Tung "Gọng kìm Móng vuốt" để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

"Gọng kìm móng vuốt" là một trong nhiều chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động nhằm vào phong trào PKK và lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq trong vòng 2 năm qua.

Đêm 17 rạng sáng ngày 18/4/2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một chiến dịch quân sự mang tên "Gọng kìm Móng vuốt - Claw-Lock" vào miền Bắc Iraq với sự tham gia của các binh chủng bộ binh, không quân và các đơn vị đặc nhiệm.

Các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một loạt cuộc không kích vào các căn cứ của đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở miền bắc Iraq, dọn đường cho xe tăng và các đơn vị đặc nhiệm vượt biên, tiến hành các cuộc đột kích ở các khu vực Metina, Zap và Avashin-Basyan.

Theo Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ, mục tiêu của chiến dịch là dọn sạch một khu vực 375 km dọc theo biên giới với Iraq và sâu trong lãnh thổ Iraq 40 km. Ankara cho rằng, PKK là một tổ chức khủng bố cần phải tiêu diệt để đảm bảo cho an ninh biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 1.

"Gọng kìm móng vuốt" là một trong nhiều chiến dịch mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động nhằm vào phong trào PKK và lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq trong vòng 2 năm qua.

PKK và người Kurd là ai? Họ sống ở đâu? Đâu là lý do cho những cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa họ và chính quyền của các quốc gia mà họ đang sinh sống?

Người Kurd, một dân tộc không có tổ quốc

Người Kurd là một dân tộc không có quốc gia. Do người Kurd sống rải rác tại nhiều nước, nên đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức, nhưng dân số người Kurd dao động trong khoảng 25 đến 35 triệu người.

Họ sinh sống trên một vùng lãnh thổ diện tích khoảng nửa triệu km2, chủ yếu ở Thổ Nhĩ Kỳ (20 triệu, chiếm khoảng 20% dân số) Iran (6 triệu, chiếm khoảng 10%, Iraq (6 triệu, chiếm 15%) và Syria (2 triệu, chiếm 15%).

Ngoài 4 quốc gia này, một số lượng lớn người Kurd sống ở Azerbaijan, Armenia, Lebanon và một số nước châu Âu. Họ là một dân tộc gốc Ấn-Âu, hậu duệ của các bộ lạc Median sinh sống ở Ba Tư cổ đại và thành lập một đế chế vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.

Người Kurd phần lớn theo đạo Hồi dòng Sunni. Các nhóm không theo đạo Hồi chủ yếu là các đảng phái chính trị thế tục.

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 2.

Sau khi đế chế Ottoman sụp đổ cuối Thế chiến thứ nhất, giấc mơ của người Kurd có một tổ quốc của riêng mình của sắp trở thành hiện thực. Hiệp ước Sevres, được ký năm 1920, quy định quyền tự quyết của người Kurd và hình thành một nhà nước đặc biệt ở phía đông Anatolia và Mosul.

Nhưng giấc mơ này đã tan thành mây khói sau chiến thắng của Mustafa Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nước đồng minh buộc phải rút lui khỏi Hiệp ước Sèvres và thay thế bằng Hiệp ước "Lausanne" ký năm 1923 đặt người Kurd dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, thêm Anh và Pháp là các quốc gia ủy trị của Iraq và Syria.

Đảng Công nhân Kurdistan là ai?

Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) là một tổ chức chính trị cánh tả mang tư tưởng Marxist - Leninist được Abdullah Öcalan đứng ra thành lập ngày 27/11/1978.

Abdullah Öcalan sinh ngày 4/4/1949. Ông tốt nghiệp khoa Chính trị thuộc Đại học Ankara, là nhà hoạt động chính trị, nhà văn. Thời sinh viên, ông và một nhóm sinh viên sớm giác ngộ tư tưởng cộng sản đã tập hợp thành lập một tổ chức chính trị lấy tên là đảng Công nhân Kurdistan.

Mục tiêu của đảng là phấn đấu thành lập một quốc gia độc lập cho người Kurd. Tư tưởng ban đầu của PKK là kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội cách mạng với chủ nghĩa quốc gia Kurdistan, đấu tranh cho một quốc gia Marxist - Leninist độc lập ở vùng Kurdistan.

PKK chủ trương dùng bạo lực chống lại chính quyền Ankara để đạt được các mục tiêu của mình, giành quyền tự trị cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1984, PKK bắt đầu các hoạt động quân sự thực sự chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Abdullah Öcalan đã giương cao ngọn cờ của cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, các cuộc nổi dậy đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp.

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 3.

Ông Abdullah Öcalan

Phần lớn các nhà lãnh đạo PKK đã bị bắt. Abdullah Öcalan và những người còn lại đã phải chạy sang sống lưu vong ở các nước láng giềng, chủ yếu là Sirya và Iraq.

Đảng mà ông đứng đầu, đặt mục tiêu là liên bang hóa Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra quyền tự chủ. Ocalan phủ nhận rằng ông lãnh đạo công việc ly khai nhằm mục đích phá hoại đất nước. Đảng cũng đã có một chương trình xã hội.

Trước đây, PKK ở vị trí của chủ nghĩa Mác. Sau đó, Ocalan đã sửa đổi quan điểm của mình về các ý tưởng cộng sản. Ông tin chắc rằng công bằng xã hội không thể đạt được bằng các phương pháp toàn trị. Về bản chất, PKK gần với quan điểm của mình đối với các đảng dân chủ xã hội trung tả.

Chính phủ Syria đã cho phép Öcalan sống và hoạt động trên lãnh thổ của mình. Từ 1980 đến 1998, ông đã sống ở Damascus. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Hafez Al-Assad, cuối cùng dưới áp lực từ Ankara đã yêu cầu Abdullah Öcalan rời khỏi Syria. Abdullah Öcalan đã đến Nga.

Ngày 4/11/1998, Duma Quốc gia Nga với đa số phiếu đã quyết định đề nghị Tổng thống Boris Yeltsin cung cấp quy chế tị nạn chính trị cho nhà lãnh đạo đảng Công nhân Kurdistan. Trong khi chờ đợi trả lời, Öcalan đã chuyển đến Roma và xin tị nạn ở Italia. Tuy nhiên, do quá nhiều thủ tục phức tạp, ông đã rời châu Âu chuyển đến Hy Lạp và sau đó đến Kenya.

Tại Nairobi, năm 1999, với sự hỗ trợ của Mỹ, Öcalan bị Cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) bắt giữ và đưa về Thổ Nhĩ Kỳ. Tại một phiên toà ở Ankara ông bị kết án tử hình về tội thành lập các tổ chức vũ trang chống chính phủ. Khi Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ án tử hình, ông Öcalan đã được giảm án xuống tù chung thân. Hiện nay, ông đang thụ án tại nhà tù İmralı ở Biển Marmara.

Kể từ khi bị bắt và ở tù năm 1999, Öcalan từ bỏ thức hệ Marxist - Leninist và chủ nghĩa Stalinist, nhưng vẫn đi theo phe xã hội chủ nghĩa và cánh tả gọi là "Liên minh Dân chủ", ảnh hưởng nhiều bởi triết lý chủ nghĩa Xã hội Tự do cánh tả của các nhà lý luận phương Tây như Murray Bookchin, Immanuel Wallerstein và Hannah Arendt.

Tháng 5/2007, các thành viên cũ của đảng PKK đã thành lập Nhóm các cộng đồng người Kurd ở Kurdistan (KCK), một tổ chức bao gồm người Kurd sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, và Syria.

Năm 2013, PKK tuyên bố một thỏa hiệp ngưng chiến và bắt đầu rút những chiến binh của họ sang vùng Kurdistan ở Iraq như là một phần của quá trình giải pháp giữa chính quyền Ankara và dân tộc thiểu số người Kurd. Tháng 7/2015, PKK tuyên bố chấm dứt ngưng chiến, nối lại các hoạt động quân sự do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không giữ những lời hứa của mình trong việc đảm bảo các quyền của người Kurd.

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 4.

Tháng 3/2016, trong một tuyên bố chung với 9 tổ chức khác của người Kurd, PKK nêu rõ mục đích của họ là đạt được dân chủ và tương lai tự do cho các dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc, tư bản, chủ nghĩa sô vanh, phát xít và kỳ thị chủng tộc, bằng một cuộc cách mạng lật đổ "chính phủ phát xít cầm quyền" ở Ankara.

Kể từ giữa những năm 1980, PKK đã có một đội quân du kích lên tới hàng nghìn người được đặt tên là Quân đội Giải phóng Nhân dân Kurdistan (ARGK) nằm trong và Mặt trận Giải phóng Quốc gia Kurdistan (ERNK).

Trước đây, các chiến binh PKK thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công vào các đội tuần tra quân sự và thậm chí bắn hạ trực thăng của không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong 5-7 năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một loạt chiến dịch quân sự nhằm vào các nhóm vũ trang của PKK, buộc họ phải rút sang các nước láng giềng. Do bị suy yếu nhiều họ buộc phải hạn chế tấn công vào các vùng lãnh thổ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước thành viên NATO, Mỹ và EU đưa PKK vào danh sách khủng bố. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác như Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Ai Cập... không coi PKK là một tổ chức khủng bố.

Ngươi Kurd tham gia tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố

Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd (YPG) ở Syria là một trong những lực lượng chính kể từ mùa hè năm 2014 trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Đầu 2015, lực lượng người Kurd, với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế đã thành công trong việc đánh đuổi các lực lượng của IS khỏi Kobani, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 5.

Lực lượng người Kurd là trụ cột của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), được thành lập vào tháng 10/2015 có 25.000 chiến binh người Kurd và 5.000 chiến binh Ả Rập. Các lực lượng này nhận được sự hỗ trợ từ Washington.

SDF đã thành công trong việc đánh bật IS khỏi Raqqa thuộc miền Đông Syria và sau đó giành quyền kiểm soát thành trì của nó ở Baghouz vào tháng 3/2019. Tại Iraq, lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd ở miền Bắc là đồng minh chủ chốt trong cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố và tham gia tích cực vào chiến dịch giải phóng Mosul năm 2017.

Nguyện vọng độc lập của người Kurd không được quan tâm

Nguyện vọng độc lập và thành lập một quốc gia thống nhất tại Kurdistan của người Kurd luôn luôn xung đột với các chính quyền trung ương của 4 quốc gia mà họ sinh sống vốn coi đây là mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ của họ.

Tại Syria, người Kurd bị gạt ra ngoài lề và bị ngược đãi. Khi xung đột giữa chế độ Bashar Al-Assad và phe đối lập nổ ra năm 2011, người Kurd đứng trung lập. Năm 2016, họ tuyên bố thành lập một khu tự trị ở phía bắc Syria, gây ra sự thù địch của các lực lượng đối lập và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2015, cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chính phủ và PKK lại bùng nổ trở lại, làm tiêu tan hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng làm thiệt mạng hơn 40.000 người kể từ năm 1984.

Kể từ 2016 đến 2019, Ankara đã phát động 3 chiến dịch quân sự lớn chống lại lực lượng người Kurd ở Đông-Bắc Syria nhằm đánh đuổi các chiến binh YPG và DPF của người Kurd khỏi các khu vực giáp biên giới của mình.

Tại Iraq, người Kurd bị chế độ Saddam Hussein đàn áp, lợi dụng tình hình khó khăn của Iraq sau khi rút khỏi Kuwait, năm 1991 đã nổi dậy chống lại chính quyền trung ương và chính thức thiết lập một khu tự trị ở miền Bắc.

Năm 2005, theo hiến pháp mới của Iraq, chính phủ tự trị Kurdistan đã được chính thức thành lập.

Tại Iran, các cuộc đụng độ thường xuyên diễn ra giữa lực lượng an ninh và phong trào nổi dậy của đảng Cuộc sống Tự do Kurdistan (PJAK), một tổ chức có hậu cứ ở Iraq. Sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, người Kurd nổi dạy đã bị chính quyền đàn áp khốc liệt.

Người Kurd có rất nhiều phong trào và phe phái khác nhau. Những phong trào này, đôi khi hoạt động xuyên biên giới, không đoàn kết, đặc biệt dựa vào liên minh với các nước láng giềng để chống lại chế độ của quoics gia mà họ sinh sống.

Ở Iraq, hai phe người Kurd nổi bật nhất, Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK) và đảng Dân chủ Kurdistan (PDK) đã xung đột vũ trang với nhau từ 1994 đến 1998 trước khi hòa giải vào năm 2003. Cuộc giao tranh giữa các phe phái người Kurd đã làm hơn 3.000 người thiệt mạng.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền Iraq

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố, thực hiện chiến dịch quân sự này, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Mục đích của chiến dịch là vô hiệu hóa các phần tử khủng bố đe doạ tới an ninh của Thỏi Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chính phủ Iraq đã lên án Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành chiến dịch quân sự vào lãnh thổ Iraq mà không có sự phối hợp với Baghdad.

Tổng thống Iraq Bahram Salih bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra bên trong biên giới Iraq ở vùng Kurdistan, coi đây là "sự vi phạm chủ quyền và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Iraq."

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 7.

Các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra bên trong biên giới Iraq ở vùng Kurdistan, bị coi là "sự vi phạm chủ quyền và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Iraq".

Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Ali Reza Konay trao công hàm phản đối mạnh mẽ, kêu gọi chấm dứt ngay những hành động khiêu khích và vi phạm không thể chấp nhận được, đồng thời nêu rõ Iraq có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết và thích hợp theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế liên quan đến các hành động thù địch và đơn phương như vậy.

Bộ Ngoại giao Iraq nêu rõ sự hiện diện của các phần tử PKK ở miền bắc Iraq là kết quả của một thỏa thuận giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK. Iraq bác bỏ và phản đối việc xuất khẩu các vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ sang lãnh thổ Iraq.

Tung Gọng kìm Móng vuốt để dọn sạch biên giới Iraq: Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là gì? - Ảnh 8.

Iraq coi hành động này là vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, vi phạm luật pháp quốc tế và các nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia, đồng thời cũng vi phạm nguyên tắc láng giềng tốt.

Người Kurd không sống mãi như những người di cư trên mảnh đất của tổ tiên họ. Cuộc đấu tranh của người Kurd đã kéo dài hành thế kỷ để thành lập một quốc gia riêng của họ đến nay vấn đề này vẫn không được giải quyết. Trong những năm gần đây, vấn đề người Kurd trở nên một trong những cuộc xung đột gay gắt nhất ở Trung Đông và là một trong những nhân tố chính gây bất ổn tại khu vực.

Trong những năm qua, việc Thổ Nhĩ Kỳ dùng sức mạnh quân sự để đè bẹp các phong trào của người Kurd đã không mang lại kết quả. Giải quyết cuộc xung đột này không thể bằng các chiến dịch quân sự chống lại người Kurd trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố mà phải bằng các biện pháp chính trị trên cơ sở xem xét thấu đáo nguyện vọng chính đáng của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại