Từng là vựa rau củ của châu Âu, Tây Ban Nha đối mặt nguy cơ sa mạc hóa

Ban Thời sự/VTV |

Hạn hán cùng với tình trạng khai thác quá mức đất nông nghiệp đang khiến quốc gia này đối mặt với nguy cơ đất cằn và sa mạc hóa.

Theo Liên hợp quốc, có đến 75% diện tích đất của Tây Ban Nha có nguy cơ bị sa mạc hóa. Điều này đang khiến Tây Ban Nha có thể trở thành quốc gia châu Âu bị đe dọa nhiều nhất bởi tình trạng này.

Thành phố Almeria, miền Nam Tây Ban Nha từng được mệnh danh là vựa rau củ của châu Âu. Với 40.000 ha nhà kính, mỗi năm Almeria sản xuất hàng nghìn tấn cà chua, ớt, bí xanh và dưa chuột. Nhưng mọi thứ giờ đã thay đổi. Hiện tượng nóng lên toàn cầu cùng với hoạt động của con người, đặc biệt là phương thức sản xuất thâm canh, đang là nguyên nhân khiến nguy cơ sa mạc hóa ngày càng tăng, giống như tại Almeria.

Ông Gabriel Del Barri - Trung tâm nghiên cứu các vùng khô hạn Tây Ban Nha: "Rừng bị chặt phá hoàn toàn, đất thì bị xói mòn, giờ nó đã ở cách xa hàng chục km, bị cuốn đi bởi các con sông và dòng suối, và những gì còn lại chỉ là một khung cảnh sa mạc hóa nghiêm trọng, không có sự sống".

Từng là vựa rau củ của châu Âu, Tây Ban Nha đối mặt nguy cơ sa mạc hóa - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện của riêng Almeria. Theo thống kê, có đến 75% đất đai ở Tây Ban Nha đang đối mặt các điều kiện khí hậu có thể dẫn tới sa mạc hóa. Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu các vùng khô hạn cho thấy, tình trạng suy thoái đất đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua tại Tây Ban Nha.

Không đầu hàng số phận, nhiều nông dân đã quyết định hành động. Ông Antonia Merlos, sở hữu 1 trang trại trồng hạnh nhân rộng 100 ha tại Andalusia.

Ông cùng nhiều nông dân trong vùng đã quyết định ứng dụng phương thức canh tác mới như: sử dụng phân chuồng thay vì phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế cày xới để bảo vệ đất, che phủ đất để giữ độ ẩm nhằm đảm bảo trồng trọt hiệu quả mà không làm xói mòn đất.

Ông Antonia Merlos - Chủ trang trại hạnh nhân: "Chúng tôi sẽ cố gắng để phục hồi tất cả, tuy nhiên mọi việc sẽ diễn ra rất chậm - bởi hóa chất luôn ngấm nhanh hơn. Điều kiện khí hậu thời tiết đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, và nếu chúng ta không kiểm soát được khí hậu, thì điều chúng ta nên làm là phải giữ cho đất không cằn cỗi càng lâu càng tốt".

Hành động bảo vệ đất và cũng là bảo vệ chính mình trước nguy cơ sa mạc hóa, đó là những gì ông Antonia Merlos và những người bạn của ông đang làm trên vùng đất cằn cỗi này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại