Từng lọt top quốc gia ô nhiễm khi tăng trưởng GDP cao như Việt Nam, Nhật Bản lập tức sửa chính sách quốc gia từ ưu tiên CÔNG NGHIỆP sang ưu tiên SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN

Bảo Bảo |

Thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nobufumi Miura đưa ra 5 đề xuất để Việt Nam có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện nhất. Đề xuất quan trọng đầu tiên ông Nobufumi đề cập là câu chuyện bảo vệ môi trường trong bối cảnh ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn Việt Nam đang ở mức nguy hại…

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF 2019), ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) - đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ưu tiên một số chương trình nghị sự để Việt Nam, một đất nước có tiềm năng phát triển, có thể tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư một cách toàn diện nhất.

Theo đó, JCCI đề xuất 5 nội dung, mà ông Nobufumi nhấn mạnh, "là các nội dung có tác động rất lớn đến kết quả của môi trường đầu tư ở Việt Nam". Nội dung quan trọng đầu tiên ông Nobufumi đề cập là vấn đề bảo vệ môi trường, khi ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn Việt Nam đang ở mức nguy hại.

Nhật Bản những năm 1960s: Top quốc gia ô nhiễm, Chính phủ mạnh tay sửa chính sách quốc gia từ ưu tiên CÔNG NGHIỆP sang ưu tiên SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN

Từng lọt top quốc gia ô nhiễm khi tăng trưởng GDP cao như Việt Nam, Nhật Bản lập tức sửa chính sách quốc gia từ ưu tiên CÔNG NGHIỆP sang ưu tiên SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN - Ảnh 1.

Bức ảnh AP chụp ngày 17/1/1967, các học sinh của Trường tiểu học Shiohama đeo khẩu trang để hạn chế hít phải khí có chứa axit sunfuric từ khu công nghiệp liền kề ở Yokkaichi, tỉnh Mie, miền trung Nhật Bản.

Chủ tịch JCCI chia sẻ, tính đến tháng 9/2019, thành phố Hà Nội đã cho thấy "Chỉ số chất lượng không khí" (AQI) ở mức nguy hại nhất, theo sau là TPHCM ở mức cao thứ ba. Ở khu vực đô thị, khí thải từ xe máy và ô tô gây ô nhiễm không khí, trong khi khu vực nông thôn lại phải chịu những hệ quả của tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

"Ước tính cho thấy thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra tại Việt Nam ở mức 5% GDP, đây là một vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng. Ô nhiễm nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng, với hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia", đại diện doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ quan ngại.

Ông Nobufumi gợi ý Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, điển hình là tình trạng được gọi là "Các đảo bị ô nhiễm".

- Bối cảnh

Từ những năm 1960 đến những năm 1970, ô nhiễm môi trường là một vấn đề nghiêm trọng ở Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đề cập rằng "Trong những năm 1960, Nhật Bản là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất".

Từng lọt top quốc gia ô nhiễm khi tăng trưởng GDP cao như Việt Nam, Nhật Bản lập tức sửa chính sách quốc gia từ ưu tiên CÔNG NGHIỆP sang ưu tiên SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN - Ảnh 2.

Bức ảnh AP chụp tháng 2/1970, khói dày đặc từ khu công nghiệp bao trùm khu vực ở Amagasaki, tỉnh Hyogo, phía tây Nhật Bản.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến nỗi đã làm xuất hiện nhiều mối nguy hại về sức khỏe trên phạm vi quốc gia , ví dụ như bệnh hen suyễn. Vào năm 1973, khoảng 46% các thành phố đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường về ô nhiễm không khí. Tại thời điểm đó, Nhật Bản đang tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là xấp xỉ 8%, giống như Việt Nam hiện nay. Đây là kết quả của việc ưu tiên phát triển kinh tế quá mức mà không xem xét tới các biện pháp đối phó với những tác động đến môi trường.

- Hành động của Chính phủ Nhật

Mặc dù Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định rõ, nhưng cần lưu ý rằng rất khó để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường

Khi ô nhiễm (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, sụt lún đất, mùi khó chịu, v.v.) trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm, chính phủ Nhật Bản đã hạn chế phản ứng dữ dội của kinh tế thế giới bằng cách sửa đổi "Đạo luật kiểm soát ô nhiễm môi trường" vào năm 1970.

Cho đến khi đó, chính phủ mới miễn cưỡng áp dụng những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt vì những tác động bất lợi có thể gây ra cho nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã loại bỏ điều khoản về "Sự hài hoà giữa kiểm soát ô nhiễm và phát triển kinh tế" ra khỏi luật này và đã sửa đổi chính sách quốc gia từ ưu tiên CÔNG NGHIỆP sang ưu tiên về SỨC KHỎE của người dân Nhật Bản.

Luật này đã dẫn đến việc thiết lập các hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ môi trường và các cơ quan chuyên ngành, được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua những ưu đãi về thuế và các khoản vay với lãi suất thấp.

- Kết quả: Ô nhiễm đã giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn. Tính đến năm 1982, 99% thành phố đã không còn thuộc ngưỡng tiêu chuẩn ô nhiễm không khí.

Từng lọt top quốc gia ô nhiễm khi tăng trưởng GDP cao như Việt Nam, Nhật Bản lập tức sửa chính sách quốc gia từ ưu tiên CÔNG NGHIỆP sang ưu tiên SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN - Ảnh 4.

Theo Japan Times, lượng phát thải bụi (PM) ở Tokyo đã giảm từ 6,25 tấn năm 2000 xuống còn 2,24 tấn trong năm 2010, trong khi lượng phát thải PM từ xe cơ giới trong cấu phần phát thải đã giảm từ 52% xuống còn 7%. Ảnh: Getty Image.

Doanh nghiệp Nhật đề xuất nhiều nội dung về bảo vệ môi trường với Việt Nam

Theo JCCI, chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết bảo vệ môi trường thông qua nhiều chính sách khác nhau, ví dụ như Luật Bảo vệ Môi trường (Luật 55/2014/QH13). JCCI cho rằng để tiếp tục cải thiện môi trường hiện đang bị hủy hoại do tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, việc đặt ra các quy định rõ ràng như "ưu tiên sức khỏe hơn là phát triển công nghiệp" (mặc dù "Luật Bảo vệ Môi trường" quy định "bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế" là một trong những nguyên tắc bảo vệ môi trường (Khoản 2, Điều 4 của Luật này) là vô cùng cần thiết, nhưng cần lưu ý rằng rất khó để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường). Cần thực hiện và tăng cường các quy định một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả, cũng như thúc đẩy việc thực hiện các công nghệ bảo vệ môi trường mới nhất để đáp ứng các quy định đó.

Phía JCCI cũng khuyến nghị việc xây dựng các điều luật và quy định về thiết kế tòa nhà, vật liệu xây dựng, phương pháp thông gió và tiêu chuẩn đánh giá quốc gia, cải thiện chất lượng không khí trong các không gian kín như nhà ở, trường học và văn phòng nơi mọi người dành hầu hết thời gian trong ngày để sống và làm việc.

"Cải thiện Chất lượng Không khí Trong nhà (IAQ) sẽ giúp con người giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe. Mặc dù Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho VACEE (Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam) xây dựng tiêu chuẩn, chúng tôi vẫn đề nghị cần phải đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực này. Ngoài ra, chúng tôi tin rằng quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn là cần thiết để nhanh chóng cải thiện chất lượng không khí", JCCI cho biết.

"Nhiều người đã lo ngại rằng các quy định có thể cản trở quá trình tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu vấn đề về môi trường còn tồn tại như hiện nay, những tác động bất lợi sẽ ngày càng trở nên rõ ràng, ví dụ như các công ty nước ngoài rất e dè khi tiến hành các dự án đầu tư mới".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại