Aja Dang là một người dẫn chương trình truyền hình đồng thời là blogger về phong cách sống với gần 500 nghìn người theo dõi trên YouTube.
Hiện tại đã có cuộc sống thoải mái về tài chính nhưng trước đây cô từng mắc khoản nợ hơn 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng), bao gồm khoản vay mua ô tô, khoản vay sinh viên để lấy được bằng đại học và sau đại học.
Tuy nhiên Aja Dang đã thành công trả hết nợ chỉ sau 2 năm với những chiến lược hữu dụng và không quá khó khăn.
Bắt đầu hành trình trả nợ bằng hóa đơn chăm sóc thú cưng
Những rắc rối bạn không thể quản lý tốt thì dường như nó sẽ không bao giờ kết thúc, bao gồm cả khía cạnh nợ nần. Lúc đó, chú chó của Aja Dang cần được phẫu thuật gấp nhưng cô lại không có tiền chi trả.
Khi ngồi trong phòng khám thú y, cô sâu sắc nhận ra một điều rằng mình phải nghiêm túc thanh toán khoản nợ của bản thân. Cô đã sống với nó quá lâu rồi, từ khi tốt nghiệp vào năm 2010 đến thời điểm ấy đã là đầu năm 2018.
"Tôi đang chịu trách nhiệm với một sinh vật khác là chú chó nhưng lại không có trách nhiệm với tiền bạc của bản thân, đã đến lúc tôi phải thay đổi", cô chia sẻ về suy nghĩ của mình tại phòng khám thú y khi ấy.
Sau đó bạn trai của Aja Dang đã giúp cô chi trả hóa đơn và chú chó được chữa trị tốt nhưng cô không bao giờ muốn tình huống như vậy lặp lại nữa. "Tôi không muốn phải đặt bản thân hoặc gia đình mình vào tình thế rủi ro một lần nữa", Aja Dang chia sẻ.
Và dưới đây là những cách để cô có thể để trả xong món nợ gần 200.000 USD trong 2 năm.
1. Phân tích tính cách của bản thân và chọn một chiến lược trả nợ có động lực
Aja Dang là người muốn đạt được sự hài lòng nhanh chóng, mong thấy kết quả từ những nỗ lực của bản thân sớm nhất có thể. Vì vậy cô tiếp cận các khoản nợ của mình từ món nợ nhỏ nhất đến lớn nhất.
Bắt đầu với số tiền nợ thẻ tín dụng không nhiều, cô đã trả hết nó trong một đêm. Chính thành tựu ban đầu ấy, tuy nhỏ bé nhưng giúp cô có động lực để trả các khoản nợ lớn hơn.
Chiến lược này được các chuyên gia đặt tên là “quả cầu tuyết”, là cách trả nợ phổ biến và hữu ích đối với những người như Aja Dang. Họ cần sự hài lòng ngay lập tức để tạo động lực cho bản thân trước những khó khăn lớn hơn.
Bên cạnh đó thì chiến lược “tuyết lở”, trả nợ bắt đầu từ món tiền có lãi suất cao nhất, cũng rất hiệu quả song Aja Dang hiểu nó sẽ không có tác dụng với cô. "Nếu làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ bỏ cuộc. Tôi hiểu bản thân mình mà”, blogger xinh đẹp này cho hay.
2. Lập kế hoạch chi tiêu nhưng vẫn cho phép bản thân tận hưởng cuộc sống
Hàng tháng Aja Dang lập ngân sách và theo dõi thu nhập cùng các chi phí để biết tiền của mình đang đi đâu. "Lập ngân sách thực sự là chìa khóa cho tất cả. Nếu không lập ngân sách, thậm chí tôi còn không biết mình đã mắc nợ bao nhiêu", Aja Dang chia sẻ.
Cô làm việc với vai trò một người sáng tạo nội dung, do đó thu nhập có thể dao động và không thể đoán trước chắc chắn. Chính điều đó làm cho số tiền trả nợ của cô cũng thay đổi giữa các tháng.
Dẫu phải trả nợ nhưng cô luôn đảm bảo ngân sách có phần dành cho những gì mình yêu thích chứ không chỉ là các nhu cầu thiết yếu. Aja Dang nói: "Đối với tôi, nếu phải bỏ đi tất cả thứ mình thích để thoát khỏi nợ nần, cuộc sống như vậy sẽ chẳng còn ý nghĩa".
Cô vẫn tận hưởng nhiều thứ bên ngoài danh mục thiết yếu nhưng luôn ý thức rằng các chi phí đó phải phù hợp với kế hoạch trả nợ. Chính điều đó giúp cô đạt được bước tiến đáng kể trên hành trình trả nợ mà không tự cảm thấy mình như một tù nhân trong món nợ của bản thân.
3. Tăng thu nhập
Aja Dang
Tăng thu nhập là một trong những cách hiệu quả nhất mà Aja Dang làm để đẩy nhanh tiến trình trả nợ. Thời gian đầu, thậm chí cô còn kiếm thêm tiền nhờ những công việc lặt vặt như dắt chó đi dạo thuê hay bán quần áo online.
Sau đó, khi kênh YouTube của cô trở nên nổi tiếng hơn, sự thành công của các vlog đã góp phần giúp cô tăng thu nhập và trả nợ nhanh hơn.
4. Tìm đến những người đồng điệu
Theo Aja Dang, việc tham gia vào một cộng đồng chung chí hướng là một trong những tài sản phi vật chất rất có lợi khi trả nợ.
Nợ nần có thể khiến bạn cảm thấy bị cô lập, nếu không có sự động viên, an ủi và cổ vũ từ những người khác, bạn rất dễ nản lòng thoái chí. Cô khuyên mọi người hãy tham gia một cộng đồng nào đó, có thể là những người bạn ngoài đời, một nhóm Facebook có chung mục tiêu hoặc giao lưu với người khác qua kênh YouTube để nhận được sự khích lệ cho bản thân.
Theo: Businessinsider