Hơn 10 năm trước, các thành phố lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh, thường bị bao phủ bởi sương mù dày đặc màu vàng và xám, dày đến mức gần như che khuất tầm nhìn mọi thứ.
Các toà nhà luôn đóng chặt cửa và bên trong máy lọc không khí được bật hết công suất. Người dân khi ra ngoài luôn kín mít khẩu trang, thậm chí thay vì mua nước giải khát thì họ sẽ mua những lon "không khí sạch" để thoát khỏi cái được gọi là “ngày tận thế ô nhiễm”.
Chất lượng không khí tệ đến mức "khét tiếng" toàn cầu, buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải hành động. Họ phát động một “cuộc chiến giành lại bầu trời xanh” trị giá hàng tỷ USD.
Một thập kỷ trôi qua, những nỗ lực đó đang mang lại kết quả. Theo CNN , các báo cáo cho thấy mức độ ô nhiễm của Trung Quốc vào năm 2021 đã giảm 42% so với năm 2013.
Theo báo cáo về chỉ số chất lượng không khí cuộc sống Air Quality Life Index của Viện Chính sách năng lượng Đại học Chicago (Mỹ), từ năm 2013 đến năm 2022, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Trung Quốc trung bình giảm 57%. Số ngày ô nhiễm nặng giảm 92%.
Những nỗ lực suốt chục năm qua cũng giúp Trung Quốc thoát khỏi top 10 quốc gia ô nhiễm nhất thế giới năm 2023 với chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình 64 (mức vừa phải), theo thống kê của Air Quality Index .
Những kết quả đạt được ở quốc gia đông dân nhất thế giới cho thấy rằng sự thay đổi là có thể thực hiện được nếu chính phủ và người dân sẵn sàng và có khả năng nỗ lực thực hiện.
Một thập kỷ nỗ lực
Sau khi "ngày tận thế ô nhiễm" ở Bắc Kinh gây ra làn sóng giận dữ và thất vọng lớn trong người dân, Trung Quốc phát động "cuộc chiến xanh" giành lại chất lượng không khí tại các thành phố của mình.
Một trong những biện pháp mạnh tay và mang lại hiệu quả đáng kể khác đó là kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, bằng cách hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm vào những khu vực nhất định, thúc đẩy việc áp dụng các phương thức vận chuyển sạch hơn, tuân thủ các điều kiện phát thải. Đồng thời, nước này thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng toàn diện với các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh.
Năm 2017, Bắc Kinh công bố kế hoạch "điện hóa" toàn bộ số xe taxi của thành phố, chuyển hàng chục nghìn taxi thành ô tô điện để giảm phát thải.
Các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu đã hạn chế số lượng ô tô trên đường và bắt đầu triển khai đội xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra các chương trình trồng rừng và tái sinh rừng tích cực, như chiến dịch Bức tường xanh vĩ đại trồng hơn 35 tỷ cây xanh trên 12 tỉnh, thành. Với khoản đầu tư hơn 100 tỷ USD vào các chương trình như vậy, chi tiêu lâm nghiệp trên mỗi ha của Trung Quốc đã vượt Mỹ và châu Âu và cao gấp ba lần mức trung bình toàn cầu.
Các biện pháp mạnh tay đi kèm nỗ lực của Trung Quốc dần đem lại kết quả tích cực. Trong 5 năm từ 2013 đến 2017, hàm lượng PM 2.5 (vật chất dạng hạt trong khí quyển) đã giảm 35%.
Quyết tâm hơn trong tương lai
Trong một kế hoạch hành động được công bố vào tháng 12/2023, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát “một cách nghiêm ngặt và hợp lý” tổng lượng than sử dụng và hạn chế các dự án phát thải cao để cải thiện chất lượng không khí.
Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng xe điện để giảm phát thải carbon. Theo đó, đến năm 2025, ít nhất 80% khu vực dịch vụ trên cao tốc ở các vùng trọng điểm - bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải - sẽ có trạm sạc nhanh và ít nhất 60% ở các khu vực khác.
Chính phủ kêu gọi tăng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy lần lượt khoảng 10% và 12% vào năm 2025 so với năm 2020 để giảm thiểu vận tải đường bộ gây ô nhiễm cao hơn.
Cuộc sống tốt đẹp hơn
Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ này gần như ngang bằng với mức độ của London vào thời kỳ đỉnh cao của Cách mạng Công nghiệp năm 1890.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm sạch không khí nhanh gấp đôi so với Vương quốc Anh sau hiện tượng Đại sương mù London thời hậu chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 8.000 người.
Hu Songling, người dân sống ở quận Đại Hưng, Bắc Kinh, từng khổ sở sống trong bầu không khí đầy tro bụi do các lò đốt than sưởi ấm vào mùa đông thải ra. Nhưng giờ đây, theo anh chia sẻ, những vấn nạn ô nhiễm xung quanh đã không còn. "Trước đây, chúng tôi không dám mở cửa sổ vào mùa đông khi đốt than để sưởi ấm vì một lớp tro sẽ bám trên bệ cửa sổ. Nhưng điều đó không còn xảy ra nữa" , Hu Songling nói.
Báo cáo Chỉ số Chất lượng Cuộc sống Không khí hàng năm do Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện đã ca ngợi “thành công đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong việc chống ô nhiễm”.
Báo cáo chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc được dự báo kéo dài thêm 2,4 năm nếu chiến dịch bảo vệ môi trường tiếp tục được duy trì.
Gần 20 triệu người dân ở Bắc Kinh có thể sống lâu hơn 3,3 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân ở Thạch Gia Trang và Bảo Định thêm được lần lượt là 5,3 năm và 4,5 năm.
Khiến khu vực khác nóng lên?
Các chính sách làm sạch không khí của Trung Quốc đã giảm lượng khí thải gây ô nhiễm từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ qua, bao gồm cả các sol khí như carbon đen (muội than) và sunfat, vốn có liên quan đến bệnh phổi và các tình trạng khác.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng “việc giảm sol khí nhanh chóng ở Trung Quốc gây ra sự bất thường trong tuần hoàn khí quyển ngoài khu vực nguồn của nó, gây ra hiện tượng nóng lên đáng kể ở bề mặt trung bình” tại Đông Bắc Thái Bình Dương.
Sol khí là những hạt nhỏ hoặc giọt chất lỏng lơ lửng trong không khí có thể phát ra dưới dạng ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch và có thể chống lại tác động nóng lên của khí nhà kính.
Các sol khí có thể phản xạ bức xạ mặt trời trở lại không gian, ngăn chặn một phần năng lượng tiếp cận bề mặt Trái đất và tạo ra hiệu ứng làm mát. Sol khí cũng có thể làm tăng khả năng phản xạ bức xạ mặt trời của các đám mây.
Một số sol khí cũng hấp thụ ánh sáng mặt trời, làm mát tạm thời bề mặt (dù cuối cùng vẫn dẫn đến nóng lên). Do đó, việc giảm nhanh chóng lượng khí thải sol khí cũng dẫn đến giảm hiệu ứng làm mát mà sol khí cung cấp cho bề mặt Trái đất bằng cách phản xạ bức xạ mặt trời.
Nghiên cứu do Trung Quốc dẫn đầu đã sử dụng mô hình khí hậu để kiểm tra mức độ giảm sol khi dẫn đến sự thay đổi nhiệt độ cục bộ ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự nóng lên ở những nơi khác trên thế giới như thế nào.
"Trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2020, vùng biển Đông Bắc Thái Bình Dương đã ghi nhận nhiệt độ bề mặt nước biển nóng nhất từ trước đến nay, với một số đợt nóng lên cực đoan kéo dài trên diện rộng" , nhóm nghiên cứu, bao gồm các nhà nghiên cứu từ Mỹ và Đức, cho biết trong một bài báo được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Proceedings of the National Academy of Sciences (Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ).
Những hiện tượng nóng lên này ở Đông Bắc Thái Bình Dương được các nhà nghiên cứu gọi là “đốm ấm”, thường đi kèm thời tiết khắc nghiệt như hạn hán ở California (Mỹ) từ năm 2013 - 2016, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nông nghiệp.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sự nóng lên cục bộ ở vùng duyên hải châu Á làm tăng cường áp thấp Aleutian (vùng áp thấp ngoài khơi Alaska) và đẩy nó dịch chuyển về phía nam. Sự thay đổi bất thường trong lưu thông khí quyển này làm suy yếu gió bề mặt, hạn chế quá trình làm mát bay hơi ở Đông Bắc Thái Bình Dương, dẫn đến gia tăng nhiệt độ bề mặt biển.
Sự gia tăng phát thải sol khí trước đó của Trung Quốc có thể đã "làm chậm đáng kể quá trình nóng lên" của vùng biển này trong quá khứ.
Mặc dù việc giảm sol khí ở một khu vực có thể ảnh hưởng đến khu vực khác, nhưng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng không khí vẫn rất quan trọng do tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người từ khí dung do con người gây ra.
Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Zheng Xiaotong tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết việc phụ thuộc vào phát thải sol khí để làm chậm quá trình nóng lên của đại dương là "không bền vững" vì rủi ro tồi tệ hơn đến môi trường và xã hội.