Từng là hình mẫu chống Covid-19, vì sao châu Á–Thái Bình Dương trượt ngã trước vạch đích?

CTV Mai Trang |

Trong khi cuộc sống ở Mỹ đang dần trở lại trạng thái bình thường, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia vẫn đang đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng và tình trạng phong tỏa.

Chủ quan trong chiến dịch tiêm chủng

Trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia từng thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 hiện đang mòn mỏi trong cuộc chạy đua ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Tại Mỹ, quốc gia từng đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, các sân vận động chật kín những người hâm mộ đã được tiêm vaccine, người dân đặt khách sạn cho kỳ nghỉ và các chuyến bay đang hết vé. Trong khi đó, những nước ở khu vực châu Á, từng là hình mẫu chống Covid-19, đang chứng kiến số ca mắc bệnh tăng cao và vẫn phải áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt.

Từng là hình mẫu chống Covid-19, vì sao châu Á–Thái Bình Dương trượt ngã trước vạch đích? - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 đang dần lùi xa khỏi cuộc sống hàng ngày của nhiều người Mỹ. Ảnh: AP

Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đã ra lệnh đóng cửa một khu vực ở trung tâm thành phố do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ. Đài Loan, Thái Lan và Australia cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sau các đợt bùng phát dịch bệnh gần đây. Nhật Bản đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 4 và có nguy cơ chứng kiến số ca mắc bệnh tăng cao do sắp diễn ra Thế vận hội Olympic.

Theo NY Times, tình hình dịch bệnh khác biệt giữa các quốc gia thường là do tình trạng thiếu vaccine Covid-19 .

Từ Trung Quốc đến New Zealand, hàng trăm triệu người vẫn chưa được tiêm vaccine Covid-19. Ở một số nơi như Đài Loan và Thái Lan, chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp. Trong những tuần gần đây, những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã bắt đầu tăng tốc trong chiến dịch tiêm chủng nhưng vẫn không cung cấp vaccine cho bất kỳ người nào có nhu cầu.

Trên khắp châu Á, việc triển khai vaccine đang bị đình trệ trong bối cảnh xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2, có thể khiến lệnh phong tỏa kéo dài, gây thiệt hại cho các nền kinh tế.

Bắt đầu từ mùa xuân năm 2020, Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu đã đặt cược vào vaccine Covid-19 khi đẩy nhanh quá trình phê duyệt và chi hàng tỷ USD để đảm bảo có những lô vaccine đầu tiên. Tại Mỹ, vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, hàng nghìn người đã tử vong mỗi ngày do việc xử lý dịch bệnh không kịp thời của quốc gia này.

Tuy nhiên, ở những nước như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức tương đối thấp khi áp dụng các hạn chế về biên giới, tăng cường xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Với tình hình dịch bệnh phần lớn đã được kiểm soát và khả năng phát triển vaccine trong nước còn hạn chế, việc đặt hàng số lượng lớn vaccine là vấn đề không cấp bách ở những quốc gia này.

“Công chúng tại những nước này nhận thấy mối đe dọa của đại dịch Covid-19 là thấp. Để kết thúc đại dịch, cần có cả chiến lược phòng thủ và tấn công. Chiến lược tấn công chính là vaccine”, Tiến sĩ C. Jason Wang, Phó Giáo sư tại Trường Y Stanford cho biết.

Theo NY Times, việc triển khai vaccine ở một số nước châu Á chậm là do sự tự mãn và thiếu nguồn cung cũng như tâm lý lo ngại hiệu quả của vaccine.

Đầu năm 2021, nhiều công ty và quốc gia đã tạm dừng xuất khẩu vaccine. Vào tháng 3, Italy đã chặn xuất khẩu 250.000 liều vaccine AstraZeneca sang Australia để ưu tiên kiểm soát dịch bệnh đang hoành hành trong nước. Việc vận chuyển các lô vaccine khác cũng bị trì hoãn do các vấn đề sản xuất.

“Thực tế là những nơi sản xuất vaccine giữ chúng cho riêng họ”, Giáo sư Peter Collignon, chuyên gia vi sinh vật học của Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia, người từng làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới, nói.

Trước thực tế này và việc xuất hiện những biến chứng hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca như đông máu, nhiều chính trị gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng không cần phải vội vàng trong việc tiêm chủng.

Kết quả là hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có khoảng cách lớn trong chiến dịch tiêm chủng so với Mỹ và châu Âu.

Những nỗ lực muộn màng

Ở châu Á, khoảng 20% ​​người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, chẳng hạn ở Nhật Bản là 14%. Trong khi đó, con số này là gần 45% ở Pháp, hơn 50% ở Mỹ và hơn 60% ở Anh.

Nhu cầu tiêm vaccine ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine bắt đầu giảm bớt.

Trung Quốc đã cung cấp 22 triệu liều vaccine vào ngày 2/6, một kỷ lục đối với nước này.

Nhật Bản cũng đã tăng cường nỗ lực tiêm chủng, nới lỏng các quy định chỉ cho phép một số nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Các nhà chức trách Nhật Bản đã mở thêm các trung tâm tiêm chủng lớn ở Tokyo và Osaka và mở rộng các chương trình tiêm chủng đến các cơ sở làm việc và trường cao đẳng. Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, cho đến tháng 11, tất cả người trưởng thành tại Nhật bản sẽ được tiêm vaccine.

Từng là hình mẫu chống Covid-19, vì sao châu Á–Thái Bình Dương trượt ngã trước vạch đích? - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tại Đài Loan, nỗ lực tiêm chủng gần đây đã được thúc đẩy mạnh mẽ, với việc chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho vùng lãnh thổ này khoảng 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn chưa có đủ số vaccine để tiêm phòng cho khoảng 23,5 triệu dân.

Khi chiến dịch tiêm chủng ở châu Á được tiến hành chậm chạp, các biện pháp hạn chế ở biên giới chắc chắn sẽ diễn ra. Australia cho biết họ sẽ đóng cửa biên giới trong 1 năm nữa. Nhật Bản hiện đang cấm hầu hết những người không phải người dân cư trú nhập cảnh vào đất nước này. Đồng thời, việc giám sát chặt chẽ lượng khách nước ngoài đến từ Trung Quốc đã khiến các công ty đa quốc gia thiếu nhân viên chủ chốt.

Phản ứng của Trung Quốc đối với đợt bùng phát dịch ở Quảng Châu là tiến hành xét nghiệm hàng triệu người dân trong một ngày, đóng cửa toàn bộ khu vực lân cận, giống như cách nước này xử lý các đợt bùng phát trước đó. Người dân Trung Quốc hy vọng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh này sẽ không thay đổi, đặc biệt khi biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng.

Những người từ chối tiêm chủng ở Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng với việc phải tiêm vaccine trước khi lượng vaccine có sẵn hết hạn sử dụng.

Indonesia đã đưa ra mức phạt 450 USD đối với những người từ chối tiêm vaccine. Tại Hong Kong (Trung Quốc), các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đang đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích người dân tiêm chủng để giảm bớt sự do dự về vaccine./.

*Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại