Từng là nơi không ai muốn sống, nay trở thành vùng đất thu hút hàng loạt Big Tech hàng đầu, nắm trong tay "vận mệnh" nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu

Khánh Linh |

Từ một nơi không ai muốn sống, sau hơn một thập kỷ, nơi đây đã vươn tầm trở thành 'Thung lũng Silicon' của châu Á và là nhà của khoảng 500 công ty công nghệ nổi tiếng.

Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science Park - HSP) là "thủ phủ" công nghiệp bán dẫn hàng đầu của Đài Loan, công nghiệp chip thậm chí còn được ghi nhận là chìa khóa để kinh tế Đài Loan vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore trong dịch Covid-19.

Công viên Khoa học Hsinchu rộng 1.400 ha - nơi vừa được mệnh danh là ‘miền đất hứa’ đối với kinh tế toàn cầu, vừa là ‘nhà’ của khoảng 500 công ty công nghệ tên tuổi. Nhà sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Tập đoàn United Microelectronics (UMC), MediaTek… là một trong số đó.

Hầu hết công ty tại đây như TSMC hay UMC đều đang là đối tác lớn của Apple, Nvidia và Qualcomm. Nơi đây cũng có hãng chip MediaTek nổi tiếng. Các khu vực khác trên toàn cầu cũng đang bắt chước sự thành công mà Đài Loan đã tạo dựng ở HSP.

Trong suốt nhiều năm qua, Công viên Khoa học Hsinchu đã trở thành "nhà" của hàng loạt hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới với tầm ảnh hưởng có thể làm rung động nền kinh tế toàn cầu. Việc ngày càng nhiều công nghệ cần sử dụng chip điện tử khiến tầm quan trọng của nơi đây thêm lan rộng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung.

Từng là nơi không ai muốn sống, nay trở thành vùng đất thu hút hàng loạt Big Tech hàng đầu, nắm trong tay "vận mệnh" nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu- Ảnh 1.

Công viên Hsinchu đã trở thành "nhà" của hàng loạt hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới với tầm ảnh hưởng có thể làm rung động nền kinh tế toàn cầu.

Phần còn lại của thế giới đang cố gắng học tập theo thành công của Đài Loan. Ngay cả các nước từng là cường quốc về bán dẫn chip một thời như Mỹ hay Nhật Bản hiện cũng đang đầu tư hàng tỷ USD trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip trong nước.

Công viên Khoa học Hsinchu hiện chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Đài Loan. Các công ty mạch tích hợp ghi nhận doanh thu 363 tỷ USD vào năm 2022, trong đó hơn 75% đến từ hơn 500 công ty thuộc Hsinchu. (Để so sánh, tổng GDP của Đài Loan vào năm 2022 là khoảng 720 tỷ USD).. Tuy nhiên, phải mất đến hàng chục năm Hsinchu mới có được vị thế như lúc này.

Từng là nơi không ai muốn sống

Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khu vực nơi Công viên Khoa học Hsinchu chủ yếu là vùng nông thôn và kế sinh nhai của họ chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp.

Trước đây, Hsinchu không sầm uất được như bây giờ. Thậm chí nơi này được gọi là "monga-bo", hay nghĩa địa trong tiếng lóng ở Đài Loan.

"Nếu nhìn lại 20 năm trước, nơi đây không có trung tâm mua sắm, không có rạp chiếu phim. Chẳng có gì ở đó cả", Lucy Chen, Phó chủ tịch tiếp thị của công ty tư vấn Isaiah Research cho biết.

Khi đó, Đài Loan nhận thấy rằng cần thành lập một khu chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển cho ngành công nghệ với ba mục tiêu chính: phục hồi tăng trưởng kinh tế, thiết lập cơ sở công nghệ cao bản địa và làm chậm lại vấn đề chảy máu chất xám đang diễn ra khá nghiêm trọng.

Từng là nơi không ai muốn sống, nay trở thành vùng đất thu hút hàng loạt Big Tech hàng đầu, nắm trong tay "vận mệnh" nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu- Ảnh 3.

Một góc công viên khoa học Hsinchu

Công viên Khoa học Tân Trúc ban đầu được định hướng là trung tâm sản xuất máy tính cá nhân.

Những chính sách ưu đãi về thuế và đất đai tại đây nhanh chóng thu hút các công ty thành lập trụ sở. Bên cạnh đó, Đài Loan đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, thu hút nhân tài đã được thực hiện để hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, sau một thập kỷ, nơi đây chuyển mình trở thành vùng đất hoàn toàn khác: nơi sản xuất bán dẫn cao cấp. Tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao, thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới và tạo ra một hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển sôi động. Ngoài ra, công viên đã mở rộng ra nhiều địa điểm, bao gồm Thành phố và Huyện Hsinchu, Zhunan, Longtan, Tongluo, Yilan, và Zhubei.

“Khu công nghiệp chính là nỗ lực của Đài Loan nhằm xây dựng một ngành công nghiệp chủ đạo, đồng thời đào tạo lực lượng lao động, ươm mầm các công ty chủ chốt mới nổi”, Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất thế giới, cho biết. “Đó là sự kết hợp thực sự thú vị và thành công giữa các chương trình giáo dục và đào tạo, nơi các công ty có thể dễ dàng thành lập và tìm kiếm đối tác, công nhân lành nghề”.

Theo tờ Guardian, nếu không có chất bán dẫn, nền kinh tế toàn cầu sẽ ngừng vận hành. Trên thực tế, các nhà máy đặt tại Đài Loan chịu trách nhiệm sản xuất 80-90% chip máy tính tiên tiến nhất thế giới. Đây là những con chip mà hiện tại vẫn không có sản phẩm nào có thể thay thế.

Ngành công nghiệp chất bán dẫn có giá trị hơn 580 tỷ USD, nhưng ngay cả con số đó cũng chưa thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Điểm chung của những doanh nghiệp này phần lớn đều có trụ sở tại Công viên Hsinchu. Do đó, không thể phủ nhận một điều, đặc khu này đang là "trái tim" của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

Những nơi khác đang cố gắng tạo các khu vực bán dẫn tương tự như Mỹ, Nhật Bản. Dù vậy, HSP vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp chip Đài Loan và của thế giới. "Thành công tạo nên thành công", Miller nói. "Hệ sinh thái càng lớn, càng sâu, các công ty càng dễ thành công".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại