinh ôm chặt Thiện Nhân vào lòng.
Giúp con “trả nợ” bài văn quê hương
Nữ nhà báo Trần Mai Anh (mẹ nuôi của Thiện Nhân) suốt 10 năm qua sát cánh cùng con trai, đi nhiều nước trên thế giới, để giúp con làm người bình thường.
Mỗi lần Thiện Nhân lên bàn mổ, chị luôn kề bên để động viên, tiếp thêm sức mạnh cho con. Chị Anh cho biết, suốt 10 năm qua, Thiện Nhân đã phải trải qua 6 lần phẫu thuật lớn.
Hai năm nữa, con trai của chị sẽ phải tiếp tục phẫu thuật để hoàn thiện dần cơ quan sinh dục. Năm nay, Thiện Nhân học hết lớp 4, học giỏi, hiếu động, tinh nghịch như bao đứa bé khác.
Điều đặc biệt, tuy tàn tật nhưng Thiện Nhân lại rất thích chơi các môn thể thao và chơi không thua kém bạn bè cùng trang lứa.
Nhà báo Mai Anh (phải) xúc động kể về hành trình 10 năm của con trai.
“10 năm qua, tôi luôn mong sao con trai mình được làm người bình thường như bao nhiêu người khác. Con đã gánh chịu nhiều thiệt thòi, chỉ có tình yêu thương mới bù đắp được.
Nếu không có những y bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước cùng những tấm lòng hảo tâm, thì sẽ không có Thiện Nhân và cũng sẽ không có hành trình mà chúng ta nhắc đến hôm nay.
Họ là những người gieo mầm nhân ái đang lan tỏa mà tôi và những người hiện tại đang cùng nhau cố gắng nuôi dưỡng”, chị Anh tâm sự.
Chính chị Anh là một trong những người sáng lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” để giúp đỡ trẻ em khiếm khuyết cơ quan sinh dục trên khắp Việt Nam.
Chị Anh nói rằng, Thiện Nhân sắc sảo, thường xuyên tranh luận say sưa về một vấn đề quan tâm, thể hiện rõ tính cách “hay cãi” của người Quảng Nam. Sau thời gian dài, Thiện Nhân mới quay về quê hương.
Lần về quê này, chị đã giúp con “trả nợ” bài văn quê hương cho cô giáo.
“Năm ngoái, cô giáo ra đề văn tả cảnh lễ hội quê hương. Bài văn đó, Thiện Nhân không viết được, mẹ phải xin khất nợ với cô giáo. Hôm qua, đúng đêm trăng rằm, tôi dẫn con về sông Hoài ở Hội An.
Chính tay con đã thả đèn lồng kèm theo điều ước của mình xuống dòng sông quê hương.
Lần đầu tiên con được về lại quê hương và sống trong không khí lễ hội. Tối qua, con đã viết bài văn về lễ hội quê hương để mai này “trả nợ” cho cô giáo.
Tôi tin rằng, dòng máu quê hương, con người xứ Quảng đang chảy trong con sẽ giúp con vững vàng để tiếp tục dũng cảm chiến đấu với những cơn đau của những ca phẫu thuật nay mai”, chị Anh kể.
Không gì là không thể
Đồng hành với hành trình của Thiện Nhân trong 10 năm qua là hàng trăm bác sĩ ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới. Tất cả cùng chung nỗ lực mang lại cuộc sống tốt đẹp cho em.
Thiện Nhân cùng anh họ đang vẽ tranh.
Giáo sư người Ý, ông Roberto Decastro (người đã phẫu thuật tái tạo thành công cơ quan sinh dục cho Thiện Nhân và thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật khó tại Việt Nam mà không nhận một đồng thù lao nào) là một trong những người sáng lập chương trình “Thiện Nhân và những người bạn”.
Ông cho biết: Trong suốt 10 năm qua, Thiện Nhân đã dũng cảm trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để trở lại cuộc sống bình thường.
Sau khi tin tức về ca phẫu thuật của Thiện Nhân thành công được phát đi, rất nhiều gia đình nghèo trên khắp Việt Nam đã tìm đến chương trình để sẻ chia câu chuyện của chính họ.
Những khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục vốn không được chia sẻ rộng rãi trong xã hội châu Á. Câu chuyện của Thiện Nhân đã góp phần thay đổi suy nghĩ của nhiều người.
“Tôi chỉ muốn nói rằng không có gì là không thể. Các bậc làm cha làm mẹ, nhất là các bạn trẻ hãy vượt qua định kiến, suy nghĩ mặc cảm khiếm khuyết của con em mình.
Hãy dũng cảm đối diện với khiếm khuyết đó, đưa con em mình đến với chúng tôi, để con bạn được hưởng điều tốt đẹp nhất.
Nếu có khó khăn, chúng tôi sẽ giúp đỡ, triệu tấm lòng sẽ cùng giúp sức”, giáo sư Roberto Decastro chia sẻ.
Giáo sư Roberto Decastro cho biết, tháng 8/2011, nhân chuyến đi sang Việt Nam, dự án đã tổ chức thăm khám lần đầu tiên cho hơn 100 bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và kể từ đó, mỗi năm dự án tổ chức 2 lần khám và phẫu thuật cho các em nhỏ (cả gái lẫn trai) bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Tính đến nay, sau 5 năm, chương trình đã tổ chức 9 đợt mời các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu từ Ý, Mỹ sang Việt Nam thăm khám, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em.
Chương trình đã thực hiện gần 200 ca phẫu thuật và tổ chức tư vấn cho hơn 600 lượt trẻ em. Riêng đợt này, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, chương trình sẽ phẫu thuật cho 13 em nhỏ.